Tại sao Thụy Sĩ bỏ qua hàng châu Âu, quyết mua chiến đấu cơ F-35A Mỹ?

Bỏ qua các nhà thầu châu Âu, Chính phủ Thụy Sĩ đã chọn F-35A Lightning II của Lockheed Martin (Mỹ) là chiến đấu cơ thế hệ tiếp theo của nước này. Động thái này đã khiến phe đối lập tại Thụy Sĩ nổi giận, đòi tổ chức trưng cầu ý dân lần nữa.

Chú thích ảnh
Máy bay F-35 của Không quân Mỹ tại căn cứ ở Utah. Ảnh: CNN

Theo kênh CNN, hợp đồng trị giá 5,5 tỷ USD này sẽ đưa Thụy Sĩ trở thành quốc gia thứ 15 tham gia dự án vũ khí lớn nhất thế giới. F-35A Lightning là một dòng máy bay chiến đấu một động cơ mà Mỹ cũng như đồng minh và đối tác sử dụng.

Ngoài hợp đồng này, còn có một hợp đồng 2,1 tỷ USD để mua hệ thống tên lửa đất đối không Patriot của tập đoàn Mỹ Raytheon, khiến các đối thủ châu Âu thua Mỹ trong cả hai hợp đồng.

F-35 gặp nhiều vấn đề như chi phí vượt mức ngân sách nhiều lần, trì hoãn giao hàng, lỗi kỹ thuật, nhưng vẫn xuất khẩu tốt. Một số người cho rằng dự án F-35, trị giá hàng nghìn tỷ USD trong suốt vòng đời sử dụng, có chi phí tăng cao mà không đáp ứng được mục tiêu về năng lực.

Là nước trung lập, Thụy Sĩ sẽ mua 36 chiếc F-35A sau khi đánh giá cho thấy loại chiến đấu cơ này mang lại lợi ích tổng thể cao nhất với chi phí tổng thể thấp nhất.

Trong đấu thầu, mẫu F-35A đánh bại mẫu F/A-18 Super Hornet của Boeing (Mỹ), Rafale của Dassault (Pháp), Eurofighter của Airbus, Leonardo của Italy và hệ thống BAE của Anh.

Quyết định của chính phủ Thụy Sĩ ngay lập tức khiến các nhà vận động phản đối vũ khí và các đảng cánh tả chỉ trích. Họ sẽ mở chiến dịch trưng cầu ý dân về vấn đề này và đây sẽ là cuộc bỏ phiếu thứ ba ở Thụy Sĩ về việc mua chiến đấu cơ.

Cách đây 7 năm, cử tri Thụy Sĩ đã bác bỏ đề xuất mua chiến đấu cơ Gripen của công ty Saab (Thụy Điển). Còn trong cuộc trưng cầu ý dân năm 2020, dự án mua F-35A trị giá 6,5 tỷ USD nói trên chỉ được ủng hộ với tỷ lệ sít sao.

Xem F-35A của Mỹ hạ cánh xuống châu Âu (nguồn: CNN):

Phe đối lập cho rằng Thụy Sĩ không cần chiến đấu cơ tân tiến để bảo vệ lãnh thổ mà một chiếc máy bay vượt âm có thể bay qua trong 10 phút. 

Bà Priska Seiler Graf, thành viên quốc hội thuộc đảng Dân chủ Xã hội thiên tả, đã lo ngại về giá cả các chiến đấu cơ: “Quyết định này đơn giản là không toàn diện. Không chỉ là việc mua máy bay, mà còn là chi phí bảo dưỡng và vận hành. Chúng ta cần một giải pháp từ châu Âu… chúng ta không muốn mình phụ thuộc Mỹ”.

Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Viola Amherd cho rằng chính phủ chọn F-35A vì đây là mẫu ấn tượng nhất và mang lại giá trị tiền bạc tốt nhất. Tổng chi phí 15,5 tỷ franc (16,7 tỷ USD) của cả hai hợp đồng mua F-35A và Patriot rẻ hơn 2 tỷ franc so với nhà thầu bỏ mức giá thấp tiếp theo. 

Bà Amherd cho biết: “Chúng ta sẽ không mua xe Ferrari nếu xe VW tốt và xe Ferrari đắt gấp ba lần”.

Quốc hội Thụy Sĩ giờ đây phải đồng ý cấp ngân sách cho hợp đồng nói trên và cuộc thảo luận dự kiến diễn ra vào đầu năm tới. Quốc hội có thể thảo luận về chi phí và điều khoản nhưng không thể xem xét lại mẫu máy bay đã lựa chọn.

Quyết định mua chiến đấu cơ của Thụy Sĩ được theo dõi sát sao vì Phần Lan và Canada sẽ là hai nước tiếp theo cần đưa ra lựa chọn chiến đấu cơ.

Gần đây, Ba Lan đã trở thành khách hàng châu Âu mới nhất mua chiến đấu cơ tàng hình thế hệ thứ 5 của Lockheed Martin. Trước đó, Bỉ, Đan Mạch, Italy, Hà Lan, Na Uy và Anh đã mua chiến đấu cơ của tập đoàn này.

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã vận động cho các công ty Mỹ khi gặp Tổng thống Thụy Sĩ lúc ông tới Geneva dự hội nghị thượng đỉnh với Tổng thống Nga Vladimir Putin vừa qua.

Các nhà phân tích cho biết quyết định bỏ qua các loại chiến đấu cơ và tên lửa đất đối không châu Âu để chọn hàng Mỹ có thể được nhìn nhận là Thụy Sĩ cự tuyệt Liên minh châu Âu. Động thái này diễn ra vào thời điểm căng thẳng trong quan hệ giữa hai bên sau khi đàm phán về thỏa thuận quản trị thương mại và các vấn đề khác sụp đổ.

Khi quyết tâm chọn nhà cung cấp Mỹ, chính phủ Thụy Sĩ có thể khiến 49,8% cử tri phản đối hợp đồng này hồi năm ngoái tức giận.

Các nhà vận động phản đối vũ khí cho rằng Thụy Sĩ không nhất thiết phải mua chiến đấu cơ tân tiến khi mà cuộc chiến tranh với nước ngoài cuối cùng cũng đã diễn ra cách đây hơn 200 năm vàa Thụy Sĩ không có kẻ thủ rõ ràng.

Ông Jonas Kampus, Thư ký chính trị của Tổ chức vì Thụy sĩ không có Quân đội, cho biết ông tự tin sẽ chiến thắng trong trưng cầu ý dân phản đối kế hoạch mua F-35A. Ông nói: “Chính phủ cần chuẩn bị tinh thần thất bại nặng nề trong cuộc bỏ phiếu”.

Bà Marionna Schalatter, nghị sĩ đảng Greens cho rằng cuộc trưng cầu ý dân hồi năm 2020 có kết quả quá sít sao nên chính phủ không được bỏ qua lo ngại của phe đối lập. Bà nói: “Người dân không cần Ferrari trên trời”.

Thùy Dương/Báo Tin tức
Nga lên tiếng về các cuộc tập trận của NATO tại Biển Đen
Nga lên tiếng về các cuộc tập trận của NATO tại Biển Đen

Phát biểu tại cuộc họp báo hằng tuần, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nêu rõ với các cuộc tập trận chung "Sea Breeze 2021", Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đang biến khu vực Biển Đen từ một không gian hợp tác thành khu vực đối đầu, đặc biệt gây bất ổn tình hình ở khu vực dọc biên giới Nga.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN