Những thông điệp không mới và đã được lặp đi lặp lại rất nhiều lần qua rất nhiều các kỳ hội nghị về biến đổi khí hậu, nhưng tại một sự kiện không do chính phủ đứng sau tổ chức, những lời cảnh báo này được vang lên với xung lực mới, xung lực từ giới trẻ.
R20 là một sáng kiến dài hạn do cựu Thống đốc bang California (Mỹ), ngôi sao phim hành động Hollywood Arnold Schwarzenegger khởi xướng từ năm 2011.
Mục tiêu của sáng kiến này là phối hợp với các đối tác hàng đầu như Liên hợp quốc, các định chế tài chính quốc, các tổ chức phi chính phủ, các mạng lưới khu vực, các học viện... để tạo ra một nền tảng hỗ trợ các khu vực, tiểu bang và thành phố thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững và đáp ứng các mục tiêu bảo vệ khí hậu toàn cầu được nêu trong Hiệp định Paris.
R20 tham vọng trở thành diễn đàn gặp gỡ quan trọng nhất của châu Âu về các giải pháp hành động khí hậu, thúc đẩy thực hiện các sáng kiến môi trường ở cấp địa phương thông qua hợp tác với các chính phủ và công ty.
“Trợ cấp nhiên liệu hóa thạch có nghĩa là chi tiền của người nộp thuế để đổi lấy các cơn bão, hạn hán, sông băng tan chảy, tẩy trắng san hô, và cuối cùng là hủy diệt thế giới”, TTK Guterres đã dùng những hình ảnh gợi nhiều suy nghĩ như vậy để một lần nữa kêu gọi hành động khẩn cấp toàn cầu.
Từ xoá bỏ carbon khỏi các cơ sở hạ tầng đô thị, cho dừng hoạt động các nhà máy sản xuất than đá, đến thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ bền vững…, mỗi giải pháp đều cần sự chung tay của các chính phủ, doanh nghiệp, tổ chức lẫn người dân trong bối cảnh thời điểm Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu có hiệu lực đang đến rất gần.
Một trong những diễn giả nổi bật khác tại phiên khai mạc sự kiện năm nay là nhà hoạt động khí hậu 16 tuổi Greta Thunberg, cô gái người Thụy Điển đã nổi tiếng khắp toàn cầu từ khi mới 15 tuổi sau khi phát động phong trào mang tên “Những thứ Sáu vì tương lai”, một phong trào bãi khóa vào những ngày thứ Sáu trong tuần để lên tiếng đòi hành động chính trị thích đáng trước khủng hoảng khí hậu. Tại Hội nghị R20 năm nay, Greta Thunberg mang đến những thông điệp mạnh mẽ và quyết liệt như chính các hoạt động đấu tranh do cô khởi xướng.
Theo Thunberg, các cuộc bãi khóa của hàng triệu trẻ em và thanh thiếu niên trên toàn cầu đã giúp thu hút được nhiều sự quan tâm đối với tình trạng khẩn cấp khí hậu, nhưng trẻ em và thanh thiếu niên, giống như các nhà khoa học, không phải là giới lãnh đạo như các chính trị gia, các CEO hay những người nổi tiếng có tiếng nói mang tầm ảnh hưởng.
Những người lãnh đạo này do đó có một trách nhiệm to lớn với xã hội, một trách nhiệm mà có nói rằng “hầu hết đang thất bại”. Cô kêu gọi giới lãnh đạo đánh giá đúng vấn đề biến đổi khí hậu như một tình huống khẩn cấp, một cuộc khủng hoảng lớn nhất mà nhân loại từng phải đối mặt.
Cho tới nay, tại 130 quốc gia trên thế giới,hàng trăm nghìn sinh viên, học sinh vẫn đang tiếp tục hoạt động bãi khóa vì hành tinh, để góp thêm nhiều tiếng nói yêu cầu các lãnh đạo chính trị toàn cầu phải có những hành động khẩn cấp, giúp nỗ lực chống biến đổi khí hậu không bị gián đoạn.
Cho đến nay đã có 196 nước tham gia ký kết Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Những nền kinh tế lớn Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc hứa hẹn sẽ thành lập liên minh đi đầu trong nỗ lực đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu. Ủy ban châu Âu (EC ) tuyên bố đang thúc đẩy những biện pháp nhằm giảm thiểu lượng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính 40% từ nay đếnnăm 2030.
Tại Hội nghị “Một hành tinh” lần thứ hai, chính phủ Pháp, Đức, Quỹ Hewlett đã cam kết đóng góp khoản tài chính cho Sáng kiến Đối tác tài chính khí hậu của LHQ. Ngân hàng Thế giới (WB) cũng cam kết khoản 1 tỷ USD cho phát triển công nghệ lưu trữ năng lượng và bổ sung 4 tỷ USD từ nay đến năm 2025, để xây dựng nhà máy dự trữ năng lượng. Hãng Google cũng giới thiệu một công nghệ giúp thu thập dữ liệu về khí phát thải nhà kính từ giao thông và tính công suất năng lượng mặt trời ở các đô thị.
Tuy nhiên, những cam kết và sáng kiến này vẫn chưa đủ. Tháng 10 năm ngoái, Ủy ban Liên chính phủ Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (IPCC) cảnh báo cộng đồng quốc tế chỉ còn lại 12 năm để hạn chế và làm chậm lại quá trình biến đổi khí hậu với mức tăng nhiệt độ toàn cầu không vượt quá 1,5 độ C so với thời tiền công nghiệp.
Chỉ 2 tháng sau báo cáo của IPCC, Hội nghị lần thứ 24 của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 24) quy tụ đại diện gần 200 quốc gia song vắng mặt hầu hết lãnh đạo cao nhất của các cường quốc thế giới, đã không thông qua được văn kiện về biến đổi khí hậu trong phiên họp toàn thể do nhiều bất đồng.
Mặc dù sau quá trình thương lượng căng thẳng, thậm chí hội nghị phải kéo dài thêm 1 ngày, COP 24 đã thông qua văn kiện hướng dẫn thực hiện chi tiết Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu từ năm 2020, song giới khoa học cho rằng những gì đạt được không đủ mạnh để ngăn chặn sự ấm lên ngày càng thấy rõ của Trái Đất cũng như những tác động của nó đối với thiên nhiên và con người.
Sự chia rẽ trong nội bộ các nước EU, căng thẳng thương mại Mỹ-Trung; mâu thuẫn Nga–Mỹ… cũng ảnh hưởng đến chính sách biến đổi khí hậu, nhất là cam kết về tài trợ 100 tỷ USD/năm cho các nước nghèo đến năm 2020 để hạn chế phát thải khí nhà kính. Mỹ , một trong những quốc gia phát khí thải hàng đầu thế giới, đã rút khỏi Hiệp định Paris từ năm 2017.
Các nhà khoa học khẳng định thế giới vẫn còn cơ hội hiện thực hóa mục tiêu của Hiệp định Paris 2015 nếu các nền kinh tế, đặc biệt là các nước lớn, tạm gác những toan tính lợi ích kinh tế trước mắt để thúc đẩy hành động chung. R20 Austria World Summit 2019 đang tiếp thêm nỗ lực trong cuộc chiến ứng phó với thách thức của cả nhân loại - tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu.