Trừng phạt Nga: Gậy ông chẳng trúng lưng người?

Trong bối cảnh quan hệ phương Tây và Nga đang trong giai đoạn căng thẳng vì vấn đề Ukraine, một câu hỏi được đặt ra là phương Tây thu được những gì sau các lệnh trừng phạt, việc giá dầu sụt giảm và đồng ruble của nước Nga lao dốc? Và liệu bấy nhiêu ngón đòn có đủ sức thay đổi quan điểm của Tổng thống Putin về vấn đề Ukraine?

Binh sĩ Ukraine chuẩn bị bắn đạn pháo nhằm vào lực lượng li khai tại làng Pisky, gần sân bay Donetsk ngày 5/12. Ảnh: AFP/ TTXVN


Trong một bản báo cáo mới đây, Liên Hợp quốc thống kê trước tháng 11 năm nay, có khoảng 454.000 người đã rời Ukraine, hơn 387.000 người đã đến Nga. Vấn đề ở miền đông của Ukraine được định nghĩa bởi việc nhiều người trong khu vực nơi cuộc sống đảo lộn vì bom rơi đạn lạc, cảm thấy gần gũi với Moskva hơn Kiev. Tuy nhiên, con số gần 400.000 người tị nạn, chưa xét đến việc họ có mang sắc tộc Nga hay không, không phải là điều mà Nga trông đợi vào thời điểm quốc gia này đang có những vấn đề kinh tế riêng cần phải đương đầu.

Với số lượng người nhập cư trên và những hậu quả kinh tế mà Nga đang phải gánh chịu, không có gì ngạc nhiên khi phương Tây lại trông chờ ông Putin thay đổi chính sách của mình. Tuy nhiên, không có dấu hiệu chắc chắn nào của sự thay đổi. Bất chấp những tác động mà các lệnh trừng phạt của Mỹ và châu Âu tạo ra với kinh tế nước Nga, chúng ta không thể lường trước những thay đổi trong chính sách đối ngoại của Nga, mà cụ thể là ở vấn đề Ukraine.

Sẽ có một lệnh ngừng bắn ở Ukraine, nước Nga sẽ tiếp tục bán khí đốt cho Ukraine, và hẳn là Tây Ukraine sẽ xích lại gần hơn với Liên minh châu Âu trong khi Đông Ukraine sẽ có vị thế độc lập gần như một nhà nước?

Thay vì nhận thấy một sự thay đổi lớn trong quan hệ với Ukraine, phương Tây sẽ phải trông chừng ông Putin khi nhà lãnh đạo của nước Nga khôi phục các quan hệ với Trung Quốc, Ấn Độ và thậm chí là Iran. Và từ cách mà ông Putin đang phản ứng lại với những lệnh trừng phạt của phương Tây, với giá dầu sụt giảm và sự mất giá của đồng nội tệ, có thể thấy, Nga sẽ ít phụ thuộc vào phương Tây hơn trong tương lai. Có thể nào, lịch sử lại cho thấy bài học rút ra từ các lệnh trừng phạt của phương Tây là việc phần còn lại của thế giới trở nên mạnh hơn và ảnh hưởng của Mỹ ở khu vực châu Á bị hạn chế?

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (phải) ngày 11/12 có cuộc gặp với Tổng thống Nga Vladimir Putin đang trong chuyến thăm nước này. Ảnh: AFP-TTXVN


Ví dụ của điều đang diễn ra này đã có rất nhiều, từ thỏa thuận dầu khí trị giá nhiều tỉ USD của Nga với Trung Quốc, cho đến sự ủng hộ của Nga với việc xây dựng cơ sở hạ tầng và nhà máy điện của Ấn Độ. Trong tuần này, Tổng thống Nga Putin đã có chuyến thăm kéo dài một ngày ở Ấn Độ để củng cố thêm thỏa thuận xây dựng 25 nhà máy điện ở quốc gia đông dân thứ hai thế giới này bằng các nguồn tài nguyên của nước Nga.

Gần đây, ông Putin đã đề cập đến việc Nga mong muốn bảo đảm “vai trò là một nhà cung cấp năng lượng đáng tin cậy cho các thị trường châu Á”. “Về mặt lịch sử, Nga đã xuất khẩu phần lớn sản phẩm này cho phương Tây”, nhưng điều đó sẽ thay đổi. Ông Putin đã nói rõ ràng rằng, “sự tiêu thụ của châu Âu tăng quá chậm…, trong khi đó, các nền kinh tế của các nước châu Á đang phát triển một cách nhanh chóng”. Đây là một cách nói khác của việc ông đang tách nền kinh tế Nga khỏi phương Tây, việc mà cuối cùng, có thể lại chính là một hậu quả của các lệnh trừng phạt được phương Tây phát đi để đánh Nga.

Trong một diễn biến mới về các lệnh trừng phạt của phương Tây, hôm 11/12, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã kêu gọi Quốc hội nước này không theo đuổi những lệnh trừng phạt kinh tế mới nhằm vào Nga, cho rằng một động thái như trên sẽ mạo hiểm đặt nước Mỹ vào tình thế bất đồng với châu Âu.

Phát biểu trước Hội đồng Xuất khẩu Nhà Trắng, ông Obama cho biết một nỗ lực như vậy sẽ “phản tác dụng” và là một nhầm lẫn chiến lược có thể khiến Tổng thống Nga Vladimir Putin thọc một mũi dùi vào nỗ lực quốc tế kìm hãm nhà lãnh đạo của nước Nga.

“Ông Putin không có những quân bài tốt… Ông Putin sẽ thành công nếu tạo ra một sự rạn nứt trong quan hệ xuyên Đại Tây Dương, nếu chúng ta nhìn thấy châu Âu bị phân tách khỏi Mỹ. Đó sẽ là một chiến thắng chiến lược cho ông ấy và tôi có ý định ngăn cản việc này”.

Tổng thống Mỹ Barack Obama đưa ra phát biểu trên trong bối cảnh một số nghị sĩ Đảng Cộng hòa trong Quốc hội đã kêu gọi chính quyền tăng cường các lệnh trừng phạt Nga. Trong khi đó, các quốc gia châu Âu vốn có nền kinh tế gắn kết hơn với nước Nga nhìn chung đã trở nên do dự hơn trong việc sử dụng thêm các biện pháp trừng phạt mạnh tay đánh vào nước Nga.


Anh Tiếu (Tổng hợp)

 Lý do chính quyền Canada ủng hộ Ukraine quyết liệt
Lý do chính quyền Canada ủng hộ Ukraine quyết liệt

Suốt thời gian xảy ra khủng hoảng Ukraine, một số người đã tỏ ra khá ngạc nghiên khi thấy Canada tỏ ra sốt sắng một cách đặc biệt trong việc lên án và chỉ trích Nga.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN