Theo nhận định của Chels Michta, thành viên không thường trú tại Trung tâm Phân tích chính sách châu Âu (CEPA) và là sĩ quan tình báo quân sự Mỹ với tờ Politco ngày 21/2, Chính phủ Ba Lan đã đi đầu trong nỗ lực tổ chức một liên minh “giải phóng xe tăng Leopard” trong NATO, dẫn đến sự gia tăng viện trợ quân sự của phương Tây gần đây - đặc biệt là quyết định của Đức cung cấp xe tăng Leopard 2 và cấp phép cho những nước khác làm như vậy.
Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda và Bộ trưởng Quốc phòng nước này Marian Błaszczak cũng đã đi đầu trong việc xây dựng động lực và sự ủng hộ ở nhiều nước để gây áp lực lên Berlin, gần đây nhất tuyên bố rằng Ba Lan sẽ gửi xe tăng Leopard đến Ukraine dù có hoặc không có sự đồng ý của Đức. Và áp lực từ quốc gia Trung Âu này là một yếu tố quan trọng để Washington quyết định gửi xe tăng Abrams của riêng mình - khiến Đức không thể "làm ngơ".
Chắc chắn đây là một chiến thắng chính trị cho Ba Lan - nhưng "liên minh Leopard" mà Warsaw xây dựng đã mở rộng ra ngoài khu vực Trung Âu, với sự ủng hộ của Phần Lan, Na Uy, Tây Ban Nha, Hà Lan và Đan Mạch, điều này có khả năng thay đổi động lực bên trong của châu Âu, chuyển trọng tâm của NATO ra khỏi liên minh Pháp - Đức.
Sự kiện cũng cho thấy Ba Lan, quốc gia lớn nhất ở sườn phía Đông của NATO, đang tích lũy vốn chính trị không chỉ giữa các quốc gia “tiền tuyến” mà còn trên toàn liên minh vì vai trò quan trọng của nước này trong chuỗi cung ứng, cung cấp vũ khí, đạn dược và thiết bị cho Ukraine.
Vai trò lãnh đạo của Warsaw trong vấn đề xe tăng Leopard và quan trọng nhất là khả năng của Ba Lan không chỉ thay mặt cho các quốc gia vùng Baltic mà cả Phần Lan và các vấn đề khác trong sự đồng thuận của phương Tây cũng cho thấy rằng trung tâm chiến lược của châu Âu đang dịch chuyển về phía Đông.
Tuy nhiên, các động lực bên trong đang thay đổi của lục địa châu Âu không chỉ là về cạnh tranh chính trị hay xây dựng liên minh trong NATO mà còn cả về sức mạnh cứng và chấp nhận rủi ro. Ở đây, một lần nữa, Ba Lan đang đi đầu trong việc đảo ngược sự đầu tư không đúng mức vào quốc phòng kéo dài hàng thập kỷ, bằng cách tăng cường mua vũ khí, trang thiết bị và đạn dược với mức chưa từng thấy kể từ Chiến tranh Lạnh.
Việc Ba Lan mua 250 xe tăng M1A2, 32 máy bay chiến đấu F-35 và 96 trực thăng tấn công Apache từ Mỹ, ngoài một thỏa thuận lớn vào mùa hè năm ngoái khi mua xe tăng chiến đấu chủ lực, pháo tự hành và máy bay từ Hàn Quốc, đã nói lên nhiều điều về ý định của Warsaw là hiện đại hóa quân đội và triển khai lực lượng xe tăng có năng lực nhất ở sườn phía Đông của NATO.
Trong khi đó, quân đội Đức đang phải vật lộn với quy trình mua sắm và với tốc độ chậm chạp để bù đắp cho nhiều năm bị bỏ bê và thiếu ngân sách. Và mặc dù ở trong tình trạng tốt hơn quân đội Đức, nhưng quân đội Anh và Pháp - những lực lượng vũ trang chủ chốt truyền thống của châu Âu khi nói đến quốc phòng - cũng đang gặp khó khăn: Quân đội Anh đang được biên chế những trang thiết bị cũ và cần đầu tư thực sự vào việc hiện đại hóa trang thiết bị và huấn luyện.
Về lực lượng vũ trang Pháp, mặc dù họ có kinh nghiệm trong các chiến dịch viễn chinh quy mô nhỏ, cũng cần hiện đại hóa sớm. Như cựu Tham mưu trưởng quân đội Pháp đã nhận xét gần đây, lực lượng vũ trang Pháp “không có phương tiện cho một cuộc chiến tranh cường độ cao”.
Chưa hết, những lời kêu gọi về “quyền tự chủ chiến lược” của châu Âu vẫn tồn tại, bất chấp bằng chứng rõ ràng rằng nếu không có Mỹ, quân đội của châu Âu sẽ thiếu trang thiết bị, huấn luyện và trên hết là năng lực hậu cần vốn giúp cung cấp cho Ukraine ngay từ đầu.
Trong bối cảnh sự phân bổ quyền lực đang thay đổi ở châu Âu, khi các quốc gia bên sườn phía Đông tập hợp lại để giải quyết thách thức chung của họ từ Nga bằng cách hợp tác chặt chẽ với Mỹ, nói về một quân đội châu Âu độc lập có khả năng triển khai sức mạnh đáng kể giờ đây giống như một "dư âm kỳ lạ của quá khứ".
Nhưng sự nổi lên của Ba Lan với tư cách là một nhân tố chủ chốt trong việc giúp định hình kết quả của cuộc xung đột ở Ukraine không chỉ là sự đàm phán khéo léo và các chiến thuật gây sức ép của Warsaw, hay việc đầu tư vào sức mạnh cứng – mà còn là về logic địa chính trị.
Vai trò là trung tâm giao thông của Ba Lan (gần thị trấn Rzeszów) đã trở thành một cửa ngõ hậu cần đến Ukraine, nếu không có nó, Mỹ và các đồng minh sẽ không thể cung cấp và hỗ trợ quân sự, kinh tế và nhân đạo cho Ukraine. Chỉ riêng thực tế này đã làm tăng vị thế của Ba Lan với tư cách là một đồng minh quan trọng của Mỹ, sẵn sàng chấp nhận rủi ro lớn vì Ukraine.
Tóm lại, bà Michta cho rằng hiện vẫn không thể dự đoán điều gì sẽ xảy ra tiếp theo, nhưng giờ đây có một điều đã rõ ràng: Ba Lan đã khiến Đức phải nhượng bộ và đồng ý chuyển giao xe tăng mà họ sản xuất cho Ukraine. Ba Lan cũng đã thay đổi cục diện ở châu Âu khi biến không chỉ nước này mà tất cả các quốc gia dọc theo sườn phía Đông - từ khu vực Scandinavia đến Biển Baltic và Trung Âu đến Biển Đen - trở nên quan trọng hơn đối với tương lai của châu Âu so với chỉ vài tháng trước.