Khi ngồi vào bàn đàm phán cùng Thổ Nhĩ Kỳ để thảo luận việc xây dựng một đường cung cấp khí đốt qua lãnh thổ nước này tới châu Âu, Tổng thống Nga Vladimir Putin hiểu rõ thế nào là chiến lược “kẻ thù của kẻ thù là bạn”. Hành động này của ông cũng đồng thời phơi bày điểm yếu chính trị mà Liên minh châu Âu (EU) không thể che đậy.Thổ Nhĩ Kỳ tuy không phải là kẻ thù của EU nhưng Tổng thống Tayyip Erdogan lại không nhận được nhiều tình cảm nồng ấm từ những cuộc đàm phán về tư cách thành viên của Thổ Nhĩ Kỳ trong liên minh này.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan (phải) và Tổng thống Vladimir Putin tại cuộc họp báo chung sau cuộc gặp ở Ankara. Ảnh: THX-TTXVN |
Chuyện càng tệ hơn khi một lượng các đảng cực hữu tại các quốc gia thuộc EU đang giành ưu thế trong các cuộc thăm dò ý kiến lại có tư tưởng chống tư cách thành viên của Thổ Nhĩ Kỳ bởi khác biệt cơ bản trong văn hóa và giá trị. Và chỉ những đảng ôn hòa hơn tỏ ra đồng ý vì nền tảng tôn giáo và những lí do khác.
Dù vẫn còn nhiều câu hỏi về phạm vi và quy mô của EU cũng như mối quan hệ của khối này với các quốc gia ở Cận Đông, song các quốc gia ở phía tây của châu Âu vẫn được khuyến cáo nên giữ các mối quan hệ thân thiện với Thổ Nhĩ Kỳ, không chỉ bởi vì các mối quan hệ kinh tế và dân số…
Trong khu vực, Thổ Nhĩ Kỳ là một quốc gia có vai trò quan trọng và có thể đóng một vai trò còn quan trọng hơn thế trong việc kiềm chế và chiến đấu chống các nhóm Hồi giáo cực đoan như nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Thế cho nên, đầu tháng 12, ông Putin đến mảnh đất này với nụ cười nở trên môi và ông không đến Ankara với hai bàn tay trắng. Vị Tổng thống của nước Nga trao cho Thổ Nhĩ Kỳ một món quà: khí đốt của Nga sẽ chảy đến Thổ Nhĩ Kỳ với mức giá ưu đãi, và sau đó tiếp tục tiến xa hơn đến các khách hàng ở châu Âu.
Cũng vì lẽ này, ông Putin đã hoãn dự án Dòng chảy phương Nam mà theo đó khí đốt của Nga vốn dự định sẽ chảy qua lãnh thổ Bulgaria, việc vấp phải nhiều chướng ngại từ EU. Trước các lệnh cấm vận kinh tế của EU với Nga và tập đoàn khí đốt quốc gia Gazprom liên quan đến vấn đề Ukraine, dự án Dòng chảy phương Nam đã trở nên bất khả thi, ít nhất trong thời gian tới.
Lợi ích của Nga tại Thổ Nhĩ Kỳ không phải là điều gì mới mẻ. Nga vẫn luôn muốn tiếp cận Địa Trung Hải cũng như khu vực Trung Cận Đông vì những lợi ích thương mại và địa chiến lược. Và giờ đây, với thỏa thuận mới kí kết với Thổ Nhĩ Kỳ, cùng những sự châm chọc quân sự liên tục trên vùng trời và biển châu Âu trước đó, ông Putin vừa khiêu khích EU và NATO hành động, lại vừa làm lộ ra điểm yếu của EU.
Ông là Tổng thống của Nga, và ông là người đưa ra quyết định. Về phía Thổ Nhĩ Kỳ, ông Erdogan là Tổng thống mới đắc cử và sở hữu cơ sở quyền lực tốt. Trong khi đó, dù EU cũng có một ủy ban mới được bầu chọn ra song không hoạt động hiệu quả bởi không có sự thống nhất, không có đường lối chung và gần như tất cả thời gian và tranh luận được dành cho các vấn đề nội khối.
Vấn đề của EU là phần “châu Âu” đang phình to ra trong khi phần “Liên minh” lại ngày càng bé lại. Thế nhưng nếu không có EU, các quốc gia thành viên sẽ chỉ nổi dập dềnh trên những con sóng chính trị quốc tế. Châu Âu cần phải thấy rằng, dù đế chế Anh quốc có từng lớn đến thế nào, các thuộc địa của Pháp từng nhiều ra sao hay lịch sử thương mại của Hà Lan có oanh liệt đến mấy chăng nữa, quá khứ cũng không phải là hiện tại.
Nếu châu Âu không thể thống nhất về vấn đề Ukraine hôm nay và các vấn đề khác trong tương lai gần, thì sự đương đầu của khối này với một Trung Quốc đang trỗi dậy mạnh mẽ, sự xuất hiện của các nhóm quốc gia Hồi giáo và sự vươn lên của các nước châu Phi trong lĩnh vực kinh tế cũng là những vấn đề cần phải xem xét. Và một khi các quốc gia châu Âu còn đấu đá nhau ở từng tiểu tiết thì rất khó để loại bỏ hình ảnh “tay chân" của Mỹ
Có lẽ đã đến lúc các chính khách châu Âu thể hiện khí phách của mình. Và điều mà họ cần phải ghi nhớ là thời gian đang trôi đi rất nhanh.
Anh Tiếu (
Theo Forbes)