Phát biểu ngày 6/7 trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Qatar Khaled bin Mohammed al-Attiyah, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis một lần nữa khẳng định quan hệ đối tác an ninh chiến lược giữa hai nước.
Ông đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của giảm căng thẳng và các nước đối tác tại vùng Vịnh có thể tập trung vào những bước đi tiếp theo hướng tới các mục tiêu chung.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis (giữa) gặp Quốc vương Qatar Sheikh Tamim bin Hamad Al-Thani (phải) trong chuyến thăm Qatar hồi tháng 4. Ảnh: AFP/TTXVN |
Theo Lầu Năm Góc, hai bộ trưởng đã khẳng định cam kết duy trì quan hệ hợp tác song phương và làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác chiến lược, đồng thời thảo luận về các chiến dịch chống tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Mỹ bày tỏ quan ngại rằng bất đồng ngoại giao giữa Qatar và các nước Arab khác hiện đã lâm vào thế bế tắc và có thể kéo dài hoặc tiếp tục leo thang.
Phát biểu với báo giới tại Washington ngày 6/7, nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert nêu rõ Nhà Trắng "vẫn vô cùng quan ngại" về tình hình quan hệ hiện nay giữa Qatar và các quốc gia thuộc Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC), và nguy cơ cuộc khủng hoảng ngoại giao ngày càng bế tắc.
Washington cho cho rằng tình hình căng thẳng giữa các nước có thể kéo dài nhiều tháng hoặc thậm chí có thể tiếp tục leo thang.
Trước đó, ngày 5/6, Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Bahrain và Ai Cập đã cắt đứt quan hệ ngoại giao và thương mại với Qatar, cáo buộc nước này ủng hộ khủng bố. Phía Doha luôn phủ nhận cáo buộc này. Các nước trên sau đó đưa ra một "tối hậu thư" gồm 13 yêu sách, đồng thời đặt ra hạn chót cho Doha đáp ứng các yêu cầu này.
Bản yêu sách bao gồm việc đóng cửa kênh truyền hình Al Jazeera, hạ cấp quan hệ với Iran và đóng cửa một căn cứ quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ trên lãnh thổ Qatar. Qatar đã chuyển các phản hồi chính thức cho trung gian hòa giải Kuwait, song nội dung chi tiết vẫn chưa được tiết lộ.
Ngoại trưởng Qatar Sheikh Mohammed bin Abdulrahman Al-Thani khẳng định danh sách yêu cầu mà Saudi Arabia cùng các nước đồng minh gửi tới Qatar là "phi thực tế và không thể thực hiện được".
Trong một diễn biến khác liên quan tới sự hiện diện của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ ở Qatar, nhà khoa học chính trị Qatar, Viện sĩ Mohammed al-Musaffir, nói rằng điều này không liên quan đến cuộc khủng hoảng hiện nay ở khu vực mà nằm trong khuôn khổ thỏa thuận của hiệp định hợp tác quân sự giữa hai nước ký năm 2014.
Theo đó, các cố vấn quân sự Thổ Nhĩ Kỳ đã đến Qatar và trước khi xảy ra khủng hoảng, Doha và Ankara cũng đã tổ chức hoạt động tập trận chung, tương tự như các cuộc tập trận của Qatar tiến hành với các nước khác trong vùng Vịnh.