Đài Sputnik đưa tin Ngoại trưởng Đức Heiko Maas tái khẳng định Berlin không sẵn sàng gia nhập chiến dịch hải quân do Mỹ dẫn đầu tại Eo biển Hormuz. “Ngay lúc này, Anh muốn tham gia sứ mệnh của Mỹ. Nhưng chúng tôi sẽ không làm vậy. Chúng tôi muốn một chiến dịch của châu Âu”, Ngoại trưởng Maas nêu rõ.
Phát ngôn của Ngoại trưởng Đức được đưa ra sau khi người đồng cấp Iran Javad Zarif cùng ngày tuyên bố Mỹ đang đơn độc trong việc hình thành một liên minh hải quân tại Vịnh Ba Tư.
“Hiện nay, Mỹ đơn độc trên thế giới khi không thể hình thành một liên minh hải quân tại vùng Vịnh. Các quốc gia là bạn của Mỹ cảm thấy quá xấu hổ khi ở trong liên minh với họ”, Ngoại trưởng Zarif nhấn mạnh.
Tuần trước, Phó tư lệnh phụ trách các vấn đề chính trị của Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), Chuẩn tướng Yadollah Javani, đánh giá một liên minh hải quân do Mỹ dẫn đầu tại Vịnh Ba Tư sẽ “chắc chắn thất bại trong việc hiện thực hóa, giống như những đề xuất trước đó”.
Về phần mình, Phó Đô đốc Michael Gilday - người được chọn làm Tư lệnh chiến dịch của Hải quân Mỹ - luôn khẳng định Mỹ sẽ để các đồng minh đảm nhiệm phần lớn công việc trong “khuôn khổ an ninh hàng hải quốc tế” mà Washington tìm cách tạo dựng tại vùng Vịnh.
“Liên minh mà chúng tôi đang gây dựng tại Vịnh Arab và cụ thể là Eo biển Hormuz sẽ bao gồm 80-90% nỗ lực của đồng minh và chỉ một phần nhỏ nỗ lực của Mỹ”, Phó Đô đốc Michael Gilday điều trần trước Ủy ban Quân lực Thượng viện vào tuần trước.
Phản ứng trước đề xuất của Mỹ, các đồng minh châu Âu bao gồm Đức, Anh và Pháp đều thể hiện thái độ chần chừ trong việc ủng hộ chiến dịch an ninh hải quân do Mỹ dẫn đầu. Các quốc gia châu Âu nêu lý do muốn “đảm bảo tự do hàng hải” trong khu vực, giống như những gì họ cam kết trong thỏa thuận hạt nhân mang tên Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) năm 2015 và sự phản đối trước chính sách “gây sức ép tối đa” đối với Iran.
Cụ thể, Đức cho biết mặc dù họ không loại trừ tiến hành một “nhiệm vụ hải quân mang tính tự vệ” trong khu vực, song họ mong đợi một ý tưởng về một liên minh do châu Âu lãnh đạo hơn. Trong khi Bỉ và Na Uy vẫn còn chưa ra quyết định. Nhật Bản và Tây Ban Nha cùng lúc bác bỏ thông tin họ sẽ tham gia chiến dịch được Mỹ dẫn đầu.
Bất chấp quyết định của Đức, ngày 5/8, Anh tuyên bố sẽ tham gia sứ mệnh an ninh biển do Mỹ dẫn đầu tại vùng Vịnh để bảo vệ các tàu thương mại đi qua eo biển Hormuz. Phát biểu với báo giới, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace cho biết London quyết tâm đảm bảo rằng các tàu nước này được bảo vệ khỏi những mối đe dọa bất hợp pháp. Do đó, London đã quyết định tham gia nhiệm vụ an ninh hải quân mới tại vùng Vịnh. Ông cho biết Anh mong muốn hợp tác với Mỹ và các nước khác để tìm ra giải pháp quốc tế cho các vấn đề tại eo biển Hormuz.
Hồi tháng 7, tàu chở dầu Stena Impero gắn cờ Anh đã bị Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran bắt giữ ở vùng Vịnh, sau khi Thủy quân lục chiến Hoàng gia Anh bắt giữ tàu chở dầu Grace 1 của Iran hồi đầu tháng với cáo buộc tàu Iran vi phạm lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu. Tehran phủ nhận các cáo buộc, mô tả vụ bắt giữ như hành vi của “cướp biển”.