Elaine Boone ngồi trong một toa tàu điện ngầm chờ đợi, nhưng không phải chờ tàu khởi hành. Toa tàu mới tinh này được treo lơ lửng vài chục centimet trên sàn nhà máy ở Springfield, bang Massachussetts cũng với nhiều toa khác, sẵn sàng chờ phục vụ trên tuyến đường sắt Orange Line ở Boston.
Boone đang đợi chiếc máy quay trước mặt cô bắt đầu hoạt động. Nữ doanh nhân này tới nhà máy tại Springfield của CRRC để đưa ra những lời chứng thực về việc nhà sản xuất toa xe quốc doanh của Trung Quốc đã giúp công ty của cô, vốn là một doanh nghiệp cung cấp bình chữa cháy và kính bảo hộ, phát triển ra sao.
"CRRC đã giúp hoạt động kinh doanh của chúng tôi phát triển đáng kể trong hai năm qua," Boone nói. "Đó là một mối quan hệ đối tác kinh doanh rất tốt đẹp."
CRRC, nhà cung cấp thiết bị vận tải đường sắt lớn nhất Trung Quốc, hy vọng những câu chuyện như của Elaine Boone, vốn nằm trong một chiến dịch quan hệ công chúng lớn có tên “Tìm hiểu sự thật” mà họ đang tiến hành, sẽ giúp công ty chống lại một mối đe dọa hiện hữu tại Mỹ.
Theo tờ Nikkei Asian Review, Washington coi sự hiện diện của CRRC trên thị trường sản xuất toa tàu là một rủi ro an ninh quốc gia. Họ sẵn sàng thông qua luật trong năm nay nhằm cấm các nhà sản xuất xe lửa và xe buýt Trung Quốc nhận nguồn tiền từ liên bang thông qua đạo luật ngân sách quốc phòng thường niên, tương tự đạo luật năm 2018 từng cấm các cơ quan chính quyền Mỹ ký hợp đồng với hai “người khổng lồ” Trung Quốc khác là Huawei và ZTE.
Các nhà lập pháp Mỹ, những người đề xuất điều khoản nói trên vào dự luật ngân sách quốc phòng, tin rằng việc CRRC mở rộng hoạt động tại Mỹ đang làm suy yếu ngành công nghiệp nước này. Một số nghị sĩ cũng lo ngại những đoàn tàu “Made in China” có thể được sử dụng trong chiến tranh mạng.
Dự luật, mà Nhà Trắng đã phát đi tín hiệu ủng hộ, nếu có hiệu lực, sẽ loại CRRC khỏi các hợp đồng tại Mỹ trong tương lai, mà nếu không có chúng, nhà máy tại Springfield sẽ đóng cửa trong vòng chỉ 5-7 năm, theo tính toán của công ty.
Năm 2014, CRRC đã trúng thầu hợp đồng trị giá 566 triệu USD chế tạo khoảng 400 toa tàu điện ngầm mới cho thành phố Boston, sau khi đánh bại các đối thủ cạnh tranh sừng sỏ như Bombardier của Canada, Kawasaki của Nhật Bản và Hyundai Rotem của Hàn Quốc, nhờ giá thầu cạnh tranh cộng với cam kết xây dựng nhà máy sản xuất toa xe ngay tại bang Massachusetts,
Dự án Boston đánh dấu sự gia nhập của CRRC tại mảnh đất kinh doanh màu mở ở Mỹ, nơi không có một nhà sản xuất tàu chở khách nào. Công ty Trung Quốc sau đó đã tiếp tục ký kết hợp đồng với các thành phố như Philadelphia, Los Angeles và Chicago, nơi gần đây họ đã mở thêm một nhà máy khác. Tất cả các hợp đồng mà CRRC ký tại Mỹ có tổng trị giá lên tới 2,6 tỉ USD.
Hiện nay, nhà máy tại Massachusetts của CRRC sử dụng khoảng 180 công nhân. Với chị Nashira Irvine, cư dân thành phố Springfield, thì một công việc tại nhà máy xe lửa của CRRC là một bước tiến. “Ai lại không muốn trở thành một phần của các đoàn tàu?”. Người phụ nữ Mỹ 35 tuổi còn nói đùa rằng một ngày nào đó chị muốn đứng giữa đoàn tàu trên tuyến Orange Line của Boston và hét to với các hành khách: “Chính chúng tôi đã chế tạo đoàn tàu này!”.
Giám đốc điều hành của CRRC không che giấu tham vọng tiếp tục mở rộng. “CRRC đặt ba mục tiêu chính: hoạt động đa quốc gia, lãnh đạo công nghiệp toàn thế giới và trình độ kỹ thuật cao”, ông Cui Dianguo, khi đó là Chủ tịch tập đoàn, phát biểu hồi năm 2015.
Một dòng tweet đã bị xóa bởi CRRC có lẽ đã phô trương quá đà: “Cho đến nay, 83% tất cả các sản phẩm đường sắt trên thế giới được vận hành bởi CRRC. Chúng tôi sẽ mất bao lâu để chinh phục 175 còn lại?”
Vào tháng 5/2017, Liên minh An ninh Đường sắt (RSA), tổ chức đại diện cho ngành công nghiệp đường sắt Mỹ, đã gửi một lá đơn tới Cục Công nghiệp và An ninh, thuộc Bộ Thương mại Mỹ, kêu gọi chính phủ chú ý tới hoạt động của tập đoàn đường sắt Trung Quốc CRRC tại Mỹ.
“Trung Quốc đang nhắm mục tiêu chiến lược vào lĩnh vực đường sắt vận chuyển hàng hóa tại Mỹ, với bước đi táo bạo đầu tiên là vào ngành lắp ráp toa xe vận tải”, RSA viết trong thư.
Nhiều nghị sĩ tại Capitol Hill đã chia sẻ mối quan ngại này, đặc biệt là trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ Trung kéo dài với việc Washington liên tục cáo buộc Bắc Kinh về những khoản trợ cấp thiếu công bằng và hoạt động gián điệp.
“Trung Quốc đã nói rõ ý định phá bỏ ngành sản xuất xe lửa của Mỹ trong kế hoạch ‘Made in China 2025’. An ninh kinh tế và an ninh quốc gia yêu cầu chúng ta phải chú ý tới những nỗ lực của Trung Quốc nhằm thống trị các ngành công nghiệp xây dựng cơ sở hạ tầng quan trọng của quốc gia chúng ta”, Nghị sĩ Dân chủ Tammy Baldwin, nhà đồng soạn thảo dự luật cấm các công ty Trung Quốc đấu thầu các dự án đường sắt Mỹ, phát biểu.
Sự quan tâm rõ ràng của CRRC trong quan hệ đối tác với Cơ quan Giao thông Vận tải đô thị New York cũng là lời báo động đối với Thượng nghị sĩ bang New York Chuck Schumer – lãnh đạo phe Dân chủ tại Thượng viện Mỹ.
“Với những gì chúng ta biết về cách thức hoạt động của chiến tranh mạng và các cuộc tấn công gần đây nhằm vào các đầu mối giao thông và cơ sở hạ tầng trên cả nước, Bộ Thương mại phải bật đèn xanh và kiểm tra kỹ lưỡng mọi đề xuất hoặc công việc mà CRRC của Trung Quốc đang làm trên danh nghĩa hệ thống tàu điện ngầm New York, bao gồm cả hệ thống tín hiệu, Wi-fi và nhiều thứ khác”, ông Schumer tuyên bố hồi tháng 5 năm nay.
Tuy nhiên đáp lại, ông Vince Conti, Giám đốc nhà máy Springfield của CRRC, cho rằng những lo ngại về an ninh mạng như vậy là không có căn cứ. "Tôi sẽ yêu cầu họ đến, xem xét sự thật, và hiểu rõ cách những toa xe này được chế tạo, chúng được chế tạo bởi ai và nguyên liệu đến từ đâu", ông Conti nói. "Chúng tôi xây dựng mọi thứ với các thông số kỹ thuật giống như các đối thủ cạnh tranh của mình”.
"Phần mềm thuộc sở hữu của các nhà cung cấp thiết bị”, ông Conti cho biết và giải thích rằng CRRC không có quyền truy cập vào phần mềm đó, cũng như không có khả năng sửa đổi.
Nhưng điều đó không có nghĩa việc xâm phạm an ninh là không thể, ông Timothy Heath, một chuyên gia nghiên cứu quốc phòng cấp cao tại RAND Corp nhận xét và cảnh báo, "trong trường hợp Mỹ và Trung Quốc rơi vào khủng hoảng và mối quan hệ rất xấu, chính phủ Trung Quốc có thể chỉ đạo tiến hành các chiến dịch phá hoại hoặc thu thập tình báo”.
Những cáo buộc hoặc quan ngại tương tự như vậy với các doanh nghiệp Trung Quốc khác như Huawei, ZTE trước đây đều bị Bắc Kinh bác bỏ.