Theo tờ Pravda Châu Âu (Ukraine) ngày 13/1, sau khi ký kết thỏa thuận an ninh giữa Ukraine và Anh, lãnh đạo hai nước dường như có quan điểm khác nhau về việc liệu có thể gọi đây là thỏa thuận về bảo đảm an ninh hay không.
Tổng thống Volodymyr Zelensky đã sử dụng từ "đảm bảo an ninh" khi mô tả thỏa thuận tại cuộc họp báo ở Kiev sau khi ký kết thỏa thuận, chẳng hạn như nói rằng: "Ukraine đã nhận được đảm bảo an ninh từ một cường quốc toàn cầu, Vương quốc Anh".
Tuy nhiên, Thủ tướng Anh Rishi Sunak đã chọn một thuật ngữ khác khi nói về văn bản đã ký, nhấn mạnh nhiều lần rằng thỏa thuận liên quan đến "cam kết an ninh".
Ông Sunak đã đột ngột thay đổi cách diễn đạt trong bài phát biểu, nói rằng thỏa thuận đã ký kết "mở rộng cam kết an ninh từ Anh cho Ukraine lên mức chưa từng có". "Bảo đảm an ninh" là một thuật ngữ pháp lý toàn diện hơn và có tầm quan trọng cao hơn "cam kết an ninh". Cam kết không đi kèm với một ràng buộc pháp lý.
Ngay sau đó, khi tờ Pravda châu Âu đề nghị ông Sunak làm rõ liệu có thể nói về bảo đảm an ninh như Ukraine khẳng định hay không, Thủ tướng Sunak đã nhấn mạnh rằng đây là những "cam kết an ninh" như một phần trong lời hứa mà Ukraine nhận được từ các nước G7 tại hội nghị thượng đỉnh NATO năm ngoái.
Theo Pravda châu Âu, điều quan trọng cần nhớ là ngôn từ được sử dụng giữa hai bên có tác động chính trị đáng kể. Cụm từ "cam kết an ninh" gây rắc rối cho Ukraine vì nó được sử dụng trong tiêu đề của Bản ghi nhớ Budapest. Vì lý do này, Ukraine kiên quyết áp dụng cụm từ "đảm bảo an ninh", điều mà các đối tác quốc tế chưa chuẩn bị sẵn sàng.
Đáng chú ý, văn bản của thỏa thuận giữa Ukraine và Anh được công bố hôm 12/1 không có những điều khoản trên. Thay vào đó, tài liệu đề cập đến “hợp tác an ninh” và “hỗ trợ an ninh”.
Thủ tướng Sunak và Tổng thống Zelensky đã ký Thỏa thuận Hợp tác An ninh Anh-Ukraine và có hiệu lực cho đến khi Ukraine gia nhập NATO, trong lần ông Sunak thăm Kiev vào ngày 12/1.
Theo Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) có trụ sở tại Mỹ, thỏa thuận này bao gồm các nỗ lực chung hỗ trợ Ukraine gia nhập NATO trong tương lai, bao gồm hỗ trợ toàn diện cho Ukraine để bảo vệ và khôi phục toàn vẹn lãnh thổ cũng như hỗ trợ Ukraine hội nhập vào một số thể chế phương Tây.
Thỏa thuận cũng nêu rõ rằng Chính phủ Anh sẽ hợp tác với cơ sở công nghiệp quốc phòng (DIB) trong nước để giúp phát triển DIB của Ukraine. Anh là quốc gia đầu tiên ký thỏa thuận với Ukraine trên cơ sở tuyên bố chung G7 ủng hộ Ukraine vào tháng 7/2023 và ít nhất 24 quốc gia không thuộc G7 đã tham gia tuyên bố.
Tại Kiev, Thủ tướng Sunak cũng công bố gói hỗ trợ quân sự trị giá 2,5 tỷ bảng Anh, bao gồm tên lửa tầm xa, các hệ thống phòng không, đạn pháo và các điều khoản an ninh hàng hải, và ít nhất 200 triệu bảng Anh trong số này được phân bổ riêng cho sản xuất và mua sắm máy bay không người lái, hầu hết trong số đó Anh dự kiến sẽ sản xuất.
Ngoài ra, ông Sunak cũng công bố bổ sung 18 triệu bảng Anh để hỗ trợ các nỗ lực nhân đạo ở tuyến đầu và củng cố cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine, đồng thời nhắc lại cam kết của Anh về hỗ trợ lâu dài cho Ukraine, nhấn mạnh rằng thỏa thuận an ninh mới giữa Anh và Ukraine sẽ kéo dài "100 năm hoặc hơn".