Tiêm ngừa COVID-19 cho người tỵ nạn, Jordan nổi lên là hình mẫu của thế giới

Trong điều kiện còn nhiều khó khăn về kinh tế, nguồn lực vaccine COVID-19 còn hạn chế, nhưng Jordan đã có một quyết định bất ngờ: Coi người tị nạn là một trong những đối tượng được ưu tiên tiêm ngừa vaccine đầu tiên.

Chú thích ảnh
Ông Mohsen Ibrahim chuẩn bị được các y tá tiêm vaccine ngừa COVID-19. Ảnh: CMS

Khi Jordan không chọn “chủ nghĩa dân tộc vaccine”

Ngay sau khi nhận được thông báo qua tin nhắn, Mohsen Ibrahim, một người tỵ nạn gốc Syria, vẫn không thể tin rằng ông sắp được tiêm vaccine ngừa COVID-19. Nhưng đó lại là sự thật và nó diễn ra ở Jordan.

“Tôi nghĩ một nước nào rồi thì cũng sẽ tiêm chủng cho người dân của mình trước. Đó là quyền của họ. Nhưng tôi rất vui vì Jordan có một cách tiếp cận khác”, ông Ibrahim, 65 tuổi, chia sẻ niềm vui khi ngồi chờ đến lượt được tiêm chủng vaccine tại trạm y tế trong khu trại tị nạn Zaatari ở miền bắc Jordan. Người đàn ông gốc Syria không quên nở nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt vẫn còn đeo khẩu trang. 

Tại thời điểm mà nhiều nước rốt ráo đặt mua vaccine, vận chuyển, phân phối vaccine ở chỉ ở bên trong nội địa, Jordan – một vương quốc với nguồn lực còn nhiều hạn chế, lại chọn cách làm khác biệt: Tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho những đối tượng dễ bị tổn thương nhất, bất kể họ mang quốc tịch nào. Coi lợi ích chung bao gồm cả lợi ích mỗi cá nhân trong đó, Jordan đang nổi lên là hình mẫu đối lập với cái gọi là “chủ nghĩa vaccine dân tộc”. 

Trong nhiều tháng qua, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WTO) Tedros Adhanom Ghebreyesus liên tục hối thúc lãnh đạo các quốc gia theo cùng chung tay đối phó trước đại dịch, ở cấp độ toàn cầu. Ông cho rằng việc phân phối công bằng nguồn lực vaccine còn hạn hẹp cũng chính là lợi ích của từng nước. Người đứng đầu WHO thậm chí còn cảnh báo, thế giới đang đứng bên bờ vực của một “thất bại đạo đức thảm họa” một khi vaccine không được chia sẻ bình đẳng. 

Giới chức Jordan cho biết, tiêm phòng cho người tị nạn là một phần trong chiến lược của nước này, hướng đến mục tiêu trích ngừa vaccine cho số đối tượng dễ bị tổn thương nhất trên phạm vi cả nước, tạo cú hích hỗ trợ toàn bộ dân số. Còn lâu Jordan mới có đủ vaccine để tiêm chủng cho phần lớn trong tổng số 10,5 triệu dân, nhưng người tị nạn thuộc nhóm đối tượng đầu tiên được tiêm ngừa. 

Người tị nạn đầu tiên trên thế giới được tiêm phòng vaccine COVID-19 là một “cư dân” tại trại tị nạn Zaatari, với mũi tiêm trong tháng trước. Người phát ngôn Văn phòng Cao Ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) tại Jordan Mohamed Al-Taher cho biết, UNHCR trân trọng hành động của chính phủ Jordan, đưa tiêm chủng tới người tị nạn, nhất là số sống trong các trại – nơi mà mật độ dân cư cao, khó thực hiện quy định về giãn cách xã hội. 

Cuộc sống tại trại tị nạn Zaatari, nơi sinh sống của hơn 80.000 người, rất khó khăn. Người tị nạn vẫn sử dụng các xe kéo chạy bằng sức lừa; thường xuyên phải đối mặt với các trận bão cát. Tám năm sau khi chốn chạy khỏi Syria vì chiến sự, phần đông cư dân tại Zaatari vẫn phải sống trong các căn nhà lắp ghép sơ sài, diện tích chỉ hơn 10m2. Nhưng chính điều kiện sống khốn khó đó đã thôi thúc giới chức Jordan biến khu Zaatari thành trại tị nạn đầu tiên trên thế giới được bố trị một trạm tiêm phòng. 

Trạm y tế này được Chính phủ Jordan và UNHCR khai trương vào trung tuần tháng 2, để giải quyết tình trạng phải đưa người già và nhóm đối tượng dễ bị tổn thương ở trại Zaatari tới thành phố Mafraq để tiêm phòng như trước đó. Người được tiêm ngừa vaccine COVID-19 giờ đây chỉ mất vài phút đi lại, thay vì hơn một giờ.

Như nhiều địa điểm tiêm phòng khác trên khắp Jordan, tại trạm y tế ở Zaatari có một đội y tá cùng một bác sĩ. Họ xem xét các yếu tố lịch sử dịch tễ, hỏi người tị nạn một loạt câu hỏi trước khi thực hiện mũi tiêm. Trong một căn phòng đáp ứng yêu cầu về giãn cách, một nhóm cư dân tị nạn vừa được tiêm ngừa ngồi đợi y tá giám sát xem có phản ứng phụ nào không, sau đó sẽ được đưa ra xe bus và về nhà. 

Mũi tiêm phẩm giá

Chú thích ảnh
Các nhân viên Liên hợp quốc cùng với bác sĩ, y tá  tại trạm y tế được lập ngay bên rìa trại tị nạn Zaatari. Ảnh: CMS

Tại trại Zaatari, đã có 120 người tị nạn được tiêm vaccine ngừa COVID-19 mũi thứ hai, cùng với hơn 80 người khác được tiêm mũi thứ nhất. Họ nằm trong số 2.000 người tị nạn thuộc diện được ưu tiên tiêm phòng theo tiêu chí mà Bộ Y tế Jordan đưa ra. Trạm tiêm phòng ở Zaatari trung bình một ngày sẽ tiêm ngừa cho 50 người. Ngoài Zaatari, mỗi ngày cũng có hàng chục người tị nạn khác được trích ngừa tại các cơ sở y tế thông thường đặt tại thị trấn, làng mạc trên khắp Jordan. 

Đây có thể là những con số khiêm tốn, nhưng với một đất nước mà nguồn lực còn eo hẹp như Jordan, đó quả là điều đáng quý. Không giàu tài nguyên khoáng sản, bị lún vào khủng hoảng kinh tế trước cả khi đại dịch xuất hiện, Jordan đến nay vẫn chưa nhận được đủ 3 triệu liều vaccine COVID-19 đã đặt mua để tiêm phòng cho khoảng 15% dân số. 

Hơn thế, tiêm vaccine cho số cư dân tị nạn không phải là một nhiệm vụ dễ dàng. Jordan hiện tiếp nhận khoảng 660.000 người tị nạn Syria, 70.000 người tị nạn Iraq cùng hàng chục nghìn người tị nạn đến từ Yemen, Sudan Somali… Ứng xử với người tị nạn không chỉ là vấn đề đạo đức, mà là cả một thách thức y tế quốc gia với Jordan. 

Cảnh báo về “một thế hệ bị mất mát”, người đứng đầu UNHCR Filippo Grandi mới đây đã lên tiếng hối thúc cộng đồng quốc tế theo bước Jordan, đưa người tị nạn vào nhóm đối tượng được tiếp cận vaccine ngừa COVID-19. Lebanon là nước hưởng ứng lời kêu gọi này, khẳng định sẽ tiêm chủng cho người tị nạn. Đánh giá cao cách làm của Jordan, ông Grandi cho rằng các nước giàu phải giúp đỡ các quốc gia đang cưu mang, tiếp nhận người tị nạn, để số này được tiếp cận với vaccine. 

Với Khudewy al-Nabulsi, một họa sĩ, người đang sống trong một xe kéo cùng với vợ, bảy người con và hai người cháu ở trại Zaatari, tự cách ly quả là một cực hình. Lo sợ nguy cơ nhiễm bệnh, al-Nabulsi trong gần như suốt một năm qua chỉ ở trong nhà xe, vẽ tranh, thiết kế thiệp chúc mừng để bán cho khách hàng ở xa, không giao lưu với các cư dân khác trong trại. 

Thế nên, khi nghe thông tin sắp được tiêm ngừa, ông al-Nabulsi rất vui mừng, xen lẫn hồi hộp, mong đợi từng phút để được đến lượt. “Khi mạng sống của bạn cũng đáng giá như một công dân chính quốc, đó là hình thái cao nhất của phẩm giá”, Khudewy al-Nabulsi chia sẻ.

Hoài Thanh/Báo Tin tức (Csmonitor)
Cam kết xóa bỏ 'chủ nghĩa dân tộc vaccine'
Cam kết xóa bỏ 'chủ nghĩa dân tộc vaccine'

Một điểm nổi bật trong tuyên bố chung tại hội nghị Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) trực tuyến do Thủ tướng Anh Boris Johnson chủ trì ngày 19/2 là các nhà lãnh đạo G7 đã nhất trí tăng cường hợp tác trong ứng phó với đại dịch COVID-19 và tăng tài trợ cho chương trình sáng kiến vaccine toàn cầu lên tới 7,5 tỷ USD thông qua chương trình phân phối vaccine quốc tế COVAX, do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khởi xướng và dẫn dắt. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN