Chuyến thăm diễn ra khi những bất đồng giữa hai cường quốc và hai đồng minh phương Tây ngày càng lớn và trở nên công khai hơn. Mối quan hệ từng được coi là tin cậy giữa hai nước đã biến mất, thay vào đó là tranh cãi trong hàng loạt vấn đề: chính sách thương mại, liên kết châu Âu, nghĩa vụ với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), vấn đề Iran, quan hệ với Nga... Mới nhất là căng thẳng liên quan tới tập đoàn công nghệ Huawei của Trung Quốc. Bao trùm lên tất cả, Đức và Mỹ ngày càng thể hiện quan điểm khác nhau trong các vấn đề quốc tế mang tầm chiến lược.
Bất đồng giữa Mỹ và Đức nổ ra kể từ thời điểm ông Donald Trump giành thắng lợi trong cuộc bỏ phiếu bầu tổng thống Mỹ năm 2016. Khi đó, Bộ trưởng Kinh tế và Năng lượng Đức Sigmar Gabriel đã nhận thấy nguy cơ đối đầu với Mỹ và ngay lập tức kêu gọi nước Đức xoay trục sang châu Á và Nam Mỹ, điều mà Berlin đang thực hiện vào lúc này.
Kể từ đó, quan hệ giữa Mỹ và Đức đã xấu đi trông thấy mặc dù hai nước là đồng minh lâu năm và rất thân thiết kể từ sau Chiến tranh Thế giới lần thứ Hai. Các biện pháp bảo hộ thương mại được thực hiện ráo riết trong khuôn khổ chính sách "Nước Mỹ trước tiên" của Tổng thống Trump "không buông tha" những đồng minh thân cận như Đức. Ông Trump đã nhiều lần đe dọa áp thuế nặng với các sản phẩm mũi nhọn của Đức như ô tô, hóa chất, luyện kim... Là một quốc gia dựa rất nhiều vào xuất nhập khẩu, Đức không khỏi lo lắng một ngày nào đó, cuộc chiến tranh thương mại do Mỹ phát động sẽ lan đến Berlin. Với chính sách "Nước Mỹ trước tiên", không loại trừ nguy cơ ông Trump quay sang tấn công các đồng minh, ít nhất trên lĩnh vực thương mại, nếu điều đó làm cho nước Mỹ có lợi.
Trong vấn đề Iran, mặc dù Mỹ và Đức cùng có chung mục tiêu là ngăn ngừa Tehran sở hữu vũ khí hạt nhân, song cách tiếp cận của mỗi bên lại khác nhau. Nếu như Mỹ đã rút khỏi thỏa thuận hạt nhân do nhóm P5+1 đạt được với Iran hồi năm 2015 và đang liên tục gây sức ép toàn diện đối với Tehran thì Đức lại nỗ lực duy trì thỏa thuận này theo cách riêng. Điều quan trọng nhất đối với Đức, là nhiều công ty Đức vẫn làm ăn ở Iran đang có nguy cơ bị Mỹ trừng phạt, gây tổn hại cho lợi ích dài hạn của Berlin.
Trong quan hệ với Nga, Mỹ và Đức cũng trong tình trạng "trống đánh xuôi kèn thổi ngược". Mỹ vẫn theo đuổi chính sách trừng phạt kinh tế nhằm vào Nga sau cuộc xung đột ở miền Đông Ukairne và việc Moskva sáp nhập bán đảo Crimea hồi năm 2014. Đức, một mặt vẫn theo đuổi các hành động trừng phạt chung của phương Tây, nhưng mặt khác vẫn tiếp tục làm ăn với Nga, trong đó Dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 (Nord Stream 2) đưa khí đốt từ Nga sang Đức bằng đường ống chạy ngầm dưới đáy biển Baltic rồi từ đó tỏa đi các nước Tây Âu, bỏ qua vai trò trung chuyển bấy lâu nay của Ukraine. Điều mà Đức lo ngại trong dự án này, vốn đã được hai bên phê duyệt để triển khai, là các công ty tham gia có thể phải đối mặt với nguy cơ trừng phạt từ phía Mỹ.
Trong khuôn khổ NATO, Mỹ đã nhiều lần công khai chỉ trích Đức chưa thực hiện đầy đủ cam kết nâng mức chi tiêu quốc phòng lên 2% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Thậm chí, Tổng thống Trump đã có những phát biểu nặng nề khi Thủ tướng Angela Merkel thăm Mỹ, rằng Đức đang nợ Mỹ một khoản tiền lớn, vốn là chi phí đảm bảo an ninh.
Mới nhất là căng thẳng liên quan tới việc sử dụng mạng 5G ở châu Âu liên quan tới tập đoàn công nghệ Huawei của Trung Quốc. Với lý do an ninh, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã “cấm cửa” Huawei, được xem là "con chim đầu đàn" của ngành công nghệ viễn thông Trung Quốc. Đồng thời, Mỹ còn liên tục thúc hối các đồng minh châu Âu không hợp tác với Huawei. Tuy nhiên, cho tới nay, các đồng minh của Mỹ ở bên kia bờ Đại Tây Dương, từ Berlin tới London, hay Paris đều khá "dửng dưng" trước những cảnh báo của Mỹ, điều khiến Washington tức giận và Mỹ không ít lần gây sức ép đối với Đức trong vấn đề này, như đe dọa không chia sẻ thông tin tình báo nếu Đức hợp tác với Huawei.
Bởi vậy mà chuyến công du của Ngoại trưởng Mỹ được coi là cơ hội hiếm hoi để hàn gắn mối quan hệ đồng minh thân thiết đang ngày càng rạn nứt giữa Đức và Mỹ. Trong cuộc gặp tại Berlin, Thủ tướng Đức Angela Merkel một lần nữa khẳng định Mỹ vẫn luôn là đối tác thân cận và gần gũi nhất của Berlin bên ngoài châu Âu. Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cũng nhấn mạnh Đức là một đối tác lớn, một đồng minh quan trọng của Mỹ, đồng thời cho biết cả hai nước đều đã phối hợp và xử lý nhiều việc quan trọng để đạt được sự hòa bình, an ninh và ổn định nhất có thể.
Tuy nhiên, ngoài tuyên bố mang tính chất xã giao như vậy, những gì được thể hiện trong chuyến thăm dường như cho thấy những khoảng cách giữa hai nước chưa được thu hẹp. Thậm chí, ông Pompeo dường như tiếp tục mang đến Berlin một thông điệp cứng rắn hơn: Hoặc đứng về phía Washington trong mọi quyết định, hoặc sẽ mất rất nhiều thứ. Đơn cử như vấn đề Huawei trang bị mạng 5G, nhắc lại lời kêu gọi của Mỹ về việc loại Huawei khỏi quá trình xây dựng hệ thống mạng 5G của Đức, ông Pompeo một lần nữa cảnh báo rằng Washington có thể thu hồi các dữ liệu nhạy cảm về an ninh quốc gia nếu đánh giá hệ thống mạng của Berlin không đủ tin cậy. Đây là lời phủ nhận phát biểu của Ngoại trưởng Đức Maas rằng nước này có tiêu chuẩn an ninh rất cao, và bất kỳ công ty nào phải đáp ứng được mới có thể tham gia đấu thầu.
Ngoại trưởng Mỹ cũng không đưa ra bảo đảm về việc các công ty Đức tham gia hợp tác với Iran hay dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 có thể được Mỹ miễn trừ trừng phạt. Tại Berlin, ông Pompeo từ chối bình luận về vấn đề này, để ngỏ mọi khả năng có thể tính đến.
Chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ tới Đức rõ ràng không san bằng được khoảng cách giữa Washington và Berlin, bởi bất đồng quan điểm giữa hai nước đã quá sâu, nhất là trong những vấn đề liên quan tới lợi ích cốt lõi của từng nước. Thông điệp cứng rắn mà người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ chuyển tới Berlin còn khiến nước Đức đứng trước sự lựa chọn vô cùng khó khăn khi muốn duy trì chính sách đối ngoại của mình.