Tại sao Nga tiến thoái lưỡng nan trong vấn đề Qatar?

Trong khi giới quan sát cho rằng Nga sẽ đứng về phe các nước Arab dưới sự dẫn dắt của Saudi Arabia để cô lập Qatar, Moskva bất ngờ chọn cách giữ im lặng và trung lập. Nguyên nhân do đâu?

Khi Ngoại trưởng Qatar thăm Moskva ngày 11/6 và hội đàm với người đồng cấp Sergey Lavrov, Nga đã bày tỏ cái nhìn lạc quan về một giải pháp nhanh gọn cho cuộc khủng hoảng vùng Vịnh này cũng như sự sẵn sàng thực hiện những bước đi cần thiết để đạt được mục tiêu trên.

Theo thông cáo của Điện Kremlin ngày 1/7, Tổng thống Vladimir Putin thông qua cuộc điện đàm với người đứng đầu Qatar đã nhấn mạnh rằng cần giải pháp ngoại giao để chấm dứt cuộc tranh cãi trên. 

Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và Quốc vương Qatar Tamim bin Hamad Al Thani tại Điện Kremlin hồi tháng 1/2017. Ảnh: AP

Trang web của kênh truyền hình Al Arabiya (Saudi Arabia) đã đăng một bài nhận định về quan điểm trung lập của Nga trong vấn đề Qatar. Có thể thấy rõ rằng chương trình nghị sự quan trọng nhất trong chính sách Trung Đông của Nga là Syria. Lâu nay, Nga vẫn ủng hộ chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad  chống lại nhóm Anh em Hồi giáo (MB) ở Syria. Đối với Nga, nhóm MB là mối đe dọa không chỉ tại Syria mà còn ở Ai Cập và Libya. Hiện nay, các nước vùng Vịnh đang cáo buộc Qatar tài trợ khủng bố và chủ nghĩa cực đoan, trong đó có nhóm MB.

Theo giới quan sát, trong khi Nga được dự đoán sẽ về phe các nước Arab dưới sự dẫn dắt của Saudi Arabia để cô lập Qatar thì Moskva lại chọn cách giữ im lặng và trung lập. "Mọi cuộc khủng hoảng là “công việc riêng của họ, là quan hệ song phương giữa các quốc gia”, Ngoại trưởng Nga cho biết và khẳng định Moskva không can dự vào quan hệ của các nước này. Các chuyên gia cho rằng thái độ cân bằng của chính quyền Tổng thống Putin có thể là dấu hiệu cho thấy sự “tiến thoái lưỡng nan” của nước Nga trong tình thế hiện nay ở Trung Đông khi không muốn làm mất lòng bất cứ ai.

Đồng minh với Iran

Kênh truyền hình Al Arabiya cho rằng trong chính sách Trung Đông của mình, Nga có một đồng minh quan trọng là Iran. Sau Chiến tranh Lạnh, quan hệ của Moskva với Tehran trở thành một nhân tố quyết định trong chính sách Trung Đông của Moskva. Sự suy yếu của Iran trong khu vực đã làm Moskva mất đi một trong những đồng minh quan trọng nhất tại đây.

Nga cũng cố gắng không gây trở ngại trong mối quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ, Saudi Arabia, Ai Cập, Bahrain cũng như Qatar, và trong một ý nghĩa nào đó là Nga đang cố gắng cân bằng tất cả các mối quan hệ trên. Kể từ khi Iran trở thành đồng minh, Nga cũng không để các nước Arab đối đầu với Iran. Qatar là nước có mối quan hệ thân thiết với Iran và cũng bị các láng giềng lên án điều đó. 

Quan hệ về năng lượng

Đa số nhà phân tích đã tính đến thực tế rằng giữa Moskva và Doha có một mối quan hệ năng lượng và kinh tế rõ rệt. Do bất đồng với Ukraine và gánh chịu hàng loạt biện pháp cấm vận, Nga đã mở rộng quan hệ với thị trường Qatar. Năm 2016, Cơ quan đầu tư Qatar đã nhận được 19% cổ phiếu tại công ty dầu quốc gia Nga Rosneft, trị giá 10 tỷ USD.

Cũng trong năm đó, Qatar tiếp tục giành được 25% cổ phiếu của công ty Forport ở Đức và công ty Copelouzos của Hy Lạp cho sân bay Vnukova đặt tại Moskva. Kết quả là Qatar đã trở thành một trong những nhà đầu tư lớn nhất của Nga tại thời điểm mà Nga đang chịu lệnh trừng phạt kinh tế của phương Tây.

Đối với Nga, những đầu tư này có giá trị lớn về mặt vật chất lẫn tinh thần và đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy quan hệ giữa hai nước. Có thông tin còn cho rằng Qatar đã giúp đỡ Nga một khoản tiền lớn khi nước này rơi vào cảnh khủng hoảng kinh tế. 

Tiến trình Astana

Cũng có thể nói rằng mối quan hệ kinh tế giữa Doha và Moskva là một trong những nguyên nhân làm Nga thay đổi các chính sách liên quan tới Syria năm 2016 cũng như tiến trình đàm phán hòa bình Syria tại thủ đô Astana, Kazakhstan.

Như vậy, Qatar và nhóm MB không được nhìn nhận là trở ngại lớn nhất trong chính sách Trung Đông của Nga. Ngược lại, hoạt động đầu tư kinh tế của Qatar lại giữ vai trò quan trọng giúp Nga vượt qua khó khăn. 

Mặt khác, Moskva - đã nhận thức được sự nguy hiểm từ hành động can thiệp của Iran vào khu vực Trung Đông - có thể đã tìm kiếm các cơ hội để mang lại lợi ích về mặt kinh tế và địa chính trị bằng cách giữ lập trường trung lập trong cuộc khủng hoảng giữa Qatar và các nước Arab khác.

Bằng cách này, Nga tin rằng nước này có thể duy trì sự tồn tại cũng như tiếp tục các lợi ích về kinh tế và địa chính trị của mình trong khu vực.

Xuân Chi/Báo Tin Tức
Căng thẳng ngoại giao vùng Vịnh: Qatar tìm cách đòi bồi thường
Căng thẳng ngoại giao vùng Vịnh: Qatar tìm cách đòi bồi thường

Ngày 9/7, Qatar thông báo nước này đang lập một ủy ban phụ trách việc đòi bồi thường có thể lên tới hàng tỷ USD về những thiệt hại xuất phát từ sự phong tỏa của các nước láng giềng vùng Vịnh đối với nước này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN