Đối với nhiều nhà quan sát, điều họ quan tâm nhất là lý do nào khiến Bình Nhưỡng thử một quả tên lửa đạn đạo vào thời điểm đêm lạnh lẽo, tối mịt.
Hình ảnh thử tên lửa ngày 29/11 do Triều Tiên công bố. Ảnh: Reuters |
Theo tuyên bố của Triều Tiên,
tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) mới được thử đã đạt độ cao 4.475 km và bay xa 950 km trong thời gian 53 phút rồi rơi xuống biển gần Nhật Bản. Đây được đánh giá là tên lửa cao nhất và bay xa nhất của Triều Tiên từ trước tới nay.
Ông Shea Cotton tại Trung Tâm James Martin Nghiên cứu Phi lợi nhuận (Mỹ) cho biết theo dữ liệu tính từ 15/4/2016 đến nay, Triều Tiên thường có xu hướng thử tên lửa vào thời điểm từ 9 giờ đến 11 giờ sáng. Tuy nhiên, đôi khi cũng có trường hợp ngoại lệ với tuần suất thấp hơn khi Triều Tiên thử tên lửa vào chiều và tối.
Dữ liệu thử tên lửa của Triều Tiên tính từ 15/4/2016 đến nay. Ảnh: Washington Post |
Ông Cotton nhận định với tờ Washington Post (Mỹ) rằng Triều Tiên thích khoảng thời gian giữa buổi sáng bởi nếu có sai sót thì sẽ còn cả ngày để sửa và thực hiện kế hoạch.
Trong khi đó, thời điểm buổi tối với thời tiết lạnh lẽo và không có ánh sáng Mặt Trời dường như không lý tưởng bằng.
Ông Kingston Reif tại Hiệp hội Kiểm soát Vũ khí (Mỹ) cho rằng cuộc phóng thử tên lửa ngày 29/11 của Triều Tiên có thể được chủ đích diễn ra vào buổi đêm để gây bất ngờ với các quốc gia, đồng thời gửi thông điệp rằng một cuộc tấn công của Bình Nhưỡng có thể rất khó đoán.
Nhưng điều đáng lo lắng hơn theo ông Reif đó là hai vụ thử tên lửa gần đây nhất của Triều Tiên dường như được thiết kế nhằm “chọc tức” hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ.
“Hệ thống phòng thủ này chưa từng được thử nghiệm thành công vào buổi tối. Đó là một trong những thiếu sót. Trên thực tế, mới chỉ có một lần cuộc thử nghiệm đánh chặn được tiến hành vào buổi đêm”, ông Reif cho hay.
Hệ thống phòng thủ cơ bản của Mỹ trước viễn cảnh Triều Tiên tấn công bằng tên lửa đạn đạo được đặt hầu hết tại Alaska và một phần ở California.
Yếu tố trong nước cũng được coi có thể ảnh hưởng tới cuộc thử vũ khí của Triều Tiên. Triều Tiên thường ít thử tên lửa vào mùa thu, trong thời điểm thu hoạch nông vụ. Tuy nhiên, việc Triều Tiên có thể thử tên lửa vào buổi tối được đánh giá là dấu hiệu cho thấy chương trình vũ khí của Bình Nhưỡng rất linh hoạt và phức tạp.