Hãng Sputnik (Nga) đưa tin tỷ lệ trên được trích dẫn từ cuộc khảo sát do tổ chức Atlantik-Brücke (Nhịp cầu Đại Tây Dương) ủy nhiệm cho công ty thăm dò ý kiến Civey tiến hành.
Một bài xã luận trên báo Đức Der Spiegel cho rằng các mối quan hệ giữa Berlin và Washington đã chìm xuống mức thấp nhất từ trước đến nay do những bất đồng liên quan tới các vấn đề về chính trị và kinh tế, xuất phát từ những tranh cãi và đe dọa từ phía Washington.
Tác giả bài báo nhấn mạnh rằng, kể từ khi ông Richard Grenell đảm nhiệm vai trò Đại sứ Mỹ tại Đức, hai nước dường như đang chơi trò ngoại giao “im lặng”. Cùng với đó, bài báo cũng dẫn chứng cựu Chủ tịch Quốc hội châu Âu Martin Schulz nhận xét về Đại sứ Mỹ như sau: “Ông Grenell đang hành xử không giống như một nhà ngoại giao, mà giống như một một kẻ thực dân cực hữu”.
Theo Der Spiegel, cách cư xử như vậy của một đại sứ, một người có quan điểm bảo thủ đảm nhiệm vị trí này tại Berlin từ tháng 5/2018, đã khiến các quan chức Đức tránh xa: Thủ tướng Angela Merkel không bao giờ nói chuyện với ông, Ngoại trưởng Heiko Maas chỉ gặp ngắn với Đại sứ Mỹ.
Bài viết cũng nhắc lại các khác biệt đang tồn tại giữa Berlin và Washington về vấn đề liên quan đến quan hệ với Iran. Gần đây nhất, Washington đã cố gắng xây dựng một liên minh nhằm tuần tra vùng biển ở khu vực Vịnh Persian nhằm đảm bảo an ninh hàng hải ở khu vực này. Nước Mỹ được cho rằng đã đề nghị Đức giúp đỡ đảm bảo an ninh ở khu vực Eo biển Homuz và ngăn chặn Iran nhưng Berlin đã trả lời bằng cách nhấn mạnh rằng nước Đức không muốn trở thành một phần trong chiến lược “gây áp lực tối đa” chống lại Iran của Washington.
Ngoại trưởng Heiko Maas cũng khẳng định rằng sẽ không có giải pháp quân sự nào cho sự đối đầu giữa Mỹ và Iran ở khu vực eo biển Homuz, quan điểm này được các nhà lập pháp của cả đảng Dân chủ Xã hội Đức (SPD) và đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) của Thủ tướng Đức Angela Merkel đồng ý.
Thêm vào đó, tranh cãi thương mại chưa được giải quyết giữa hai nước có thể dẫn đến các lệnh trừng phạt trong khi vấn đề chi phí quốc phòng cũng là nguyên nhân làm gia tăng bất đồng, vì Đức đã tuyên bố kế hoạch tăng chi tiêu quốc phòng lên tới 1,35% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong năm 2019 nhưng còn xa mới đạt được mục tiêu chi tiêu 2% mà Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đặt ra cho các nước thành viên vào năm 2014.
Tổng thống Donald Trump đã nhiều lần chỉ trích việc Đức do dự tăng chi tiêu quốc phòng để phù hợp với quy định của rằng các nước thành viên NATO cần tự nguyện sử dụng 2% GDP cho hoạt động quốc phòng.
Đại sứ Mỹ tại Đức Richard Grenell cũng chỉ trích gay gắt về chi tiêu quân sự của Berlin trong một bài phỏng vấn với hãng thông tấn DPA của Đức, cáo buộc Đức đã lạm dụng quan hệ hữu nghị với Washington. Ông phát biểu: “Thật sự đáng xấu hổ để tin rằng người dân Mỹ đóng thuế để chi trả cho 50.000 quân Mỹ đang đồn trú tại Đức nhưng nước Đức lại sử dụng thặng dư thương mại với Mỹ cho các mục tiêu nội địa”.
Đại sứ Grenell khen ngợi ý tưởng của Tổng thống Trump về việc tái triển khai quân từ Đức sang Ba Lan, cho rằng đã tới lúc Đức “chi trả cho chính sự phòng thủ” của nước này và cho Mỹ để đảm bảo hoạt động phòng thủ của Đức.
Để phản ánh sự căng thẳng cực độ trong quan hệ Mỹ - Đức hiện tại, tác giả bài báo đã đưa ra dẫn chứng về các cuộc thăm dò cho thấy 85% người Đức thể hiện thái độ tiêu cực hoặc rất tiêu cực với Mỹ.
Tuy nhiên, bài báo cũng cho rằng phía Đức hy vọng rằng “những ngày xưa tươi đẹp của mối quan hệ đối tác xuyên Đại Tây Dương” sẽ trở lại sau khi nhiệm kỳ của ông Trump kết thúc.
Tuy nhiên, sự trở lại này nhiều khả năng sẽ chỉ là một ảo tưởng bởi thực tế mối quan hệ Berlin - Washington sẽ không bao giờ lặp lại trạng thái như xưa. Bài báo đưa ra lý giải rằng một số đối thủ tranh cử của Tổng thống Trump, những người thuộc đảng Dân chủ, có cùng quan điểm với một số chỉ trích của ông Trump về châu Âu, vì vậy ngay cả cho đến khi nhiệm kỳ của Tổng thống hiện tại của nước Mỹ kết thúc, Mỹ cũng sẽ vẫn là một đối tác chẳng mấy dễ chịu với Đức.