Thái Lan: Vaccine kết hợp cho kết quả thử nghiệm tốt
WHO cho biết, họ không có dữ liệu và bằng chứng nào liên quan tới việc tiêm các loại vaccine hỗn hợp.
Tuy nhiên, nhà virus học hàng đầu của Thái Lan Giáo sư Yong Poovorawan hôm 14/7 khẳng định Thái Lan sẽ tiến hành kế hoạch kết hợp liều đầu tiên của vaccine Sinovac (Trung Quốc) với liều thứ hai là vaccine Oxford-AstraZeneca. Ông Poovorawan cho rằng chính sách tiêm chủng kết hợp vaccine của Thái Lan được dựa trên các kết quả nghiên cứu ở người.
Theo đó, Ủy ban Các bệnh truyền nhiễm của Thái Lan thông báo nước này sẽ sử dụng liều thứ hai là vaccine AstraZeneca đối với những người đã được tiêm mũi đầu tiên của Sinovac. Các mũi sẽ được tiêm cách nhau từ 3 tới 4 tuần để tăng khả năng tạo kháng thể chống lại biến thể Delta. Chính sách mới của Thái Lan sẽ được áp dụng cho các nhân viên y tế sau khi nước này ghi nhận 618 người mắc bệnh dù đã được tiêm hai liều Sinovac.
Theo giáo sư Yong Poovorawan, Giám đốc Trung tâm virus lâm sàng của đại học Chulalongkorn cho biết, nếu tiêm hỗn hợp hai vaccine AstraZeneca và Sinovac thì sẽ có khả năng bảo vệ gần như hai liều AstraZeneca. Dữ liệu nghiên cứu cũng cho thấy, việc tiêm hỗn hợp làm sản sinh miễn dịch nhanh hơn vì mũi tiêm thứ hai được thực hiện gần hơn.
Giáo sư Yong cũng cho hay, sử dụng một liều vaccine bất hoạt như Sinovac sau đó là vaccine vector như AstraZeneca đã tạo ra khả năng sinh miễn dịch mạnh mẽ ở 1.200 tình nguyện viên. Không có tác dụng phụ nào quá nghiêm trọng nào được ghi nhận ở những người đã được tiêm kết hợp vaccine.
Trung tâm Virus lâm sàng Đại học Chulalongkorn không chỉ nghiên cứu khả năng tạo miễn dịch mà còn xem xét tới phản ứng của kháng thể đối với virus. Kết quả cho thấy, khả năng phản ứng trung bình là 95% và lên tới 99% trong một số trường hợp.
Canada "quyết định mạnh mẽ" về kết hợp vaccine
Trong khi đó, các quan chức y tế công cộng Canada cũng bảo vệ kế hoạch cung cấp mũi thứ hai là vaccine công nghệ RNA cho những người đã nhận được mũi đầu tiên là vaccine AstraZeneca, theo công nghệ vector. Thủ tướng Canada Justin Trudeau nói với các phóng viên hôm 13/7: “Chúng tôi đã đưa ra một số quyết định mạnh mẽ, mà nói thật là, đang cho thấy đúng đắn”.
Người đứng đầu Cơ quan Y tế tỉnh Ontario cũng lưu ý rằng các chương trình tiêm nhắc lại của tỉnh “dựa trên các nghiên cứu từ Anh, Tây Ban Nha và Đức cho thấy việc trộn vaccine là an toàn và tạo ra phản ứng miễn dịch mạnh mẽ.”
Chương trình tiêm chủng hỗn hợp của Canada được thực hiện sau khi vaccine Oxford-AstraZeneca được phát hiện có thể gây ra tác dụng phụ hiếm gặp là cục máu đông, gây tử vong ở một số lượng rất nhỏ người tiêm, hầu hết là người trẻ.
Mỹ và châu Âu
Một số quốc gia, bao gồm cả các nước Châu Âu, cũng đã theo dõi những dấu hiệu tương tự, khuyến cáo những người đã tiêm vaccine AstraZeneca mũi đầu tiên sau đó tiêm mũi hai với vaccine công nghệ mRNA, như của Pfizer hoặc Moderna.
Các nhà nghiên cứu ở Anh, Nga và Mỹ đều đang tiến hành thử nghiệm lâm sàng phác đồ tiêm vaccine hỗn hợp. Tháng 6 vừa qua, Viện Y tế Quốc gia Mỹ cho biết họ đang bắt đầu một cuộc thử nghiệm, trong đó những người trưởng thành được tiêm chủng đầy đủ sẽ được tiêm một liều tăng cường, với các loại vaccine COVID-19 khác nhau.
Chuyên gia về bệnh truyền nhiễm hàng đầu của Mỹ, Anthony S. Fauci, cho biết khi công bố nghiên cứu này: “Chúng ta cần chuẩn bị cho khả năng cần tiêm nhắc lại để chống lại khả năng miễn dịch suy giảm và bắt kịp với một loại virus đang biến đổi”.
Vị Giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Mỹ cho biết: “Kết quả của thử nghiệm này làm cơ sở cho các quyết định chính sách y tế công cộng về tiềm năng sử dụng lịch tiêm hỗn hợp cho mũi vaccine tăng cường”.
Trung Quốc thử nghiệm kết hợp vaccine mRNA
Tại Trung Quốc, các nhà nghiên cứu đang tiến hành thử nghiệm giai đoạn đầu, quy mô nhỏ phương pháp trộn vaccine với liều đầu tiên do CanSino Biologics sản xuất, sau đó là liều vaccine của Chongqing Zhifei Biological Products.
Các nhà nghiên cứu cũng đang thử nghiệm sử dụng vaccine của CanSinoBIO làm liều tăng cường cho những người đã được tiêm một hoặc hai liều vaccine bất hoạt.
Theo Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc, nước này đã tiêm 1,2 tỉ liều vaccine, tính đến ngày 1/7. Hầu hết mọi người được tiêm vaccine virus bất hoạt do công ty Sinovac và Tập đoàn Sinopharm sản xuất. Hiệu quả của loại vaccine này thấp hơn vaccine công nghệ mRNA.
Các nhà nghiên cứu nhận xét mấu chốt nằm ở công nghệ. Vaccine của Sinovac dùng virus bất hoạt để kích thích hệ miễn dịch sinh ra kháng thể, nhưng kháng thể này đa dạng và không phải loại nào cũng vô hiệu hóa được virus SARS-CoV-2 thành công.
Trong khi đó, vaccine bào chế theo công nghệ mới mRNA như Pfizer/BioNTech và Moderna thì mã hóa protein "gai" tương tự như loại virus dùng xâm nhập tế bào người, từ đó kích thích hệ miễn dịch sinh ra một lượng lớn kháng thể tấn công đúng protein đó. Đây có thể là lý do hiệu quả của nó cao hơn vaccine truyền thống.
Theo Nikkei Asian Review, các cơ quan quản lý dược phẩm Trung Quốc đã hoàn thành cuộc đánh giá của ban chuyên gia về vaccine COVID-19 công nghệ mRNA do Fosun Pharma /Trung Quốc và BioNTech của Đức đồng phát triển. Hiện loại vaccine này đang trong giai đoạn xem xét các thủ tục hành chính, có thể được sản xuất thử nghiệm trong nước vào cuối tháng 8. Vaccine mRNA có thể sẽ được sử dụng làm mũi tiêm tăng cường cho những người đã tiêm vaccine truyền thống.
Hồi tháng 5, Fosun và BioNTech đã công bố kế hoạch thành lập cơ sở ở Thượng Hải để sản xuất vaccine mRNA Comirnaty của BioNTech, còn được gọi là BNT162b2. Liên doanh này là một phần trong quan hệ đối tác rộng hơn được thành lập vào đầu năm 2020 để đưa vaccine đến Trung Quốc.
Một loạt quốc gia khác cũng lên kế hoạch sử dụng biện pháp tiêm vaccine hỗn hợp.
Indonesia đang cân nhắc đề xuất tiêm mũi tăng cường khác loại cho các nhân viên y tế đã được tiêm đủ hai mũi vaccine Sinovac/Trung Quốc và hàng ngàn người trong số họ vẫn cho xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2.
Bahran hôm 4/7 cho biết những ứng cử viên thích hợp sẽ được tiêm mũi tăng cường bằng vaccine Pfizer hoặc Sinopharm, bất kể họ đã tiêm vaccine nào trước đó.
Bhutan: Hôm 24/6, Thủ tướng Lotay Tshering cho biết ông thấy thoải mái với phương pháp trộn vaccine COVID-19 để chủng ngừa cho 700.000 người dân tại quốc gia nhỏ bé vùng Himalaya này.
Italy: Cơ quan Dược phẩm Italy AIF hôm 14/6 cho biết những người ở độ tuổi dưới 60, từng được tiêm liều đầu tiên là vaccine AstraZeneca có thể tiêm liều thứ hai là vaccine khác loại.
Nga có thể bắt đầu thử nghiệm kết hợp vaccine Sputnik V với các loại vaccine khác nhau của Trung Quốc tại các nước Arab. Đây là thông tin được hãng tin Intefax dẫn nguồn Quỹ RDIF (phụ trách xuất khẩu vaccine của Nga) cho biết hôm 4/6. RDIF cho biết, không có tác dụng phụ nghiêm trọng nào được ghi nhận trong các cuộc thử nghiệm lâm sàng kết hợp vaccine COVID-19 của AstraZeneca với Sputnik V.
Hàn Quốc: Ngày 18/6, Hàn Quốc cho biết khoảng 760.000 người đã được tiêm mũi 1 là vaccine AstraZeneca sẽ được tiêm mũi 2 là vaccine Pfizer do tình trạng chậm trễ chuyển giao hàng trong chương trình vaccine toàn cầu COVAX.
UAE: Các tiểu vương quốc Arab thống nhất đã sẵn sàng sử dụng vaccine Pfizer làm mũi tăng cường cho những người đã được chủng ngừa bằng vaccine của Sinpharm/Trung