Trước đó, Quốc hội nước này, với 72/120 phiếu thuận, bao gồm tất cả các nghị sỹ thuộc đảng Xanh-Trắng của ông Benny Gantz đã bỏ phiếu cho phép Thủ tướng Benjamin Netanyahu được nắm giữ chức thủ tướng trong chính phủ tiếp theo.
Cuộc bỏ phiếu tại quốc hội Israel diễn ra một ngày sau khi Tòa án tối cao nước này bác bỏ các kiến nghị cho rằng thỏa thuận liên minh thành lập chính phủ “quốc gia khẩn cấp” với cơ chế thủ tướng luân phiên giữa ông Gantz và ông Netanyahu ký ngày 20/4 là không hợp pháp, cũng như bác bỏ kiến nghị cấm một nghị sỹ đang bị truy tố hình sự được đứng ra thành lập chính phủ.
Kết quả này tránh cho Israel khỏi cuộc bầu cử thứ tư, trong bối cảnh 3 cuộc bầu cử liên tiếp trong vòng chưa đầy 1 năm tại Israel đều không dẫn đến ông Netanyahu/Likud hay ông Gantz/Xanh-Trắng hội đủ ít nhất 61/120 ghế trong quốc hội để thành lập chính phủ. Đây cũng có thể coi là bước thỏa hiệp giữa ông Netanyahu/Likud và ông Gantz/Xanh-Trắng để chấm dứt bế tắc chính trị kéo dài khi mà Israel đang đối mặt với nhiều thách thức do tác động của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Ông Benny Gantz, cựu Tham mưu trưởng quân đội Israel, lãnh đạo đảng Xanh-Trắng, là nhân vật được một bộ phận cử tri kỳ vọng sẽ thay thế Thủ tướng Netanyahu. Ông Gantz được chỉ định đứng ra thành lập chính phủ sau cả ba cuộc bầu cử liên tiếp, nhưng về cơ bản ông Gantz/Xanh-Trắng chỉ có hai lựa chọn là thành lập chính phủ thiểu số do đảng Joint List của người Israel gốc Arab ủng hộ trong quốc hội hoặc thành lập chính phủ thống nhất với ông Netanyahu/Likud. Nếu ông Gantz thành lập chính phủ thiểu số sẽ đối mặt với những rủi ro chính trị cho cá nhân về lâu dài vì chính phủ thiểu số là không bền vững, có thể sụp đổ bất kỳ thời điểm nào. Nếu ông Gantz/Xanh-Trắng chấp nhận chính phủ thống nhất với ông Netanyahu/Likud đồng nghĩa phải nhượng bộ ông Netanyahu/Likud.
Tuy nhiên, kết quả sau ba lần bỏ phiếu cho thấy khối trung tả không có khả năng hội đủ số phiếu cho phép ông Gantz thành lập được chính phủ mà không liên minh với ông Netanyahu/Likud. Bên cạnh đó, khối trung tả bao gồm các đảng/nghị sỹ tuy ủng hộ ông Gantz nhưng có nhiều khác biệt. Đảng Xanh-Trắng được cho là cánh hữu ôn hòa, nhiều thành viên tách ra từ đảng Likud, có mục tiêu hạ bệ ông Netanyahu; liên danh Labour-Gesher-Meretz là cánh tả, quan điểm và chính sách có nhiều khác biệt so với chính phủ cánh hữu cầm quyền của Thủ tướng Netanyahu; đảng Joint List của người gốc Arab không có nhiều ảnh hưởng trên chính trường, đại diện cho người Israel gốc Arab; đảng Yisrael Beteinu của cựu Bộ trưởng Quốc phòng Avigdor Lieberman là cánh hữu phản đối ông Netanyahu và không ủng hộ các đảng tôn giáo tham gia sâu vào đời sống chính trị, cũng như có đường lối và chính sách khác biệt với đảng Joint List.
Sau cuộc bầu cử lần ba, khối trung tả ủng hộ ông Gantz về cơ bản yếu thế hơn khối cánh hữu ủng hộ ông Netanyahu, đảng Xanh-Trắng chỉ giành được 33 ghế so với 36 ghế của đảng Likud; tính chung, khối trung tả giành được 55 ghế (tính cả đảng Joint List) so với 58 ghế của khối cánh hữu ủng hộ ông Netanyahu. Nếu bầu cử lần thứ tư diễn ra, khối trung tả có nguy cơ giành được ít số ghế hơn nữa.
Thực tế này kết hợp với tình hình dịch bệnh COVID-19 bùng phát mạnh tại Israel, tác động mạnh đến nền kinh tế vốn phụ thuộc vào dịch vụ, buộc các đảng và nghị sỹ phải cân nhắc lại tính toán nhằm bảo đảm Israel đối phó được dịch bệnh. Cựu Tham mưu trưởng quân đội Benny Gantz đã quyết định liên minh với Thủ tướng Netanyahu để thành lập chính phủ thống nhất khẩn cấp quốc gia, chấp nhận đảng Xanh-Trắng bị chia tách khi ông Yair Lapid, lãnh đạo đảng Yesh Atid, và ông Moshe Yaalon lãnh đạo đảng Telem, quyết định rời khỏi Xanh-Trắng để phản đối ông Gantz.
Về phần Thủ tướng Netanyahu, ông đã cho thấy mình là chính khách lão luyện nhất trên chính trường Israel hiện nay, củng cố được quyền lực trong nội bộ khi giành thắng lợi áp đảo trong cuộc bầu cử Chủ tịch đảng Likud. Nhà lãnh đạo Likud cũng bảo đảm được sự ủng hộ của khối cánh hữu khi lãnh đạo các đảng trong khối này và nghị sỹ thuộc Likud ký cam kết duy nhất ủng hộ ông đứng ra thành lập chính phủ, đảng Likud là đại diện cho toàn thể khối cánh hữu đàm phán thành lập chính phủ sau bầu cử. Thủ tướng Netanyahu đã chứng minh được là đại diện nổi trội nhất của khối này, trong khối không có ai thách thức được vị trí và vị thế của ông.
Phát biểu sau khi nhận được kết quả bỏ phiếu tại quốc hội, Tổng thống Israel Rivlin nói rằng “chúng ta đang ở trong thời kỳ chưa có tiền lệ", trong đó đất nước trải qua 3 cuộc bầu cử liên tục và trong những tháng qua, Israel, cũng như nhiều nước trên thế giới phải đối phó với dịch bệnh COVID-19. Vì vậy ông Rivlin hy vọng chính phủ tiếp theo được thành lập ngay để “xử lý thành công những cuộc khủng hoảng phức tạp” mà Israel đang đối mặt.
Theo luật Israel, khi được chỉ định đứng ra thành lập chính phủ, ông Netanyahu có 14 ngày để thực hiện nhiệm vụ này. Israel dường như không cần đến nhiều thời gian như vậy vì trong thông báo chung giữa Likud và Xanh-Trắng đưa ra ngày 6/5, hai đảng này đồng ý thành lập chính phủ thống nhất và tuyên thệ nhậm chức vào ngày 13/5 tới.
Theo thỏa thuận thành lập chính phủ thống nhất giữa Likud và Xanh-Trắng, ông Netanyahu sẽ đảm nhận vị trí thủ tướng chính phủ trước trong thời hạn 18 tháng, cho tới tháng 10/2021, là thủ tướng nắm quyền lâu nhất kể từ khi Nhà nước Israel được thành lập năm 1948 đến nay. Sau đó ông Gantz sẽ tiếp quản chức vụ này trong 18 tháng tiếp theo.
Đối phó với đại dịch COVID-19 và phục hồi nền kinh tế đang bị thiệt hại nghiêm trọng do hoạt động dịch vụ đình trệ là nhiệm vụ quan trọng nhất và cũng hết sức khó khăn của Chính phủ Israel. Hiện tỷ lệ thất nghiệp tại nước này đã tăng lên trên 23% do tác động của dịch COVID-19, từ mức chỉ chưa đến 4% trước khi đại dịch bùng phát trên toàn cầu. Chính phủ Israel vừa đưa ra gói kích thích hơn 22 tỷ USD để hỗ trợ nền kinh tế vượt qua giai đoạn khó khăn do dịch COVID-19. Tuy nhiên, tình hình có sớm trở lại ổn định hay không, phụ thuộc vào khả năng chính phủ mới kiểm soát được sự lây lan của virus SARS-CoV-2 tại Israel, hiện đã khiến hơn 16.400 người bị nhiễm.
Bên cạnh đó, tiến trình hòa bình Trung Đông và quan hệ với Palestine tiếp tục là vấn đề đối ngoại ưu tiên. Việc Bộ Quốc phòng Israel ngày 6/5 cấp phép xây dựng 7.000 nhà định cư mới ở khu Bờ Tây đã làm dấy lên sự phản đối của Palestine. Trong 10 năm qua, Israel đã đẩy mạnh mở rộng các khu định cư Do Thái ở Bờ Tây và Đông Jerusalem, bất chấp hoạt động này bị coi là trái phép theo luật quốc tế. Theo số liệu chính thức của giới chức Israel, trong thập niên qua, dân số Israel tại các khu định cư ở Bờ Tây đã tăng 50%. Hơn 450.000 người Israel đang sinh sống tại các khu định cư ở Bờ Tây và khoảng 200.000 người ở Đông Jerusalem.
Cuối tháng trước, cả Liên hợp quốc và Liên minh châu Âu (EU) đều cảnh cáo Israel từ bỏ ngay ý định sáp nhập một phần Bờ Tây bởi hành động đó sẽ giáng một đòn mạnh vào giải pháp hai nhà nước được cộng đồng quốc tế ủng hộ, sau khi Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và lãnh đạo đảng Xanh Trắng nhất trí tổ chức một cuộc bỏ phiếu về vấn đề này trong thỏa thuận thành lập chính phủ mới. Với cách tiếp cận của chính phủ mới trong vấn đề này, quan hệ Israel và Palestine được cho sẽ còn tiếp tục căng thẳng. Điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới tiến trình hòa bình Trung Đông.