Nhà lãnh đạo Kim Jong-un có tham vọng về chương trình hạt nhân lớn hơn ông cha mình rất nhiều. Ảnh: Rodong Sinmun |
Khi Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis tuyên bố Triều Tiên sở hữu tên lửa có khả năng “đe dọa mọi nơi trên thế giới”, ông ngầm ý ám chỉ đang có một cuộc tranh luận kéo dài diễn ra ngay trong chính quyền Mỹ.
Câu hỏi chủ đề của cuộc tranh luận đó là: Liệu chiến thuật tương tự mà Mỹ đã làm với Liên bang Xô Viết có tác dụng với một quốc gia nhỏ hơn như Triều Tiên?
Câu trả lời là có, tất nhiên có thể, nếu như vấn đề được xác định với mục tiêu giữ không cho Bình Nhưỡng tấn công bất ngờ lên lục địa Mỹ.
Tuy nhiên, vẫn có câu trả lời “không”, khi vấn đề giải quyết Triều Tiên phức tạp hơn việc đơn giản chỉ là bảo vệ Los Angeles hay Washington.
Và với Triều Tiên, mọi thứ đang phức tạp hơn nhiều.
Chưa có bất kỳ bằng chứng nào cho thấy nhà lãnh đạo hiện giờ của Triều Tiên ông Kim Jong-un hay những người tiền nhiệm trước đó muốn có một cuộc chiến tranh hạt nhân trực tiếp đối đầu Mỹ. Theo ước tính của các nhà phân tích quân sự, Triều Tiên có thể đang sở hữu từ 20 đến 60 vũ khí hạt nhân trong khi Mỹ đã có hơn 1.500 các loại được triển khai, và hàng nghìn thiết bị được dự trữ. Một nhà chiến lược cấp cao Mỹ từng nhận định nếu xung đột đối đầu xảy ra, chẳng khác gì Triều Tiên tự sát.
Tuy nhiên, các con số trên không có nghĩa là vũ khí hạt nhân “vô dụng” đối với nhà lãnh đạo 33 tuổi của quốc gia Đông Bắc Á. Ông Kim Jong-un thể hiện rõ mình có tham vọng lớn hơn ông cha mình – những người phát triển hạt nhân để phục vụ cho mục đích sinh tồn.
Han Sung-joo – cựu Ngoại giao Hàn Quốc – nhận xét: “Ông Kim rất quyết tâm trở thành ‘nhà lãnh đạo vĩ đại’. Và để làm điều đó, ông ấy cần phải hoàn thành việc mà cha ông ông chưa làm được: tạo ra loại tên lửa đạn đạo liên lục địa có thế phóng tới bất kỳ nơi nào trên nước Mỹ”.
Mấy tháng trước, chính quyền Tổng thống Donald Trump đã tuyên bố dứt khoát nếu như Triều Tiên thành công đạt được mục tiêu kia, biện pháp ngăn chặn truyền thống là không đủ.
Trong một loạt các phát ngôn công khai, cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Trump – Trung tướng H.R. McMaster cho biết những phương pháp hoạt động hiệu quả trong Chiến tranh Lạnh không thể áp dụng cho trường hợp của Triều Tiên.
“Triều Tiên qua lời nói và hành động của họ cho thấy rõ ý định của họ là ép buộc Mỹ bỏ rơi đồng minh Hàn Quốc, nguy cơ dọn đường cho Chiến tranh Triều Tiên thứ hai”. Trung tướng McMaster còn khẳng định một “cuộc chiến phòng ngừa” có thể là cần thiết nếu như chính sách ngoại giao thất bại.
Trong một sự kiện ông còn nhấn mạnh “Tổng thống Trump rất rõ về điều đó. Và ông ấy không thể chịu đựng được hơn nữa nếu như Triều Tiên cứ đe dọa Mỹ”.
Tuy nhiên vẫn chưa rõ liệu những lời nói của tướng McMaster có ý định ám chỉ việc sẵn sàng chiến tranh hay không hay là đơn giản chỉ muốn đe dọa Triều Tiên – và Trung Quốc – trong việc tin rằng Tổng thống Trump sẽ không giống những người tiền nhiệm trước, sẵn sàng áp dụng biện pháp quân sự để giải quyết vấn đề. Trong mấy tháng trở lại đây, tướng McMaster không lặp lại những tuyên bố đó, có lẽ hi vọng về một sự mở đầu cho quá trình đàm phán giữa các bên.
Tuy nhiên một lần nữa hi vọng lại bị dập tắt bởi lần
phóng tên lửa vào sáng 29/11
của Triều Tiên. Quả tên lửa bay được quãng đường dài gần 1.000 km và đạt độ cao 4.500 m trước khi rơi xuống Biển Nhật Bản. Nhà lãnh đạo Kim Jong-un sau buổi phóng thử đã tuyên bố “Triều Tiên là một quốc gia hạt nhân”. Các nhà phân tích thì nhận định quả tên lửa này có khả năng chạm tới bất kỳ điểm nào trên nước Mỹ.
Có thể thấy rõ một điều, những gì Washington và Bắc Kinh giải quyết mấy tháng nay, bao gồm các lệnh trừng phạt, đe dọa cắt ống dẫn dầu… đều không có tác dụng với ông Kim Jong-un.
Ông ấy có thể đánh cược rằng sẽ hoàn thành dự án, giải quyết các trở ngại kỹ thuật trước khi Mỹ, các nước đồng minh và Trung Quốc nhất trí một phản ứng chung.
Cho đến thời điểm hiện tại, cuộc đánh cược vẫn nghiêng về phía Triều Tiên. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tuyên bố sẽ không có cuộc chiến nào trên Bán đảo Triều Tiên, và ngầm ý có quyền bỏ phiếu phủ quyết Mỹ dùng quân sự. Trong khi đó, Nhật Bản tuy có nhiều phát ngôn cứng rắn nhưng vẫn nằm trong tầm bắn của vũ khí hạt nhân Triều Tiên và phải sống chung với nó.
Đối với Mỹ, mặc cho những lời tuyên bố có phần hung hăng từ phía Tổng thống Trump, song chính quyền Washington vẫn đang nỗ lực các phương án ngoại giao đàm phán với Triều Tiên. Cuối tháng 9, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson tiết lộ có một vài kênh đối thoại mở với ban lãnh đạo Triều Tiên. Điều này có thể mở ra một số đề nghị cho “đóng băng hạt nhân”, một thỏa thuận mà Triều Tiên sẽ ngừng thử tên lửa và hạt nhân đổi lại Mỹ cũng hạn chế tập trận quanh Bán đảo Triều Tiên.
Có thể phương án trên được nhiều quan chức trong chính quyền Tổng thống Trump chấp thuận, song chính bản thân Ngoại trưởng Tillerson lại bác bỏ ý kiến đó, khi cho rằng đóng băng hạt nhân đơn giản sẽ bảo đảm năng lực hạt nhân của Triều Tiên.
Nói tóm lại, chính quyền Tổng thống Trump cần phải có một quyết định hợp lý cho tương lai có thể thấy trước, dựa trên phương án ngăn chặn hạt nhân như trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh thay vì khăng khăng đòi giải quyết Triều Tiên “một lần và mãi mãi”.