Triển vọng kinh tế châu Á 2015

Trong bối cảnh giá dầu thô vẫn duy trì ở mức thấp và nền kinh tế Mỹ đang trên đà tăng trưởng ổn định, nhiều người hy vọng các nền kinh tế châu Á sẽ phát triển mạnh mẽ trong năm 2015. Tuy nhiên, giới phân tích cảnh báo rằng các thách thức vẫn còn tồn tại và sẽ không phải toàn bộ các nước trong khu vực đều có một triển vọng tươi sáng.

Một số nhà phân tích cho rằng giá dầu giảm sẽ thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng bởi việc nhập khẩu dầu thô rẻ hơn sẽ giúp tiết kiệm chi phí, để từ đó đầu tư vào các lĩnh vực hiệu quả hơn của nền kinh tế. Các mặt hàng xuất khẩu tới Mỹ cũng sẽ được đẩy mạnh trong bối cảnh nền kinh tế của cường quốc này tiếp tục phục hồi và kế hoạch siết chặt tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ hồi cuối năm 2014 trên thực tế đã không gây ra một cuộc khủng hoảng tài chính như những gì mà nhiều người lo ngại.

Theo Cơ quan Nghiên cứu CIMB, mặc dù người tiêu dùng Mỹ vẫn đang phải chịu không ít hệ lụy từ suy thoái kinh tế, với tỷ lệ tiết kiệm chỉ cao hơn 3-4% so với giai đoạn trước cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, song hiện đã có những dấu hiệu cho thấy tỷ lệ tiết kiệm đã bắt đầu tăng, và nếu điều này tiếp diễn, hoạt động tiêu dùng cũng như tăng trưởng kinh tế cũng sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ. Và cùng với đó là những lợi ích kéo theo mà toàn bộ khu vực châu Á cũng được hưởng lợi.

Nhu cầu nội địa thấp là nguyên nhân kéo tăng trưởng châu Á tụt lùi. Ảnh: AFP/TTXVN


Tuy nhiên, CIMB cho rằng tăng trưởng kinh tế của khu vực Đông Nam Á trong năm 2015 rất không đồng đều. Trong khi Thái Lan được dự kiến là sẽ tăng trưởng tốt, chủ yếu nhờ vào những ảnh hưởng từ việc mức tăng trưởng năm 2014 bằng 0, và Philippines tiếp tục duy trì triển vọng khả quan nhờ vào giá dầu thấp, thì Malaysia và Indonesia lại phải đối mặt với "gió ngược chiều", không chỉ bởi đây là các nước xuất khẩu hàng hóa mà phần lớn là do nhu cầu tiêu dùng trong nước chững lại.

Tại Malaysia, nhu cầu tiêu dùng tụt dốc do các khoản nợ hộ gia đình tăng mạnh và sụt giảm lòng tin do đồng nội tệ yếu. Trong khi đó, tại Indonesia, chính phủ lại thiếu những lựa chọn chính sách. Các khoản nợ được ghi bằng đồng USD đồng nghĩa với việc chính phủ không thể hạ giá đồng nội tệ quá nhiều so với đồng USD. Khi đồng nội tệ chịu áp lực, người ta buộc phải tăng mức lãi suất và điều này chắc chắn sẽ kìm hãm tiêu dùng nội địa.

Thậm chí, CIMB còn dự đoán Singapore - nền kinh tế có mức thu nhập bình quân đầu người cao nhất khu vực - sẽ phải rất chật vật trong các vấn đề kinh tế trong năm 2015, mặc dù lĩnh vực xuất khẩu dự kiến tăng. Trên thực tế, quốc gia này hiện đang đối mặt với không ít khó khăn trong bối cảnh kinh tế phục hồi chậm sau khủng hoảng và chính quyền phải tiến hành các điều chỉnh cơ cấu trong lĩnh vực sản xuất do chi phí lao động tăng.

Bộ phận Nghiên cứu Toàn cầu của HSBC cho rằng giá dầu thấp và sự phục hồi nhẹ của nền kinh tế Mỹ cũng không đủ để nâng tăng trưởng của các nền kinh tế châu Á lên mức trước đây. Mặc dù tăng trưởng ở châu Á vẫn đứng ở top đầu so với các khu vực khác trên thế giới, song trên thực tế, tốc độ tăng trưởng vẫn thấp hơn nhiều so với mong đợi.

HSBC chỉ ra rằng nhu cầu nội địa thấp là nguyên nhân kéo tăng trưởng của khu vực tụt lùi. Một số chuyên gia thậm chí còn cho rằng giá dầu giảm nhiều khả năng sẽ tác động tiêu cực tới kinh tế, thay vì thúc đẩy tiêu dùng tại một số nền kinh tế đang nổi. Việc Indonesia, Ấn Độ, Malaysia, và xét theo một số yếu tố nào đó thì cả Thái Lan, gần đây đều cắt trợ giá nhiên liệu khiến người tiêu dùng không mạnh tay chi tiêu cho dù giá dầu quốc tế giảm.

HSBC nhận định nếu các nền kinh tế châu Á không thực hiện những cải cách lớn về cơ cấu nhằm tằng cường lợi nhuận trong sản xuất và tránh phải thực hiện thêm những biện pháp kích thích tiền tệ và tài chính (vốn sẽ làm tăng thêm các khoản nợ), tình trạng bất ổn về tăng trưởng chung mà châu Á đang phải đối mặt sẽ tiếp tục kéo dài, các doanh nghiệp sẽ ngày càng thận trọng hơn khi đầu tư vào châu Á và người tiêu dùng sẽ không còn sẵn sàng chi tiêu nữa. Theo HSBC, điều này sẽ không báo trước một triển vọng kinh tế tốt đẹp cho khu vực trong dài hạn.    


TTK

Indonesia - cường quốc kinh tế châu Á mới
Indonesia - cường quốc kinh tế châu Á mới

Indonesia hiện đang nổi lên là một cường quốc Đông Nam Á và được nhiều người so sánh với Trung Quốc 3 thập kỷ trước đây.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN