Toan tính của Indonesia trong quan hệ với Trung Quốc

Với chính sách đối ngoại độc lập và tích cực, kiên trì theo đuổi chính sách cân bằng nước lớn, Indonesia đang gặt hái được những thành quả nhất định trong cuộc chơi quyền lực khu vực. Tuy nhiên, chính sách không liên minh, liên kết cũng gây ra những hệ lụy mang tính chiến lược nếu nước này không có sự thực thi một cách hợp lý trong bối cảnh các cường quốc ngày càng tăng cường hiện diện, cạnh tranh tại khu vực.

Giao thông ở thủ đô Jakarta. Ảnh: AFP-TTXVN


Xung quanh chủ đề này, Báo “Bưu điện Jakarta” số ra mới đây có bài “Con đường tơ lụa trên biển khu vực thế kỷ 21” của tác giả Connie Rahakundini Bakrie – Giảng viên Đại học Indonesia (UI), Giám đốc Điều hành Học viện Quốc phòng và An ninh Jakarta. Sau đây là nội dung bài viết:

Sau khi thiết lập quan hệ quốc phòng vào ngày 13/4/1949, mối quan hệ giữa Indonesia và Trung Quốc vẫn tồn tại nhiều thăng trầm kéo dài đến sự kiện quan hệ ngoại giao song phương “đông cứng” vào tháng 10/1967. Hai nước bình thường hóa quan hệ vào năm 1990, nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược vào ngày 25/4/2005 và thúc đẩy hợp tác quốc phòng Trung Quốc – Indonesia lên tầm cao mới.

Hai bên cũng đã ký Bản ghi nhớ (MoU) về hợp tác quốc phòng vào tháng 11/2007 nhằm thúc đẩy thành lập diễn đàn tham vấn quốc phòng và hợp tác quân sự song phương. Đáng lưu ý, những văn kiện góp phần tạo nền tảng pháp lý cho hợp tác quốc phòng giữa Indonesia và Trung Quốc đã được đặt ra sớm hơn so với quan hệ quốc phòng của Indonesia và Mỹ. Mối quan hệ hợp tác quốc phòng sâu sắc giữa Indonesia với Mỹ chỉ thành hình dựa trên các chương trình khung hợp tác quốc phòng trước đó và sau này được phát triển dựa trên khuôn khổ quan hệ đối tác toàn diện được thiết lập năm 2010.

Tác giả cho rằng trước những toan tính chiến lược của chính quyền Tập Cận Bình giai đoạn 2013-2018, Indonesia nên tận dụng tối đa để thúc đẩy quan hệ hợp tác quốc phòng với Trung Quốc. Sách trắng Quốc phòng Trung Quốc mô tả sứ mệnh mới của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) trong thế kỷ 21 là hiện đại hóa với công nghệ tối tân trong lĩnh vực thông tin và hệ thống khí tài.

Quân đội Trung Quốc đã được tăng cường 850.000 quân đồn trú tại 7 quân khu Bắc Kinh, Nam Kinh, Thành Đô, Quảng Châu, Thẩm Dương, Lan Châu và Tế Nam. Pháo binh được trang bị tên lửa mang đầu đạn hạt nhân và thông thường. Hải quân Trung Quốc có 3 hạm đội đóng tại các căn cứ Bắc Hải, Đông Hải và Nam Hải với 235.000 lính có khả năng chiến đấu cao. Hạm đội Đông Hải được trang bị tàu ngầm có tầm bắn 2.100 km, cho phép triển khai chiến lược chống tiếp cận trên không chống lại sự hiện diện của Mỹ ở Tây Thái Bình Dương. Trong khi đó, Không quân Trung Quốc có 398.000 biên chế đồn trú tại bảy quân khu, bao gồm các lực lượng trinh sát, không kích, phòng không và tên lửa điều khiển.

Đến năm 2021, Mỹ sẽ cắt giảm ngân sách quốc phòng đến 28% trong khi Trung Quốc thậm chí tăng chi quốc phòng tới 64%. Với sự phát triển ngoạn mục trong lĩnh vực kinh tế, sức mạnh quân sự và công nghiệp quốc phòng, cũng như vị trí chiến lược của Indonesia trong bối cảnh đối đầu Trung - Mỹ ngày càng tăng, với lợi thế trong chính sách đối ngoại độc lập và tích cực đã đến lúc Indonesia đóng vai trò lớn hơn trong việc duy trì sự cân bằng khu vực.

Chiến lược tăng cường hiện diện đã thúc đẩy Mỹ mở rộng căn cứ quân sự trong khu vực từ Nhật Bản đến quần đảo Cocos khoảng 1.000 km về phía Nam Java, bao gồm Biển Đông - khu vực quan trọng nhất trong lợi ích cốt lõi của Mỹ tại khu vực. Trong chiến lược an ninh quốc gia năm 2010, Mỹ tuyên bố mạnh mẽ rằng sẽ bảo vệ các quốc gia đồng minh có tuyên bố yêu sách chủ quyền tại Biển Đông.

Nếu chính sách "tái cân bằng châu Á" được tiếp tục triển khai một cách quyết liệt, Indonesia sẽ mắc kẹt trong tình trạng "châu Á mất cân bằng" nếu chính sách không “phe nhóm” của nước này không được thực thi dứt khoát. Vì vậy, thời gian này rất thuận lợi để Indonesia xem xét đóng vai trò tích cực hơn trong cuộc chơi quyền lực khu vực.

Tác giả cho rằng Indonesia và Trung Quốc được dự đoán sẽ nằm trong số 10 quốc gia lớn nhất thế giới vào năm 2050, trong khi Australia và các nước ASEAN khác bị loại khỏi danh sách. Vì vậy, Indonesia cần phải khẳng định thái độ độc lập và tích cực bằng hành động thực tế.

Các lĩnh vực ưu tiên hợp tác quốc phòng giữa Indonesia và Trung Quốc hiện nay liên quan đến mô hình hợp tác bổ sung lợi ích của nhau, thứ nhất là lĩnh vực an toàn hàng hải (các tuyến đường biển thông tin/tuyến đường biển thương mại), hỗ trợ kịp thời chương trình hợp tác quốc phòng có định hướng chiến lược và toàn diện hơn.

Nếu nổ ra các cuộc chiến tranh giới hạn tại Biển Đông và một phần vùng biển sẽ trở thành khu vực chiến tranh, trong đó tuyến đường biển quốc tế của Indonesia và vùng biển Java sẽ thay thế cho tuyến đường biển quốc tế, Indonesia cũng trở thành tiền đồn, khu vực hậu cần, phòng vệ.

Thứ hai, sự phát triển của PLA sẽ tạo động lực lớn cho quân đội Indonesia (TNI ) và ngành công nghiệp quốc phòng nước này có điều kiện phát triển do khả năng quốc đảo nhận được sự hỗ trợ lớn hơn từ Trung Quốc so với từ Mỹ. Mỗi năm hệ thống vũ khí quốc phòng thiết yếu của TNI cần hơn 1.300 mặt hàng cho các lực lượng hải, lục, không quân trong khi Trung Quốc với tiềm lực lớn trong phát triển công nghiệp quốc phòng có thể cung ứng được các gói thầu cho quá trình xây dựng ngành công nghiệp quốc phòng Indonesia, hệ thống phòng thủ đáng tin cậy theo phong cách của Trung Quốc.

Thứ ba, liên quan đến cuộc chiến giành tài nguyên thiên nhiên không tái tạo, trong đó Trung Quốc đã áp dụng chiến lược theo mô hình Mỹ bằng cách phát triển các mỏ dầu dự trữ chiến lược thông qua xây dựng lực lượng hải quân mạnh để bảo vệ các nguồn cung dầu từ các khu vực trên thế giới. Indonesia cùng với Trung Quốc có thể xây dựng sức mạnh Hải quân để một ngày nào đó có thể tuyên bố 13% trong số 49% lãnh thổ cực Nam Australia có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, năng lượng cũng như nguồn cá thuộc về quốc đảo. Nếu sáng kiến ​​này không được thực hiện, Australia, Ấn Độ và Mỹ chắc chắn sẽ loại trừ bất cứ yêu sách lãnh thổ nào của Indonesia tại khu vực Nam Cực.

Xây dựng niềm tin là cơ sở hợp tác giữa PLA và TNI, trong đó các khía cạnh quan hệ đối tác chiến lược sẽ mở rộng hợp tác trong đầu tư, quản lý, nghiên cứu và phát triển ngành công nghiệp quốc phòng. Hợp tác sẽ được mở rộng trong lĩnh vực an ninh hàng hải cho các tuyến đường biển quốc tế, Biển Đông và Ấn Độ Dương. Indonesia và Trung Quốc cũng có thể mở rộng trao đổi thông tin về các vấn đề tổ chức, đào tạo, trao đổi nhân sự, nghiên cứu, trao đổi dữ liệu khoa học và công nghệ, cũng như thúc đẩy hợp tác liên ngành trong công nghệ công nghiệp, công nghệ quốc phòng.

Tác giả kết luận rằng Indonesia là quốc gia lớn nhất trong khu vực và có vị trí địa - chính trị chiến lược quan trọng nên được đưa vào chương trình ưu tiên hợp tác quốc phòng của Trung Quốc, những lợi ích tự nhiên mà Indonesia được thụ hưởng. Đây là thời điểm thích hợp để quốc đảo hình dung về bức tranh lớn hơn vì lợi ích quốc gia lâu dài. Tất cả mọi thứ có thể bắt đầu từ niềm tin như Julius Cesar đã nói, “những gì chúng ta mong muốn, chúng ta sẵn sàng tin”.


Trần Hiệp
Hàn Quốc đề xuất xây dựng 'con đường tơ lụa' Á - Âu
Hàn Quốc đề xuất xây dựng 'con đường tơ lụa' Á - Âu

Tổng thống Hàn Quốc ngày 18/10 đã đề xuất xây dựng một "con đường tơ lụa" nối liền các tuyến đường bộ và đường sắt từ thành phố cảng Busan của Hàn Quốc, đi xuyên Triều Tiên, Nga, Trung Quốc, Trung Á tới các nước châu Âu, nhằm tăng cường kết nối lưu thông hàng hóa và năng lượng giữa châu Á và châu Âu.

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN