Trong một thông báo được hãng tin Reuters của Anh ngày 29/5 dẫn lại, KFOR, phái bộ gìn giữ hòa bình do tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đứng đầu tại Kosovo cho biết các binh sỹ bị thương thuộc lực lượng KFOR của Italy và Hungary. Họ đã trở thành đối tượng của các cuộc tấn công vô cớ và bị thương do gãy xương và bỏng do vụ nổ của các thiết bị gây cháy khi chống lại những phần tử tích cực ở vòng ngoài cuộc biểu tình.
KFOR đã lên án các hành vi bạo lực còn Tổng thống Kosovo Vjosa Osmani cáo buộc người đồng cấp Serbia Aleksandar Vucic gây bất ổn cho Kosovo. Trong khi đó, Đài truyền hình nhà nước RTS của Serbia dẫn lời Bộ Quốc phòng nước này cho biết hai người Serbia đã bị thương trong các cuộc đụng độ.
Căng thẳng đã leo thang sau khi các thị trưởng gốc Albanian nhậm chức tại những thị trấn mà người Serb chiếm đa số ở phía Bắc Kosovo. Những thị trưởng này lên nắm quyền sau cuộc bầu cử mà người Serb tẩy chay.
Nhân chứng cho biết tại Zvecan, một trong những thị trấn nêu trên, cảnh sát Kosovo - được biên chế bởi người Albania sau khi người Serb rời lực lượng này vào năm ngoái - đã xịt hơi cay để đẩy lùi đám đông người Serb vượt qua hàng rào an ninh và cố gắng xông vào tòa thị chính.
Những người biểu tình Serbia ở Zvecan đã ném hơi cay và lựu đạn gây choáng vào các binh sĩ NATO. Họ cũng đụng độ với cảnh sát ở đây và phun sơn lên các phương tiện của NATO.
Tại Leposavic, thị trấn gần biên giới với Serbia, lực lượng gìn giữ hòa bình của Mỹ trong trang phục chống bạo động đã giăng hàng rào thép gai xung quanh tòa thị chính để bảo vệ trụ sở này khỏi hàng trăm người Serbia giận dữ. Cuối ngày, những người biểu tình ném trứng vào chiếc ô tô của tân thị trưởng Leposavic.
Các nhân chứng cho biết lực lượng gìn giữ hòa bình của NATO cũng phong tỏa tòa thị chính ở thị trấn Zubin Potok để bảo vệ nó khỏi những người Serb địa phương giận dữ.
Igor Simic, phó Chủ tịch của đảng Danh sách người Serb, đảng người Serb ở Kosovo lớn nhất do Belgrade hậu thuẫn, cáo buộc Thủ tướng Kosovo Albin Kurti đã gây căng thẳng ở phía Bắc.
"Chúng tôi quan tâm đến hòa bình. Người Albania sống ở đây quan tâm đến hòa bình, và chỉ có anh ta (Kurti) muốn gây hỗn loạn", Simic nói với các phóng viên ở Zvecan.
Trong khi đó, theo Bộ trưởng Quốc phòng Serbia Milos Vucevic, Tổng thống nước này, ông Aleksandar Vucic, người động thời là Tổng Tư lệnh các lực lượng vũ trang Serbia, đã nâng mức độ sẵn sàng chiến đấu của quân đội lên mức cao nhất.
Người Serb, chiếm đa số ở phía Bắc Kosovo, chưa bao giờ chấp nhận tuyên bố độc lập khỏi Serbia năm 2008 và vẫn coi Belgrade là thủ đô của họ hơn hai thập kỷ sau cuộc nổi dậy của người Albania ở Kosovo chống lại người Serbia.
Người dân tộc Albania chiếm hơn 90% dân số ở Kosovo nói chung, nhưng người Serbia ở phía Bắc Kosovo từ lâu đã yêu cầu thực hiện thỏa thuận năm 2013 do Liên minh châu Âu (EU) làm trung gian để thành lập Hiệp hội các đô thị tự trị trong khu vực của họ.
Người Serb đã từ chối tham gia cuộc bầu cử địa phương vào tháng 4 vừa qua và các ứng cử viên người Albania đã giành được chức thị trưởng ở 4 thị trấn mà người Serb chiếm đa số, bao gồm cả Bắc Mitrovica, nơi không có sự cố nào xảy ra vào hôm 29/5, được báo cáo.
Người Serb yêu cầu chính phủ Kosovo loại bỏ các thị trưởng người gốc Albania khỏi các tòa thị chính và cho phép chính quyền địa phương được Belgrade hậu thuẫn tiếp tục công việc của họ.
Bộ trưởng Ngoại giao Serbia Ivica Dacic cũng nói với đài RTS rằng "không thể có các thị trưởng không được bầu bởi người Serb ở các thị trấn mà người Serb chiếm đa số".
Tuy nhiên, về phần mình, Thủ tướng Kosovo Albin Kurti bảo vệ quan điểm của Pristina. Viết trên Twitter sau cuộc điện thoại vào cuối tuần với người đứng đầu chính sách đối ngoại của EU, ông Kurti nhấn mạnh các thị trưởng được bầu sẽ cung cấp dịch vụ cho mọi công dân (ở những thị trấn họ nắm quyền lãnh đạo).