Tại sao tập trận lớn chưa từng có giữa NATO và Ukraine tiềm ẩn rủi ro xung đột thật với Nga?

NATO và Ukraine đã tập trận hải quân chung suốt 24 năm qua, nhưng cuộc trận trận hiện nay diễn ra vào thời điểm NATO mở rộng và Nga phản đối, tiềm ẩn rủi ro leo thang thành xung đột thật.

Theo kênh RT, một câu hỏi được đặt ra là: Có phải một vài nhân tố trong khối liên minh quân sự Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) muốn xảy ra cuộc xung đột đó?

Chú thích ảnh
Tập trận Gió biển năm 2020 tại Biển Đen. Ảnh: Reuters

Cuộc tập trận truyền thống 24 năm của NATO và Ukraine có tên Gió biển 21, kéo dài từ 28/6 tới tháng 7 và sẽ chỉ diễn ra ở khu vực Biển Đen. Tập trận liên quan tới chiến tranh đổ bộ, chiến tranh tiêu hao sinh lực địch trên bộ, chiến dịch lặn, chiến dịch ngăn chặn hàng hải, phòng không, chiến tranh chống ngầm, chiến dịch tìm kiếm-cứu nạn…

Đây là cuộc tập trận lớn nhất từng diễn ra, có 32 quốc gia từ 6 lục địa tham gia với trên 5.000 binh sĩ, 32 tàu, 40 máy bay và 18 nhóm lặn và chiến dịch đặc biệt. Ngoài quy mô chưa từng có tiền lệ, điều khiến tập trận Gió biển 21 đáng lưu ý là trọng tâm của cuộc tập trận: NATO đã chỉ đích danh Nga là quốc gia mục tiêu.

Thông cáo báo chí của NATO nêu: “Từ khi Nga sáp nhập Crimea năm 2014, NATO đã tăng cường hiện diện ở Biển Đen, NATO ủng hộ toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của Ukraine trong biên giới được quốc tế công nhận, NATO không và sẽ không công nhận việc sáp nhập Crimea”.

Theo Đại biện Mỹ Kristina Kvien tại Đại sứ quán Mỹ ở Ukraine, Mỹ cam kết duy trì an toàn và an ninh trên Biển Đen. Đô đốc Hải quân Mỹ Kyle Gantt, Phó tư lệnh Lực lượng Hải quân Mỹ tham gia Gió biển 21 nhấn mạnh: “Chúng tôi đang cho thế giới thấy Biển Đen là vùng biển quốc tế. Vùng biển này mở và các quốc gia có thể đi lại, giao thương tự do. Nó không thuộc nước nào cả”.

Cuộc tập trận Gió biển 21 gây tranh cãi ngay từ khi có thông báo. Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố sẽ theo dõi chặt chẽ động thái này và Nga sẽ phản ứng phù hợp với tình hình để đảm bảo an ninh quân sự của Nga nếu cần thiết.

Trong thời gian qua, Nga đã kêu gọi NATO hủy tập trận, nói rằng quy mô và bản chất gây hấn rõ ràng của các bên làm gia tăng rủi ro xảy ra sự cố ngoài ý muốn trên Biển Đen, đồng thời khuyến khích  tham vọng quân sự của Ukraine. Các nhà ngoại giao Nga khẳng định không cần tập trận quy mô như Gió biển 21, nói rằng chính các nước ven biển có thể giải quyết bất kỳ vấn đề nào nảy sinh trong khu vực mà không cần bên ngoài hỗ trợ.

Biển Đen giáp 6 quốc gia: Bulgaria, Romania, Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, Gruzia và Ukraine. Ba quốc gia đầu tiên là thành viên NATO, còn Ukraine và Gruzia đang tìm cách gia nhập khối này. 27 trong 32 quốc gia tham gia Gió biển 21 không có hiện diện lãnh thổ ở Biển Đen.

Chú thích ảnh
Tàu HMS Defender của Anh. Ảnh: Sputnik

Lo ngại của Nga về nguy cơ tiềm ẩn sự cố ngoài ý muốn đã trở thành hiện thực ngày 23/6, khi tàu khu trục Anh HMS Defender bị tàu và máy bay Nga cảnh cáo. Anh tuyên bố đang đi qua vô hại trên vùng biển này, còn Nga cáo buộc Anh xâm phạm lãnh thổ. Nga đã bắn cảnh cáo, thả bom gần tàu Anh, buộc tàu phải rời đi.

Theo tài liệu của Bộ Quốc phòng Anh, sự cố liên quan HMS Defender không phải là không có chủ ý mà là một phần sứ mệnh có tên Chiến dịch Ditroite, được thiết kế ngay từ đầu để khiêu khích, kích hoạt Nga phản ứng để có thể gây ra bạo lực.

Theo tài liệu mật bị bỏ quên tại một bến xe buýt, Hải quân Anh đã cân nhắc để tàu HSM Defender đi theo tuyến đường thay thế, vòng qua vùng biển Crimea. Mặc dù ý thức rằng đi theo tuyến đường này sẽ tránh đụng độ với Nga, nhưng Anh vẫn đi qua vì không muốn bị coi là sợ/né tránh vấn đề Crimea.

Video chiến đấu cơ Nga bay trên tàu HMS Defender (nguồn: RT):

Sự cố liên quan HMS Defender khiến Nga tức giận. Thứ trưởng Ngoại giao Sergey Ryabkov tuyên bố toàn vẹn lãnh thổ của Nga là không thể xâm phạm và Nga sẽ bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ bằng cả ngoại giao và chính trị, nếu cần, sẽ bảo vệ bằng quân sự. Ông cảnh báo Nga sẽ không chỉ đánh bom dọc đường mục tiêu đi qua mà sẽ đánh bom chính mục tiêu đó nếu lời kêu gọi tôn trọng luật quốc tế không có tác dụng.

Hạm đội Biển Đen của Nga đã tập trận để theo dõi Gió biển 21, triển khai 20 máy bay và trực thăng, gồm cả máy bay ném bom Su-24, kiểm tra tình trạng sẵn sàng của hệ thống phòng không ở Crimea.

Nguy cơ xảy ra xung đột quân sự giữa Nga và NATO trong bối cảnh tập trận Gió biển 21 không lớn. Các hoạt động sẽ diễn ra trong tập trận đều được thông báo trước và Nga nắm rõ. Tuy nhiên, rủi ro với Gió biển 21 là nó sẽ khiến NATO và Ukraine có cảm giác an ninh sai lầm, có thể khiến họ coi nhẹ cảnh báo đối đầu quân sự trực tiếp của Nga nếu lặp lại sự cố kiểu HMS Defender lần nữa.

Như Bộ Quốc phòng Anh lưu ý, NATO không muốn bị coi là hèn nhát trong khẳng định tuyến bố chủ quyền của Ukraine với Crimea. Gió biển 21 có thể sẽ kích thích các nhà hoạch địch quân sự NATO lặp lại sự cố mà hậu quả sẽ là xung đột giữa các lực lượng, gây thiệt hại về người mà các bên đều muốn tránh.

Thùy Dương/Báo Tin tức
Tổng thống Nga: Sự cố tàu khu trục Defender của Anh là 'hành động khiêu khích'
Tổng thống Nga: Sự cố tàu khu trục Defender của Anh là 'hành động khiêu khích'

Trong chương trình trực tiếp “Đường dây nóng với Tổng thống Vladimir Putin” ngày 30/6, người đứng đầu nước Nga đã đề cập đến sự cố liên quan đến tàu khu trục Defender của Anh ở khu vực Biển Đen cách đây một tuần. Tổng thống Putin nhấn mạnh đây là hành động "khiêu khích tập thể".

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN