Suốt thời gian xảy ra khủng hoảng Ukraine, một số người đã tỏ ra khá ngạc nghiên khi thấy Canada tỏ ra sốt sắng một cách đặc biệt trong việc lên án và chỉ trích Nga. Canada luôn cho rằng Nga chính là nguyên nhân gây ra tình hình phức tạp hiện nay ở Ukraine. Chính phủ của Thủ tướng Stephen Harper thậm chí nhiều lúc còn vượt mặt đồng minh Mỹ trong phản ứng với Nga. Canada đồng thời liên tục hỗ trợ chính quyền Ukraine.Bộ trưởng Quốc phòng Canada Rob Nicholson. Ảnh: Canadian Press. |
Mới đây nhất, ngày 8/12, trong khuôn khổ chuyến thăm Ukraine, Bộ trưởng Quốc phòng Canada Rob Nicholson đã ký Ý định thư (DoI) với người đồng cấp nước này, Thượng tướng Stephen Poltorak. Hai nước cam kết sẽ tiếp tục hợp tác để củng cố năng lực chính phủ và lực lượng an ninh Ukraine, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và người dân nước Ukraine.
Ý định thư không phải là cam kết có tính ràng buộc về mặt pháp lý giữa hai nước trong khuôn khổ luật pháp quốc tế, Canada hay Ukraine. Tuy nhiên, vẫn là cam kết mở rộng hợp tác quân sự, đặc biệt là về xây dựng tiềm lực quốc phòng thông qua hoạt động hỗ trợ huấn luyện cho lực lượng quân cảnh, các biện pháp y tế và bảo vệ sức khỏe.
Tháng 4/2014, khi căng thẳng tại Ukraine lên cao, Canada đã điều động máy bay chiến đấu sang túc trực tại Ba Lan. Tiếp đó, trong tháng 8, Canada lại hỗ trợ trang bị quân sự phi sát thương cho Ukraine gồm thiết bị quân y và hậu cần như mũ sắt, kính đạn đạo, áo khoác bảo vệ, dụng cụ sơ cứu, lều bạt và túi ngủ.
Tháng 11, Canada viện trợ thêm trang bị quân sự cho Ukraine gồm hệ thống thông tin liên lạc chiến thuật, thiết bị xử lý chất nổ, kính nhìn đêm, các trang bị trong mùa Đông nhằm tăng cường khả năng hoạt động của lực lượng vũ trang Ukraine. Và vừa mới đây, tại Hội nghị Thượng đỉnh các nền kinh tế mới nổi G20 ở Australia, Thủ tướng Stephen Harper đã thẳng thừng yêu cầu Tổng thống Nga V. Putin "rút ra khỏi Ukraine."
Báo giới Canada nhận xét, không phải tự nhiên mà chính phủ Thủ tướng Harper lại ủng hộ Ukraine mạnh mẽ như vậy. Có hai nguyên nhân chủ yếu định hướng chính sách đối ngoại của Canada tại Ukraine.
Thứ nhất, và là vấn đề xuyên suốt, là học thuyết ngoại giao của Thủ tướng Harper. Theo Thủ tướng Harper, thế giới đang ngày càng trở nên phức tạp và khả năng của các đồng minh của Canada, trong đó quan trọng nhất là Mỹ, trong bảo vệ các lợi ích của Canada đang giảm sút và do vậy, Canada cần chuẩn bị để đóng góp nhiều hơn trong các vấn đề quốc tế. Ông Harper đã và đang cố gắng đưa Canada lên tuyến đầu tại các điểm nóng trên thế giới theo cách mà những người tiền nhiệm của ông chưa từng làm, trong đó Ukraine là một ví dụ tiêu biểu.
Thứ hai, thực chất là vấn đề tranh giành lá phiếu của đảng Bảo thủ cầm quyền, trong bối cảnh sắp diễn ra cuộc tổng tuyển cử vào năm 2015. Cộng đồng người Ukraine tại Canada hiện hơn 1,2 triệu người, là một sắc dân tương đối lớn tại đất nước đa chủng tộc này.
Như vậy, việc Chính quyền Thủ tướng Harper lựa chọn cách tiếp cận chính sách đối với Ukraine xuất phát từ những đánh giá như trên là điều dễ hiểu.
Lê Hoàng (
P/v TTXVN tại Canada)