Tổng thống Ukraine tới Davos thúc đẩy kế hoạch hòa bình trước 83 quốc gia

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy, với sứ mệnh bảo vệ đất nước, đã từng là tâm điểm của giới lãnh đạo toàn cầu. Nhưng lúc này, ông đang cố gắng tránh trở thành người ngoài cuộc trong “bữa tiệc” của họ.

Chú thích ảnh
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói về Thỏa thuận Hợp tác an ninh giữa Ukraine và Vương quốc Anh ký kết hôm 12/1. Ảnh cắt từ clip do Văn phòng  Tổng thống Ukraine phát hôm 12/1/2024

Theo tờ Politico, xung đột Israel-Hamas và chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ đang thu hút phần lớn sự chú ý trước thềm Diễn đàn Kinh tế Thế giới thường niên ở Davos, vùng núi Thụy Sĩ. Cuộc chiến của Nga với Ukraine lúc này không còn được chú ý nhiều nữa, trong bối cảnh viện trợ tài chính và quân sự của phương Tây dành cho Kiev ngày càng không chắc chắn khi cuộc chiến bước sang năm thứ ba.

Diễn đàn Kinh tế thế giới Davos mang đến một trong những cơ hội đang dần hiếm hoi để ông Zelensky chứng minh rằng Ukraine xứng đáng được tiếp tục ủng hộ vì cuộc đấu tranh của nước này sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ thế giới phương Tây. Đây cũng là cơ hội để người Ukraine thuyết phục giới thượng lưu kinh doanh có mặt tại Thụy Sĩ rằng đất nước của họ nên là điểm đến đầu tư khi họ tái thiết quốc gia sau chiến tranh.

Trước Diễn đàn, ngày 14/1, các quan chức an ninh từ 83 quốc gia đã tập trung tại Davos để thảo luận yêu cầu của Ukraine về việc chấm dứt chiến tranh với Nga, trong các cuộc đàm phán được đánh dấu bằng sự tham gia đông đảo của các nước không thuộc thế giới phương Tây, nhưng tiến bộ hướng tới hòa bình lại hạn chế.

Cuộc đàm phán thiếu Nga, Trung Quốc

Được tổ chức vào đêm trước Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở khu nghỉ dưỡng miền núi Thụy Sĩ, cuộc họp này là cuộc họp thứ tư được Kiev kêu gọi nhằm thúc đẩy các đề xuất hòa bình, trong đó bao gồm việc rút toàn bộ quân đội Nga khỏi lãnh thổ của Ukraine. Sự kiện này diễn ra khi cuộc chiến dường như đang rơi vào bế tắc, trước ngày đánh dấu tròn 2 năm xung đột.

Sự tham gia tích cực của các đại diện an ninh quốc gia từ Ấn Độ, Brazil và Saudi Arabia, những quốc gia “Nam Địa cầu” (Global South) vẫn duy trì quan hệ ngoại giao với Nga, được các quan chức phương Tây ca ngợi là một tín hiệu tích cực.

Andriy Yermak, chánh văn phòng của Tổng thống Ukraine, nói với các phóng viên sau cuộc họp rằng “các cuộc đàm phán cởi mở và rất mang tính xây dựng” đã được tổ chức giữa “các quốc gia muốn đứng về phía hòa bình". Tuy nhiên, ông nói thêm rằng quyết định của Trung Quốc, đồng minh quan trọng nhất của Moskva, không tham dự cuộc họp đã làm suy yếu tầm quan trọng của sự kiện. Bản thân Nga cũng không được mời.

Ngoại trưởng Thụy Sĩ Ignazio Cassis, người đồng chủ trì cuộc đàm phán, cho biết: “Sự tham gia của liên minh BRICS là rất quan trọng vì các nước này có mối quan hệ với Nga”. “Trung Quốc đóng một vai trò quan trọng. Chúng ta phải tìm cách hợp tác với Trung Quốc về vấn đề này”, ông Cassis nói thêm, trong phát biểu với các phóng viên giữa cuộc đàm phán.

Các quan chức cho biết một số quốc gia ngoài phương Tây đã nhắc lại quan điểm của họ rằng Nga nên tham gia và rằng một thỏa thuận sẽ giải quyết những lo ngại về an ninh của Moskva, chẳng hạn như mong muốn gia nhập liên minh quân sự NATO của Ukraine.

Tổng thống Zelensky cũng dự kiến ​​sẽ có bài phát biểu tại Diễn đàn Davos trong ngày 16/1. Và ông có thể sẽ gặp Ngoại trưởng Antony Blinken: “Về cơ bản, ông ấy muốn giữ Ukraine trong tâm trí mọi người”, một người quen thuộc với kế hoạch của chính quyền Zelensky, xin giấu tên, cho biết.

Chú thích ảnh
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (phải, phía trước) trong cuộc gặp Thủ tướng Anh Rishi Sunak tại Kiev, ngày 19/11/2022. Ảnh: AFP/TTXVN

Ukraine đang ra ngoài tâm điểm

Cuộc xung đột toàn diện giữa Nga và Ukraine bắt đầu vào tháng 2/2022, và trong khi Ukraine đã đẩy lùi các tàu Nga trở lại Biển Đen, thì chiến dịch trên bộ đã trở nên bế tắc khi cả hai bước vào “trò chơi bóng bàn” pháo binh. Các cuộc tấn công của Ukraine trong năm qua đã thu được tương đối ít bước tiến về lãnh thổ, nếu không muốn nói là chiến dịch phản công đã thất bại nặng. Moskva cũng có một số thành công hạn chế.

Trong khi đó, các đồng minh Mỹ và châu Âu của Kiev ngày càng căng thẳng trong nỗ lực tìm đủ vũ khí cung cấp cho Ukraine. Tại Mỹ, người ủng hộ hàng đầu của Kiev, các nhà lập pháp đang tranh cãi về gói hỗ trợ mới nhất dành cho Ukraine.

Sự chú ý của Mỹ dành cho Ukraine và cũng như các nguồn lực của nước này một phần nào đó đã bị kéo dãn bởi cuộc chiến Israel – Hamas. Cuộc xung đột đó đang dẫn đến các cuộc giao tranh trên khắp Trung Đông, có thể ảnh hưởng đến các tuyến đường thương mại và cung cấp năng lượng toàn cầu.

Mặc dù an ninh của Tổng thống Ukraine vẫn là mối lo ngại hàng đầu, nhưng ông Zelensky đã nhiều lần rời đất nước, tham gia các chuyến công du vận động ủng hộ cho Kiev. Matthias Matthijs, một nhà phân tích của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, cho biết việc ông bỏ qua Davos chắc chắn là không phù hợp.

“Ông ấy đã khởi động việc này khi có mặt ở khắp nơi đến mức nếu như ông đột nhiên không đến, thì điều đó giống như ông đã bỏ cuộc, phải vậy không”, ông Matthijs nói.

Hiện nay, có nhiều cuộc thảo luận hơn bao giờ hết trong giới quan chức và giới nghiên cứu về việc liệu có thể đàm phán để chấm dứt chiến tranh giữa Moskva và Kiev hay không.

Ignazio Cassis, Ngoại trưởng Thụy Sĩ ngày 14/1, nói với các phóng viên ở Davos rằng sẽ không có hòa bình nếu Nga không tham gia vào các cuộc đàm phán có ý nghĩa, nhưng Ukraine và các đối tác cũng không nên ngồi chờ Moskva sẵn sàng.

Chú thích ảnh
Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

Ông nhận xét: “Hiện tại, Nga không sẵn sàng đưa ra bất kỳ nhượng bộ nào”, đồng thời cho biết thêm rằng việc đẩy cả hai bên vào bàn đàm phán trong thời điểm giao tranh đang “bế tắc”.

Bằng chứng là đề xuất 10 điểm của Kiev cho thấy người Ukraine không hoàn toàn coi nhẹ đề xuất đàm phán hòa bình. Nhưng yêu cầu của họ - đặc biệt là việc khôi phục toàn bộ lãnh thổ của Ukraine - có thể là quá mức với Nga. Điện Kremlin chắc chắn không sẵn sàng từ bỏ vùng đất ở miền đông mà họ đã tiếp quản, sau khi sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014.

Nhiều nhà phân tích cũng tin rằng nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin khó có thể xem xét nghiêm túc bất kỳ cuộc đàm phán nào như vậy cho đến sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11/2024.

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo Politico)
Nga tuyên bố ngăn chặn cuộc tấn công bằng tên lửa của Ukraine
Nga tuyên bố ngăn chặn cuộc tấn công bằng tên lửa của Ukraine

Bộ Quốc phòng Nga cho biết quân đội nước này đã ngăn chặn cuộc tấn công của Ukraine ở khu vực biên giới Kursk, bắn hạ 3 tên lửa thời Liên Xô.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN