Theo trang mạng DefenseNews của Mỹ, các nhà sản xuất đang phát triển loại phương tiện mới này từ những bài học trong cuộc xung đột đang diễn ra ở Ukraine.
Trước đó, vào năm 2022, Pháp, Đức, Italy, Hy Lạp, Hà Lan và Vương quốc Anh đã cam kết đầu tư 28 triệu USD để phát triển các mô hình mới cho trực thăng như một phần của chương trình Năng lực trực thăng thế hệ tiếp theo (NGRC). Sắp tới, Canada dự kiến gia nhập dự án trong tháng 6 này. Phương tiện mới sẽ hỗ trợ việc triển khai và rút quân của các lực lượng tác chiến đặc biệt, vận chuyển hàng hóa vừa và nhỏ, binh lính trên chiến trường, cũng như các hoạt động sơ tán và cứu hộ y tế.
Theo báo cáo, các nước tham gia đã thống nhất về kích thước và đặc điểm cơ bản của máy bay trực thăng mới, dự kiến có tầm hoạt động không cần tiếp nhiên liệu trên 1.650 km, thời gian hoạt động 8 giờ và tải trọng từ 10.000 đến 17.000 kg. Các yêu cầu về kết nối và khả năng bảo trì tại hiện trường cũng đang được ưu tiên.
Airbus là một trong số các nhà sản xuất máy bay trực thăng châu Âu được các quan chức NATO liên hệ trong giai đoạn đầu thu thập các yêu cầu về phương tiện mới. Stefan Thomé, Giám đốc kỹ thuật của Airbus Helicopters, cho biết, cả Nga và Ukraine đều dùng trực thăng Mil Mi-8 từ những năm 1960 trên chiến trường Ukraine.
Với phương tiện này, quân đội Nga đã triển khai đội hình ban ngày ở độ cao lớn, khiến quân phòng thủ Ukraine trở thành mục tiêu dễ dàng. Trong khi đó, các phi công Ukraine lại dùng trực thăng này phần lớn vào ban đêm hoặc lúc rạng sáng, ở độ cao thấp.
Chuyên gia Thomé giải thích: “Một trong những bài học từ cuộc xung đột Ukraine rút ra cho các bên là cách thức bạn vận hành các hệ thống, vũ khí, phương tiện có thể quyết định thành bại. Với hai phương tiện giống hệt nhau, cách thức vận hành tạo nên sự khác biệt”.