Báo trên dẫn nguồn tin giấu tên cho biết tài liệu này sẽ được ba bên ký kết, bao gồm Israel, Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) và Phong trào Hồi giáo Hamas.
Nhà nước mới và thủ đô chung
Theo báo Hayom, thỏa thuận gợi ý thành lập một Nhà nước Palestine trên vùng đất Bờ Tây và Dải Gaza, có tên gọi “Palestine Mới”. Tài liệu dự thảo này không nêu cụ thể cơ cấu chính trị của Nhà nước mới này, song ám chỉ sẽ có các cuộc bầu cử dân chủ diễn ra trong năm đầu hình thành chính phủ. Tại đó, mỗi người dân Palestine đều có quyền bỏ phiếu. Cùng lúc, Israel vẫn giữ quyền kiểm soát các đơn vị xây dựng trên vùng lãnh thổ.
Kế hoạch mới tuyên bố cả Israel và Palestine Mới sẽ cùng coi Jerusalem là thủ đô. Tuy nhiên, thành phố này sẽ không bị ngăn đôi, mà thay vào đó được cả hai bên cùng “chia sẻ”. Jerusalem vẫn sẽ do chính quyền thành phố Jerusalem quản lý, trong khi Palestine Mới tiếp quản hệ thống giáo dục, trả thuế. Hiện trạng quản lý các điểm linh thiêng trong thành phố vẫn sẽ được giữ nguyên.
Bộ phận người Arab tại Jerusalem sẽ được cấp quyền công dân Palestine Mới một cách đầy đủ, trái ngược với hệ thống thường trú hiện nay quy định không còn quyền công dân nếu người Palestine rời khỏi thành phố một khoảng thời gian dài.
Số phận Dải Gaza
Theo như thỏa thuận được nêu trong báo, biên giới Dải Gaza giữa Israel và Ai Cập sẽ được mở để lưu thông hàng hóa cũng như cho cư dân qua lại. Bên cạnh đó, một “cây cầu” cao 30 m nối Dải Gaza và Bờ Tây cũng sẽ được xây dựng. Một nửa chi phi xây cầu do Trung Quốc hỗ trợ, trong khi nửa còn lại sẽ chia đều cho Hàn Quốc, Australia, Canada, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU).
Báo Hayom dẫn nguồn tài liệu đề cập Ai Cập sẽ thuê đất của Palestine Mới gần Dải Gaza trong 5 năm sau khi hình thành Nhà nước. Khu vực này sẽ xây một sân bay, nhà máy cũng như phục vụ các hoạt động nông nghiệp, thương mại. Thỏa thuận quy định người Palestine không thể xây nhà trên vùng đất cho thuê.
Không có quân đội Palestine
Kế hoạch thỏa thuận mà Mỹ đưa ra bao gồm Palestine Mới sẽ không có quân đội, mà chỉ có cảnh sát là lực lượng duy nhất được trang bị vũ khí hạng nhẹ. Cả Palestine Mới và Israel sẽ cùng phải ký kết một hiệp ước quốc phòng, với điều kiện Israel đảm bảo an ninh cho Palestine Mới trước các thế lực khiêu khích bên ngoài và sẽ được trả công.
Cùng lúc, thỏa thuận yêu cầu tất cả binh sĩ Hamas phải giải giáp vũ khí. Cả Hamas và Israel sẽ cùng trả tự do tù nhân 1 năm sau khi bầu cử tại Palestine Mới được tiến hành. Các thành viên phong trào Hamas sẽ tiếp tục nhận được lương từ các đơn vị hỗ trợ cho tới khi cơ cấu được thay đổi với chính quyền hình thành mới.
Thỏa thuận của Mỹ cũng gợi ý chia kế hoạch đầu tư 30 tỷ USD cho các dự án quốc gia tại Palestine Mới trong 5 năm đầu tiên cho Mỹ, Liên minh châu Âu và các quốc gia vùng Vịnh. Mỹ cũng sẵn sàng hủy mọi công tác hỗ trợ cho bất kỳ bên nào vi phạm thỏa thuận ký, dù đó là Hamas hay Israel.
Một quan chức cấp cao Nhà Trắng giấu tên từ chối xác nhận tính xác thực của tài liệu được Hayom công bố. Cái gọi là “thỏa thuận thế kỷ” mà trước đó Tổng thống Trump thông báo hiện vẫn đang là một bí mật với dư luận, rất có ít thông tin về thỏa thuận này được truyền thông đề cập. Tính đến thời điểm hiện tại, bài viết trên Hayom là chi tiết nhất.
Tờ báo chỉ ra rằng nhiều điểm trong tài liệu có phần tương đồng với các tuyên bố trước đây của Cố vấn về Trung Đông của Tổng thống Trump, ông Jared Kushner.
“Thỏa thuận thế kỷ” của người Hồi giáo được cho đóng vai trò là một giải pháp cho cuộc xung đột giữa người Palestine và người Israel, nảy sinh từ việc thành lập nhà nước Do Thái vào năm 1948. Cuộc xung đột này đã dẫn đến một số cuộc chiến đẫm máu giữa Israel và các nước láng giềng Arab. Nhà nước Do Thái thường xuyên báo cáo bị tấn công bởi tên lửa Hamas phóng từ lãnh thổ trong Dải Gaza.