Theo báo Mỹ New York Times (NYT), các cuộc tập trận đã được lên kế hoạch từ năm 2018 nhưng càng trở nên cấp bách hơn sau khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra. Sự kiện này đã khiến các thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cảnh giác, buộc phải tăng cường lực lượng sau nhiều năm trì trệ.
Trong số 25 quốc gia tham gia tập trận có tới 23 quốc gia là thành viên NATO. Thụy Điển, quốc gia đang xin gia nhập NATO, cũng tham gia và Nhật Bản đóng vai trò là quan sát viên.
“Không quân là lực lượng phản ứng đầu tiên trong một cuộc khủng hoảng. Chúng tôi thực sự có thể phản ứng nhanh, với tư cách là những người phản ứng đầu tiên”, Trung tướng Ingo Gerhartz, Tư lệnh Lực lượng Không quân Đức, cho biết trong một cuộc phỏng vấn khi kết thúc cuộc tập trận ngày 12/6. Đây là ngày đầu tiên trong khuôn khổ cuộc tập trận 12 ngày diễn ra tại 6 căn cứ trên khắp đất nước.
Sau 30 năm ngân sách quân sự bị thu hẹp, sức mạnh không quân đã trở thành một điểm yếu đối với NATO. Tuy nhiên, điều này đã bắt đầu thay đổi sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự tại Ukraine, với việc các nhà lãnh đạo ở Kiev coi đất nước của họ là tuyến phòng thủ đầu tiên của châu Âu trước Moskva.
Cuối cùng, Mỹ đã nhất trí để các phi công Ukraine được phép huấn luyện trên các máy bay chiến đấu F-16 do như một phần của chiến dịch của một số quốc gia NATO nhằm cung cấp máy bay chiến đấu cho Ukraine không chỉ hỗ trợ cho cuộc xung đột hiện tại mà còn để ngăn chặn Nga trong nhiều năm tới.
Kể từ khi xung đột Ukraine nổ ra, NATO đã chuyển từ cái gọi là răn đe bằng trả đũa sang răn đe bằng từ chối. Điều đó có nghĩa là thêm nhiều binh lính và thiết bị đóng quân lâu dài ở biên giới Nga hơn, tích hợp nhiều hơn các kế hoạch tác chiến của đồng minh và tăng chi tiêu quân sự nhiều hơn.
Trong trường hợp phải mất vài tuần để tàu chiến xuất phát từ Mỹ hoặc vài ngày để huy động lực lượng bộ binh ở châu Âu, máy bay chiến đấu có thể được điều động trong vòng vài phút.
Trong cuộc tập trận ngày 12/6, các máy bay chiến đấu từ Đức đã có điểm dừng chân tại một căn cứ không quân ở Litva, đủ để cho thấy các máy bay chiến đấu có thể phản ứng nhanh như thế nào.
Các điểm dừng tương tự sẽ được thực hiện ở các quốc gia khác như Ba Lan, Romania và Cộng hòa Séc.
“Tất cả hành động này để chứng minh khả năng răn đe đáng tin cậy. Chúng tôi không muốn thể hiện quá hung hăng, chỉ đủ để chứng tỏ rằng chúng tôi mạnh mẽ”, Trung tướng Gerhartz nói.
Để chuẩn bị cho cuộc tập trận, Mỹ đã điều động hơn 110 máy bay và hàng nghìn quân nhân, chủ yếu từ các đơn vị Vệ binh Quốc gia, trong 2 tuần.
Thiếu tá Will Dyke, một phi công của Lực lượng Vệ binh Quốc gia Không quân Kentucky, cho biết: “Số lượng máy bay và người mà chúng tôi đã điều động đến đây trong một khoảng thời gian ngắn như vậy là chưa từng có. Cách chúng tôi huấn luyện là phải sẵn sàng ngay lập tức”. Phi công này từ chối miêu tả các cuộc tập trận được triển khai như thế nào để nhằm vào Nga.
Ông Douglas Barrie, một chuyên gia hàng không vũ trụ quân sự tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế ở London (Anh), cho biết các cuộc tập trận như Air Defender 2023 được tổ chức nhằm kiểm tra xem máy bay từ nhiều quốc gia có thể duy trì liên lạc trực tiếp với nhau hay không. Trung tướng Gerhartz thừa nhận đây vẫn là một thách thức lớn đối với các lực lượng không quân NATO.