Mỹ trở lại là 'đầu tàu' kinh tế thế giới

"Mỹ lại một lần nữa trở thành động cơ tăng trưởng toàn cầu. Nền kinh tế đang khởi sắc và trong trạng thái tốt nhất từ thập niên 1990 trở lại đây”. Đó là chia sẻ của ông Allen Sinai - Giám đốc điều hành công ty Decision Economics có trụ sở tại New York - với Bloomberg.

Gần như đồng thời, báo cáo do các tập đoàn tài chính - ngân hàng hàng đầu thế giới như JPMorgan Chase (Mỹ), Deutsche Bank (Đức) và BNP Paribas (Pháp) công bố ngày 12/1 đều chung nhận định: Kinh tế Mỹ ở thời điểm cuối năm 2014 và đầu năm 2015 đã trở lại vị trí “đầu tàu” dẫn dắt tăng trưởng toàn cầu.

Theo các nhà kinh tế tại ba tổ chức này, Mỹ sẽ tăng trưởng ít nhất 3,2% trong năm 2014, mức cao nhất trong 10 năm trở lại đây. Đây cũng là lần đầu tiên tính từ năm 1999, Mỹ đạt được mức tăng trưởng vượt trung bình của kinh tế toàn cầu dựa trên số liệu được Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đưa ra.

Nhà đầu tư tại Sàn giao dịch chứng khoán New York. Ảnh: AFP/TTXVN.


Thậm chí, với mức tăng GDP đạt 4,6% trong quý II/2014 và 5% trong quý III/2014, kinh tế Mỹ trong năm 2014 được nhìn nhận là điểm sáng nhất của kinh tế toàn cầu, khi mà Khu vực sử dụng đồng euro cùng hai nền kinh tế lớn thứ hai và thứ ba thế giới là Trung Quốc và Nhật Bản hoặc tăng trưởng chậm lại, hoặc rơi vào suy thoái.

Mỹ đang bứt phá mạnh mẽ so với các nước khác nhờ thành công hơn trong xử lý khủng hoảng nợ từ các khoản vay dưới chuẩn (2007 - 2009). Sự đi lên này đồng thời cũng phản ánh một đặc điểm riêng biệt của Mỹ: Nền kinh tế nước này thường lún vào khủng hoảng đầu tiên nhưng cũng là nền kinh tế đầu tiên thoát khỏi các biến cố so với các nền kinh tế lớn khác nhờ sự ưu việt về chính sách.

Tỷ lệ chậm thanh toán các khoản vay trả góp tiêu dùng tại Mỹ (sửa nhà, mua ô tô, dùng thẻ tín dụng) đã xuống thấp kỷ lục 1,51% trong quý III, thấp hơn nhiều so với mức trung bình 2,3% của 15 năm qua.

Với số việc làm mới được tạo ra trong tháng 12/2014 là 252.000, tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ tính tới cuối năm ngoái đã giảm xuống 5,6%, mức thấp nhất kể từ tháng 6/2008. Tính chung trong cả năm 2014, đã có tổng số hơn 3 triệu việc làm mới được tạo ra ở Mỹ - mức lớn nhất trong 15 năm qua.

Điều này đặc biệt có ý nghĩa khi tiêu dùng nội địa đóng góp tới 85% GDP của Mỹ, trong khi các hoạt động xuất khẩu chỉ tạo ra 15%. Đà tăng trưởng vững của nền kinh tế là động lực chính để Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) quyết định ngừng chương trình nới lỏng định lượng (QE) từ 1/11/2014, từng được triển khai từ năm 2008.

Các chuyên gia kinh tế của Deutsche Bank dự báo GDP của Mỹ năm 2015 có thể tăng tới 3,7%. Với mức tăng trưởng như trên, kinh tế Mỹ sẽ đóng góp 18% vào động lực tăng trưởng toàn cầu, so với con số 11% của tất cả các nước công nghiệp gộp lại. Nó chấm dứt sứ mệnh đầu tàu kinh tế thế giới mà Trung Quốc và các nền kinh tế đang nổi đảm nhận trong suốt 15 năm qua. Nói cách khác, “thời kỳ các nước mới nổi dẫn dắt tăng trưởng toàn cầu đã qua rồi” - Nancy Lazar, đồng sáng lập viện nghiên cứu Cornerstone Macro (Mỹ) bình luận.

Ở chiều hướng đối ngược, khó khăn đã cận kề với các nước thuộc nhóm BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi). Brazil đã bị đánh tụt tín nhiệm vì các khoản nợ nước ngoài - lần đầu tiên trong một thập kỷ. Nga dần tiến vào ngưỡng suy thoái kinh tế do chịu tác động bởi giá dầu lao dốc và các lệnh trừng phạt của phương Tây.

Tăng trưởng tại Trung Quốc chững lại, ước tính chỉ còn 7,3% trong năm 2014 và 6,5% trong năm 2015. Chiều hướng trì trệ cũng lặp lại tại Ấn Độ, gắn với các yêu cầu cải cách kinh tế.

Sự bứt tốc của kinh tế Mỹ sẽ gây ra những thách thức không nhỏ với phần còn lại của thế giới. Tăng trưởng cao sẽ buộc Fed phải nâng lãi suất đã được giữ ở mức 0% trong suốt nhiều năm qua. Động thái này cộng với xu thế lên giá của đồng USD sẽ làm cho dòng vốn chuyển từ các thị trường mới nổi quay lại Mỹ, gây áp lực đối với đồng nội tệ và trách nhiệm trả lãi vay của nhiều quốc gia.


Hoài Thanh

Mỹ giành lại vị trí 'đầu tàu' kinh tế toàn cầu
Mỹ giành lại vị trí 'đầu tàu' kinh tế toàn cầu

Sau nhiều năm vật lộn khắc phục hậu quả nặng nề của cuộc đại suy thoái 2007-2009, kinh tế Mỹ giờ đây được đánh giá đã giành lại được vị thế đầu tàu của nền kinh tế toàn cầu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN