Máy bay hạ cánh tại sân bay quốc tế Hamad ở Doha, Qatar ngày 12/6. Ảnh: AFP/TTXVN |
Phát biểu tại cuộc họp báo ở thủ đô Doha, Bộ trưởng Tư pháp Qatar Ali bin Fetais al-Marri cho biết ủy ban nói trên sẽ nhận tất cả những khiếu nại từ các khu vực công, tư hoặc các cá nhân.
Nguyên đơn có thể là các công ty lớn như hãng hàng không Qatar Airways, các ngân hàng hoặc các cá nhân, có thể khởi kiện tại các tòa án ở trong và ngoài nước, kể cả ở Paris, London, về cái mà Doha gọi là "sự vây hãm" Qatar. Ủy ban sẽ nằm dưới sự giám sát của Bộ trưởng Tư pháp Marri cũng như các quan chức khác trong bộ này và Bộ Ngoại giao Qatar.
Ngày 5/6 vừa qua, các nước Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Bahrain và Ai Cập đã cắt đứt quan hệ ngoại giao và thương mại với Qatar, cáo buộc nước này ủng hộ khủng bố. Bốn nước trên đã rút các nhà ngoại giao của mình khỏi Qatar, ngừng mọi chuyến bay đi và đến Qatar, đồng thời yêu cầu các công dân Qatar về nước trong vòng 14 ngày.
Ngày 22/6, các nước trên đã đưa ra một "tối hậu thư" gồm 13 yêu sách đối với Qatar, trong đó yêu cầu Doha hạ cấp quan hệ với Iran, đóng cửa kênh truyền hình Al Jazeera, và đóng cửa một căn cứ quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ trên lãnh thổ Qatar. Chính quyền Doha đã từ chối đáp ứng các yêu cầu trên, đồng thời bác bỏ cáo buộc nước này có quan hệ với các nhóm khủng bố.
Qatar cho biết hàng nghìn công dân nước này đã bị ảnh hưởng bởi các biện pháp cô lập trong cuộc khủng hoảng ngoại giao được cho là tồi tệ nhất tại vùng Vịnh trong những năm gần đây.
Ủy ban Quốc gia về Nhân quyền của Qatar cho rằng các lệnh trừng phạt thể hiện sự vi phạm quyền của khoảng 140 sinh viên Qatar đang học tập và nghiên cứu tại UAE, Saudi Arabia và Bahrain.
Trong khi đó, các chuyên gia cho rằng việc hãng hàng không Qatar Airways bị cấm bay qua không phận các nước láng giềng vùng Vịnh nói trên đe dọa vị thế của hãng là hãng hàng không xuyên lục địa lớn.