Hội nghị thượng đỉnh EU- châu Phi vào tháng 2 năm ngoái tại Brussels, vốn bị trì hoãn một năm do đại dịch COVID-19, được dự báo là sự khởi đầu của một nỗ lực mới hướng tới "quan hệ đối tác bình đẳng" giữa hai bên.
Tuy nhiên, nó ngay lập tức bị lu mờ bởi cuộc xung đột Nga - Ukraine diễn ra ngay cuối tháng 2/2022, điều khiến quan hệ EU - châu Phi trở nên phức tạp hơn và tác động của cuộc xung đột sẽ tiếp tục chi phối đến mối quan hệ này trong những tháng tới. Ít nhất, hai bên không có kế hoạch tổ chức hội nghị thượng đỉnh EU - châu Phi năm 2023.
Tại cuộc họp gần đây giữa Ủy ban châu Âu và Liên minh châu Phi vào tháng 11/2022, hai bên đồng ý rằng EU sẽ bắt đầu phân bổ vốn cho đầu tư cơ sở hạ tầng từ chương trình "Cửa ngõ Toàn cầu" (Global Gateway) của mình và cung cấp hỗ trợ cho Cơ quan Dược phẩm châu Phi, cùng với việc thành lập một cơ chế “đối thoại cấp cao về hội nhập kinh tế nhằm tăng cường quan hệ thương mại và đầu tư bền vững”.
Những cam kết này ám chỉ tham vọng hợp tác đã bị suy giảm đi nhiều. "Cửa ngõ Toàn cầu", dự định là chương trình của EU nhằm tạo đối trọng với Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc, nhưng sẽ chỉ bắt đầu giải ngân 750 triệu euro trong năm nay, so với hàng chục tỷ euro mà Bắc Kinh đưa ra.
Trong khi đó, hậu quả từ chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine đã và sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến quan hệ EU - châu Phi. Các quốc gia châu Phi bị tác động nghiêm trọng từ sự gián đoạn đối với nhập khẩu lúa mì và ngũ cốc cũng như các sản phẩm giành cho nông nghiệp quan trọng như phân bón.
Cùng với lạm phát cao - một tác động khác từ cuộc xung đột - những điều này đã khiến các nước như Ghana, Ai Cập và Kenya phải kêu gọi cứu trợ từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế trong những tháng gần đây.
Tuần trước, đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại và an ninh của EU Josep Borrell đã thực hiện chuyến công du nước ngoài đầu tiên trong năm mới tới Maroc. Quốc gia Bắc Phi này là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu của EU, đặc biệt là về di cư, an ninh và thương mại.
Tuy nhiên, giống như nhiều quốc gia châu Phi, Maroc cũng tìm cách duy trì quan hệ ngoại giao tốt đẹp với Nga và từ chối chỉ trích chiến dịch quân sự của Moskva ở Ukraine.
"Cái bóng" về ảnh hưởng của Nga cũng bao trùm lên chương trình nghị sự về an ninh và ngoại giao đang "trói buộc" EU ở Sahel.
Ông Borrell năm ngoái đã tuyên bố rằng EU “không từ bỏ Sahel” mà thay vào đó là “tái cơ cấu sự hiện diện" của họ trong khu vực, nhưng thông báo rút quân của Pháp và Đức vào năm ngoái chỉ ra rằng những tháng khó khăn vẫn đang ở phía trước.
Năm 2022, Chính phủ Đức tuyên bố sẽ bắt đầu rút quân vào giữa năm 2023 và rút quân hoàn toàn vào tháng 5/2024.
Bên cạnh đó, tâm lý chống Pháp và rộng hơn là chống phương Tây ngày càng gia tăng ở khu vực Sahel được thể hiện bởi việc chính quyền quân sự của Burkina Faso quyết định trục xuất Đại sứ Pháp Luc Hallade mới đây, chỉ vài tháng sau khi nước láng giềng Mali làm điều tương tự.
Các sự kiện trên cũng diễn ra chưa đầy hai tuần sau khi điều phối viên nhân đạo của Liên hợp quốc tại Burkina Faso, Barbara Manzi, cũng bị tuyên bố là người không được hoan nghênh.
Ngược lại, các chính quyền ở Mali và Burkina Faso đều đã tăng cường quan hệ ngoại giao với Nga. Có khả năng Chad, Niger và các quốc gia khác ở Sahel và các khu vực lân cận cũng sẽ làm như vậy. Mùa thu năm ngoái, ông Borrell đã chỉ trích các đại sứ EU ở châu Phi vì đã không xây dựng được mối quan hệ tốt đẹp hơn.
Tuy nhiên, trong bài phát biểu chỉ vài tuần sau đó, việc đại diện cấp cao này của EU mô tả châu Âu là một "khu vườn" và thế giới bên ngoài là "một khu rừng rậm, đã gây ra sự phản ứng trên khắp châu Phi.
Dự báo các ưu tiên của EU đối với châu Phi trong năm nay phần lớn sẽ không có sự đột biến lớn, mặc dù Chủ tịch luân phiên EU 6 tháng đầu năm nay là Thụy Điển đã cam kết sẽ tiến hành các cuộc đối thoại mới với các nhà lãnh đạo châu Phi về di cư, phát triển, thương mại, an ninh và biến đổi khí hậu, trong khi một nhóm các nước EU cũng sẽ thúc đẩy tăng nhập khẩu khí đốt từ Algeria và các nơi khác.
Trong khi đó, việc kiểm soát di cư sẽ vẫn quan trọng về mặt chính trị với EU mặc dù số lượng người di cư bất hợp pháp đến Tây Ban Nha từ châu Phi đã giảm hơn 20% vào năm 2022, một dấu hiệu cho thấy số lượng người vượt biển Địa Trung Hải đang giảm.
Tuy nhiên, ngoài cuộc xung đột Nga - Ukraine, một vấn đề khác có thể ảnh hưởng đến quan hệ EU - châu Phi là nguy cơ Hungary cuối cùng sẽ phản đối việc EU phê chuẩn Thỏa thuận đối tác hậu Cotonou, bao gồm các mối quan hệ chính trị và kinh tế với 88 quốc gia thành viên của cộng đồng châu Phi, Caribe và Thái Bình Dương.
Mặc dù các quan chức Hungary đã chỉ trích Ủy ban châu Âu vì không yêu cầu các điều khoản mạnh mẽ hơn về việc hồi hương của người di cư trong thỏa thuận, nhưng vẫn chưa rõ liệu Budapest có đang sử dụng điều này để làm đòn bẩy trong cuộc tranh cãi kéo dài của chính họ với cơ quan điều hành EU về việc tiếp cận các quỹ phục hồi sau đại dịch COVID-19 hay không.