Qatar phản hồi 'tối hậu thư', ngoại trưởng các nước Arab họp bàn biện pháp trừng phạt mới

Saudi Arabia, UAE, Bahrain và Ai Cập có thể sẽ không chấp nhận phản hồi của Qatar về "tối hậu thư" gồm 13 điểm được đưa ra trước đó và bất chấp việc Ngoại trưởng Qatar kêu gọi đối thoại nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh, các biện pháp trừng phạt mới sẽ được đưa ra bàn thảo trong cuộc họp kín của ngoại trưởng 4 nước nêu trên.

Ngoại trưởng Qatar Sheikh Mohammed bin Abdulrahman Al-Thani khẳng định "Qatar tiếp tục kêu gọi đối thoại". Ảnh: AFP/TTXVN

Trong bài phát biểu ngày 5/7 tại Viện Nghiên cứu quốc tế Hoàng gia Anh Chatham House ở London (Anh), Ngoại trưởng Qatar Sheikh Mohammed bin Abdulrahman Al-Thani khẳng định "Qatar tiếp tục kêu gọi đối thoại", cho biết Qatar hoan nghênh "mọi nỗ lực nghiêm túc nhằm giải quyết bất đồng với các nước láng giềng".

Bên cạnh đó, ông cũng nhấn mạnh Qatar sẽ không chấp nhận sự can thiệp từ bên ngoài vào các vấn đề nội bộ, cáo buộc Saudi Arabia và các nước đồng minh khu vực đòi hỏi Qatar từ bỏ chủ quyền để đổi lấy việc chấm dứt phong tỏa.

Theo Ngoại trưởng Al-Thani, chiến dịch cô lập Qatar do Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) dẫn dắt và việc chiến dịch này đã khiến chi phí vận chuyển hàng hóa bằng đường biển tăng gấp 10 lần. Do đó, bất kỳ biện pháp nào được các nước Arab đưa ra thêm nhằm chống lại Qatar cần tôn trọng luật pháp quốc tế.

Tuyên bố trên được Ngoại trưởng Qatar Al-Thani đưa ra trong bối cảnh cùng ngày, các ngoại trưởng của 4 nước láng giềng Qatar gồm Saudi Arabia, UAE, Bahrain và Ai Cập đã nhóm họp tại thủ đô Cairo (Ai Cập) để thảo luận cuộc khủng hoảng ngoại giao tại vùng Vịnh, cân nhắc việc áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt đối với Qatar.

Truyền thông khu vực cho biết các ngoại trưởng của 4 nước Arab trên có thể sẽ không chấp nhận phản hồi của Qatar về "tối hậu thư" gồm 13 điểm được các nước này đưa ra trước đó.

Hôm 5/6, Saudi Arabia, UAE, Bahrain và Ai Cập đã cắt đứt quan hệ ngoại giao và thương mại với Qatar, cáo buộc nước này ủng hộ khủng bố. Phía Doha luôn phủ nhận cáo buộc này.

Các nước trên sau đó đưa ra một tối hậu thư gồm 13 yêu sách, đồng thời đặt ra hạn chót cho Doha đáp ứng các yêu cầu này trong 10 ngày, kết thúc vào ngày 2/7. Với các nỗ lực hòa giải của Kuwait, các nước Arab và vùng Vịnh ngày 2/7 đã nhất trí gia hạn "thời hạn chót" thêm 48 giờ nữa để Doha thực hiện các yêu cầu.

Đến thời hạn trên, Qatar đã chuyển các phản hồi chính thức cho trung gian hòa giải Kuwait, song nội dung chi tiết vẫn chưa được tiết lộ.

Phát biểu trong cuộc họp báo chung với người đồng cấp Đức Sigmar Gabriel, ngày 4/7, Ngoại trưởng Qatar Al-Thani khẳng định danh sách yêu cầu mà Saudi Arabia cùng các nước đồng minh gửi tới Qatar là "phi thực tế và không thể thực hiện được", đồng thời cho rằng yêu cầu đóng cửa kênh truyền hình Al Jazeera là động thái nhằm dập tắt "tự do ngôn luận".

TTXVN/Tin Tức
Qatar sử dụng ‘lá bài Mỹ’ như thế nào trong khủng hoảng vùng Vịnh?
Qatar sử dụng ‘lá bài Mỹ’ như thế nào trong khủng hoảng vùng Vịnh?

Theo nhận xét của một nhà ngoại giao Mỹ kỳ cựu, lý do duy nhất mà Qatar chấp thuận mở căn cứ không quân Mỹ tại Doha là sử dụng nó như một quân bài đảm bảo an ninh để có thể làm bất kỳ điều gì mình thích.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN