Ukraine cần gì từ các đối tác châu Âu trong năm 2024?

Trong năm 2024, ưu tiên hàng đầu của Chính phủ Ukraine là chấm dứt xung đột với Nga trong khi giành lại quyền kiểm soát càng nhiều lãnh thổ càng tốt.

Chú thích ảnh
Ukraine sẽ gặp thách thức lớn với mục tiêu giành lại biên giới như trước năm 2014. Ảnh: UNIAN

Theo bình luận của Luigi Lonardo, Giảng viên luật EU tại Đại học Cork (Ireland) trên Tạp chí Quốc phòng Anh (ukdefencejournal.org.uk), Tổng thống Volodymyr Zelensky tuyên bố Ukraine sẽ chỉ ngừng chiến đấu khi giành lại được đường biên giới trước năm 2014, trong đó có Crimea.

Mục tiêu này rất khó xảy ra vào năm 2024, nhưng nếu muốn có hy vọng đạt được điều đó, Ukraine sẽ cần sự giúp đỡ từ các đối tác châu Âu - những đối tác chính là EU, vốn thường thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ đối với Kiev (với một số ngoại lệ đáng chú ý) và Anh. Sự giúp đỡ có thể sẽ được thực hiện dưới ba hình thức.

Thứ nhất, hỗ trợ quân sự. Mặc dù Nga có quân số đông hơn nhưng Ukraine cho đến nay vẫn có thể ngăn chặn lực lượng Nga tiến sâu hơn ở phía Nam và vùng Donbas ở phía Đông. Điều này chủ yếu là do các thiết bị quân sự phức tạp được các đối tác bán hoặc viện trợ cùng thông tin tình báo được NATO và Mỹ cung cấp.

Để tránh bị áp đảo, Ukraine sẽ cần sự hỗ trợ liên tục của các đồng minh vào năm 2024 vì Kiev gần như cạn kiệt trang thiết bị. Nước này gần như hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của phương Tây về pháo binh, hệ thống tên lửa và đạn dược, theo báo cáo của một nghiên cứu từ Quốc hội Hoa Kỳ.

EU đã phân bổ tài chính cho các quốc gia thành viên để cung cấp thiết bị quân sự cho Kiev và giờ đây, lần đầu tiên trong lịch sử, EU sẽ tài trợ cho các quốc gia thành viên để hỗ trợ sản xuất thiết bị quân sự. EU tài trợ cho các quốc gia thành viên thông qua một quỹ chung đặc biệt gọi là Quỹ Hòa bình Châu Âu (để chuyển giao vũ khí hiện có) hoặc thông qua ngân sách của mình (để hỗ trợ chi phí sản xuất).

Thứ hai, hỗ trợ kinh tế. Vì xung đột, Ukraine đang mắc nợ tài chính khổng lồ. Nhưng không giống như các quốc gia khác có cùng điều kiện, tình hình kinh tế tồi tệ của nước này khó quản lý hơn nhiều do những nỗ lực chiến tranh. Quốc hội Mỹ quyết định chặn viện trợ tài chính cho Kiev, và hiện EU cũng làm điều tương tự.

Tuy nhiên, lý do EU quyết định không cam kết thêm tiền không phải là Mỹ chưa làm như vậy. Thay vào đó, Thủ tướng Hungary Viktor Orbán là người đã phủ quyết việc chuyển 50 tỷ euro viện trợ của EU cho Ukraine.

Thứ ba, hỗ trợ chính trị. Đây là nền tảng tư tưởng của hai hình thức hỗ trợ còn lại. Việc tác động đến dư luận cũng cần thiết. Đối với Kiev, điều quan trọng là dư luận ở châu Âu vẫn ủng hộ họ mạnh mẽ, để các nhà lãnh đạo có động lực đứng về phía Ukraine. Hỗ trợ chính trị có thể đến dưới hình thức tuyên bố công khai (ví dụ "sát cánh cùng Ukraine”), cũng như bằng cách đến thăm Kiev hoặc tiếp đón Tổng thống Zelensky.

Đây là những hành động cho thấy rằng, sau hai năm xung đột, cam kết của các đối tác châu Âu đối với Ukraine vẫn mạnh mẽ - bất chấp tổn thất kinh tế, vấn đề bầu cử, chuyển sự chú ý của quốc tế sang cuộc chiến giữa Israel và Hamas, cũng như sự mất đoàn kết giữa các nhà lãnh đạo châu Âu.
Một quyết định mang tính biểu tượng quan trọng khác là việc EU quyết định chính thức mở các cuộc đàm phán về tư cách thành viên với Kiev. Nhưng ở giai đoạn này, nó phần lớn chỉ mang tính biểu tượng vì quá trình gia nhập thường mất gần một thập kỷ.

Chú thích ảnh
Anh mới đây tuyên bố sẽ cung cấp khoản viện trợ mới cho Ukraine. Ảnh: AFP/TTXVN

Viện trợ sẽ tiếp tục?

Trong năm 2024, sẽ có ba cuộc bầu cử có khả năng dẫn đến những thay đổi: cuộc bầu cử tổng thống ở Nga vào tháng 3, cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu vào tháng 5 và cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11. Cho đến nay, Mỹ và EU là những nước ủng hộ Ukraine có ảnh hưởng nhất, nhưng những thay đổi trong bầu cử có thể đồng nghĩa với một chính sách khác. Anh cũng có khả năng sẽ tổ chức một cuộc tổng tuyển cử, nhưng cả hai đảng chính dường như đều cam kết tiếp tục viện trợ.

Viện trợ quân sự có vẻ sẽ không bị ảnh hưởng ít nhất cho đến cuộc bầu cử châu Âu. Đa số các quốc gia châu Âu đều muốn ngăn chặn Nga tiến sâu hơn vào Ukraine. Cho đến nay, điều này đã lấn át các tranh cãi chính trị, mặc dù một số nhân vật phản đối cho rằng việc cung cấp vũ khí cho Ukraine chỉ kéo dài xung đột và làm trầm trọng thêm tình trạng bất ổn. Ngoại trừ Chính phủ Ba Lan trước đây, chính phủ mới của Slovakia và Hungary, không có chính phủ thành viên EU nào khác tuyên bố sẽ dừng - hoặc đang xem xét dừng - việc bán hoặc viện trợ vũ khí cho Ukraine.

Điều này có thể sẽ tiếp tục ngay cả khi cự Tổng thống Mỹ Donald Trump trở lại nắm quyền và tuyên bố chấm dứt hỗ trợ quân sự của Mỹ cho Ukraine. 

Hỗ trợ tài chính liên tục từ EU cũng có vẻ khả thi. Tình hình ở Mỹ bất ổn hơn, nơi mà sự ủng hộ của lưỡng đảng dành cho Ukraine tồn tại từ đầu cuộc chiến dường như đã bị lung lay. 

Tóm lại, Ukraine phải đối mặt với thách thức ghê gớm trong việc lấy lại đường biên giới như trước năm 2014. Để đạt được điều này, việc tiếp tục hỗ trợ quân sự, viện trợ kinh tế và sự ủng hộ chính trị vững chắc từ các đối tác châu Âu, đặc biệt là EU và Anh, là rất quan trọng.

Mặc dù khó có thể xảy ra sự thay đổi chính sách ở EU, nhưng khả năng về việc ông Trump trở thành tổng thống Mỹ vào năm 2024 mang lại nhiều điều không chắc chắn đối với Ukraine - và đó là một trong những lo lắng lớn nhất của Tổng thống Ukraine Zelensky.

Vũ Thanh/Báo Tin tức (Theo ukdefencejournal.org.uk)
Tổng thống Ukraine tới Davos thúc đẩy kế hoạch hòa bình trước 83 quốc gia
Tổng thống Ukraine tới Davos thúc đẩy kế hoạch hòa bình trước 83 quốc gia

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy, với sứ mệnh bảo vệ đất nước, đã từng là tâm điểm của giới lãnh đạo toàn cầu. Nhưng lúc này, ông đang cố gắng tránh trở thành người ngoài cuộc trong “bữa tiệc” của họ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN