Vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ trong giải quyết căng thẳng Serbia-Kosovo

Thổ Nhĩ Kỳ đặt mục tiêu trở thành một trong những nhân tố nước ngoài có ảnh hưởng nhất ở Balkan.

Chú thích ảnh
Lực lượng gìn giữ hòa bình NATO bảo vệ một tòa nhà ở bắc Kosovo. Ảnh: AP

Theo nhận định của nhà phân tích chính trị Nikola Mikovic ở Serbia, với việc Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan nắm quyền thêm 5 năm nữa, Ankara đang tìm cách tăng cường ảnh hưởng của nước này ở Balkan - khu vực từng là một phần của Đế chế Ottoman trong nhiều thế kỷ.

Căng thẳng leo thang ở phía Bắc Kosovo mang đến một cơ hội như vậy. Mặc dù khu vực Đông Nam Âu vẫn nằm trong quỹ đạo địa chính trị của Mỹ, nhưng Ankara có thể muốn bắt đầu đóng vai trò trung gian hòa giải trong các tranh chấp giữa Serbia và Kosovo.

Tình hình ở Kosovo gần biên giới Serbia, nơi người Serbia chiếm đa số dân số, leo thang vào ngày 26/5, khi cảnh sát Kosovo do Albania thống trị, được gọi là ROSU, chiếm giữ bốn tòa nhà đô thị trong khu vực, nhằm giúp đỡ các thị trưởng người Albania mới đắc cử nhậm chức. Người dân Serbia đã tẩy chay cuộc bầu cử trước đó vào ngày 23/4, vì vậy mặc dù các cuộc bỏ phiếu vẫn diễn ra, nhưng kết quả không phản ánh mong muốn của đa số trong khu vực.

Hành động của ROSU đã khiến Mỹ tức giận và - mặc dù là người ủng hộ chính của Kosovo - Washington đã loại Kosovo khỏi các cuộc tập trận quân sự do Mỹ lãnh đạo ở châu Âu. Thay vào đó, quân đội Mỹ tổ chức các cuộc tập trận chung với quân đội Serbia gần thị trấn Bujanovac, cách Kosovo không xa.

Nhận thấy rõ rằng không thể tin tưởng hoàn toàn vào sự hỗ trợ của phương Tây, nhà lãnh đạo Kosovo Albin Kurti có thể bắt đầu tìm kiếm các đối tác thay thế, với hy vọng cải thiện vị thế của Kosvos trên trường quốc tế. Thổ Nhĩ Kỳ có thể là một trong số đó.

Ankara đã triển khai khoảng 500 lính biệt kích Thổ Nhĩ Kỳ tới miền Bắc Kosovo để đáp ứng yêu cầu hỗ trợ của NATO nhằm dập tắt tình trạng bất ổn. Họ đã bắt đầu tuần tra các thành phố do đa số người Serbia sinh sống ở phía bắc Kosovo. Quan trọng hơn, Thổ Nhĩ Kỳ được cho là sẽ sớm nắm quyền chỉ huy sứ mệnh NATO do Mỹ đứng đầu ở Kosovo.

Nhưng mặc dù theo truyền thống, Ankara được coi là đồng minh của người Hồi giáo ở Balkan, bao gồm cả người Albania, điều đó không nhất thiết có nghĩa là Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đứng về phía chính quyền Kosovo để chống lại người Serbia chiếm đa số ở miền Bắc. Tuy nhiên, cuộc gặp gần đây giữa ông Kurti với đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ tại Pristina chắc chắn thể hiện nỗ lực của ông nhằm giành được sự ủng hộ của Ankara trong bối cảnh căng thẳng với Mỹ.

Không có gì bí mật khi Thổ Nhĩ Kỳ đặt mục tiêu trở thành một trong những nhân tố nước ngoài có ảnh hưởng nhất ở Balkan. Ankara đã đóng một vai trò “kiến tạo hòa bình” quan trọng trong các cuộc xung đột khác nhau, từ Syria đến Libya hay Ukraine, nơi mà sự hòa giải của Thổ Nhĩ Kỳ đã dẫn đến thỏa thuận ngũ cốc được ký kết giữa Moskva và Kiev. Vì cuộc đối thoại do EU tạo điều kiện giữa Serbia và Kosovo không giúp giảm bớt căng thẳng, nên ông Erdogan nhìn thấy cơ hội để Ankara làm trung gian hòa giải cho cuộc xung đột này.

Mặc dù Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ việc Kosovo đơn phương tuyên bố độc lập khỏi Serbia vào năm 2008, nhưng ông Erdogan dường như đang chọn cách tiếp cận mang tính xây dựng, cân bằng, điều này cũng hàm ý tôn trọng lợi ích của Serbia trong khu vực. Serbia - cũng như các thành viên EU khác là Tây Ban Nha, Hy Lạp, Romania, Slovakia và Síp - coi Kosovo là một phần không thể tách rời của Serbia, đó là lý do Thổ Nhĩ Kỳ đang cố gắng cân bằng mối quan hệ kinh tế mạnh mẽ với quốc gia Đông Nam châu Âu này, vốn có mối quan hệ lịch sử và văn hóa với người Albania ở Kosovo.

Hiện Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic coi Ankara là một bên có thể “giúp duy trì sự ổn định ở miền Bắc Kosovo” và cũng là một “người bạn thực sự” của Serbia. Thật vậy, bất chấp những quan điểm khác nhau về tình trạng của Kosovo, quan hệ giữa Belgrade và Ankara đã được cải thiện đáng kể trong thập kỷ qua.

Công dân Serbia có thể tới Thổ Nhĩ Kỳ mà không cần hộ chiếu, trong khi Ankara tiếp tục tăng cường sự hiện diện kinh tế tại quốc gia Balkan này. Khoảng 3.300 công ty Thổ Nhĩ Kỳ đang hoạt động tại Serbia. Hơn nữa, tổng trao đổi thương mại giữa Serbia và Thổ Nhĩ Kỳ đạt gần 2,5 tỷ euro (2,7 tỷ USD) vào năm 2022, trong khi khối lượng thương mại giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Kosovo thấp hơn nhiều, chỉ khoảng 690 triệu USD.

Belgrade và Ankara cũng được cho là sẽ tăng cường hợp tác về quốc phòng, đặc biệt là sau khi ông Erdogan được cho là đã cam kết cung cấp cho quốc gia Balkan không giáp biển này các máy bay không người lái Bayraktar. Tuy nhiên, lực lượng an ninh Kosovo đã nhận được 5 máy bay không người lái do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất, điều đó có nghĩa là Ankara có thể muốn thu lợi bằng cách bán vũ khí cho cả hai bên.

Sự hiện diện quân sự gia tăng của Thổ Nhĩ Kỳ ở Kosovo chắc chắn sẽ giúp Ankara củng cố vị thế của mình trong khu vực, đặc biệt là khi phương Tây đang bị chi phối bởi cuộc xung đột ở Ukraine. Đồng thời, điều đó sẽ giúp Ankara thể hiện mình là một đối tác công bằng, có uy tín đối với cả Serbia và Kosovo.

Nhưng xét đến việc Mỹ, chuyên gia Mikovic lưu ý rằng với cơ sở Bondsteel tại Kosovo - căn cứ quân sự nước ngoài lớn nhất và tốn kém nhất do Mỹ xây dựng ở châu Âu kể từ sau những năm 1970 - vẫn là cường quốc nước ngoài lớn đang hoạt động ở Balkan, Thổ Nhĩ Kỳ khó có thể theo đuổi một chính sách đối ngoại hoàn toàn độc lập trong khu vực. Thay vào đó, Ankara gần như sẽ phải phối hợp hầu hết các động thái của mình với Washington.

Công Thuận/Báo Tin tức (Theo arabnews.com)
Nỗ lực của EU nhằm hạ nhiệt căng thẳng Serbia-Kosvo không đạt được kết quả
Nỗ lực của EU nhằm hạ nhiệt căng thẳng Serbia-Kosvo không đạt được kết quả

Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Josep Borrell xác nhận trong những cuộc đàm phán riêng rẽ với EU tại Brussels (Bỉ) ngày 22/6, các nhà lãnh đạo của Serbia và Kosovo không đạt được đồng thuận về những giải pháp hạ nhiệt căng thẳng giữa hai bên.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN