Mọi con mắt đổ dồn về quyết sách với TPP của ông Biden

Tờ Assia Nikkei Review (Nhật Bản) cho rằng trong trường hợp trở thành tổng thống Mỹ, ông Joe Biden cần hành động nhanh chóng về thương mại sau khi Trung Quốc và 14 quốc gia châu Á-Thái Bình Dương khác ngày 15/11 đã ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP).

Chú thích ảnh
Ông Biden chưa cam kết về việc sẽ đưa Mỹ quay trở lại TPP. Ảnh: Reuters

RCEP được coi là hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới. Các quốc gia tham gia hiệp định chiếm 30% dân số thế giới, với 30% Tổng sản phẩm nội địa (GDP) toàn cầu. Tuy nhiên, Mỹ lại không nằm trong số này.

Trước đó, chính quyền Tổng thống Donald Trump đã rút Mỹ khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vốn không bao gồm Trung Quốc.

Thỏa thuận RCEP tiềm năng

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường phát biểu ngày 15/11: “Đây không chỉ là một thành tựu lớn trong hợp tác khu vực Đông Á mà quan trọng hơn là chiến thắng của chủ nghĩa đa phương và tự do thương mại”.

Trung Quốc vốn nhiều năm lưỡng lự mở cửa thị trường nay phải thay đổi chiến thuật thương mại. Các chuyên gia đánh giá rằng Bắc Kinh có thể nhận thấy áp lực từ Mỹ sẽ không hề giảm dưới thời ông Biden do vậy Trung Quốc chủ trương gắn kết hơn với các láng giềng châu Á để tránh bị cô lập trên trường quốc tế.

Khi RCEP có hiệu lực, 87% linh kiện xe ô tô sẽ được miễn thuế, các sản phẩm thép và máy cày cũng dự kiến được miễn thuế. Các nhà sản xuất ô tô đều chào mừng RCEP. Đại diện công ty sản xuất linh kiện ô tô Nhật Bản Akebono Brake phân tích rằng việc miễn thuế sẽ dẫn đến giá thành xe giảm.

Ông Hiroto Suzuki tại công ty tư vấn Arthur D. Little (trụ sở ở Bỉ) nói: “Các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản đang phân phối linh kiện giữa các nhà máy của họ khắp châu Á và điều này sẽ góp phần tăng cường chuỗi cung ứng trong khu vực”.

Điều đáng chú ý là hàng hóa miễn thuế từ Nhật Bản đến Trung Quốc sẽ tăng lên 86% so với mức 8% hiện tại. Trong khi đó, tỉ lệ sản phẩm miễn thuế từ Nhật Bản đến Hàn Quốc sẽ là 92%, khác với mức 19% ngày nay.

Nhà phân tích Ayako Fukuyama tại công ty tư vấn Owls Consulting nhận định: “Thực tế là 15 quốc gia có thể thỏa hiệp và ký thỏa thuận là một phát triển lớn. Khi thế giới đang nghiêng về bảo hộ thì khu vực châu Á-Thái Bình Dương đã gửi thông điệp sẽ đi theo tự do thương mại. Trung Quốc đang chuyển đầu tư từ Mỹ sang ASEAN. Ngay cả khi không có RCEP thì xu hướng này vẫn tiếp diễn”

Ngoài Mỹ, Ấn Độ cũng không góp mặt trong RCEP. Tháng 11/2019, New Delhi tuyên bố rời đàm phán và không gia nhập RCEP.

Ông Junichi Sugawara tại Viện nghiên cứu Mizuho nhận định rằng RCEP lép vế hơn so với TPP bởi chỉ loại bỏ 91% thuế hiện hành trong khi TPP là 99,9%.

Chú thích ảnh
15 quốc gia đã thống nhất về RCEP. Ảnh: BBC

Cái nhìn của Mỹ về TPP

Mỹ dường như đang đứng ở ngã ba đường. Khi còn giữ ghế Phó Tổng thống trong chính quyền của ông Barack Obama, ông Biden đã ủng hộ TPP. Và diễn biến liên quan đến RCEP có thể châm ngòi cho tranh luận mới tại Mỹ về thỏa thuận thương mại toàn cầu.

Năm 2019, ứng cử viên đảng Dân chủ Joe Biden cảnh báo rằng “cả Trung Quốc và chúng ta sẽ viết lên quy định về con đường dành cho thương mại thế kỷ 21”. Ông Biden từng nói sẽ cố gắng đàm phán TPP nhưng không cam kết tái gia nhập hiệp định này.

Trong cuộc vận động tranh cử năm 2016, áp lực trong nước khiến ứng cử viên đảng Dân chủ Hillary Clinton không đả động đến TPP. Nhưng khi Tổng thống Trump lên nắm quyền theo phương châm “Nước Mỹ trên hết” thì Washington không mặn mà với TPP.

Năm 2020 này, đảng Dân chủ đã nhấn mạnh: “Chúng ta sẽ không đàm phán bất kỳ thỏa thuận thương mại mới nào trước khi đầu tư được vào cạnh tranh trong nội địa Mỹ”. Chính ông Biden cũng đề cập đến lập trường “mua sản phẩm Mỹ”, đây được coi là dấu hiệu về phương pháp mang tính bảo hộ hơn.

Một thành viên đảng Dân chủ giấu tên chia sẻ với Assia Nikkei Review rằng những thỏa thuận thương mại như TPP có thể sẽ bị gác sang lề trong một thời gian.

TPP được đàm phán dưới thời Tổng thống Obama nhưng Quốc hội Mỹ chưa bao giờ thông qua. Hiệp định này được ký kết vào tháng 2/2016 bởi 12 quốc gia. Năm 2017, Tổng thống Trump rút Mỹ khỏi TPP và 11 quốc gia còn lại đã ký kết Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) trong tháng 3/2018.

Kênh CNBC (Mỹ) cho biết ông Biden cũng từng phát biểu với Hội đồng Đối ngoại rằng mặc dù TPP không phải là một thỏa thuận tuyệt vời nhưng đó là con đường tốt để các quốc gia xích gần nhau “kiềm chế sự vượt trước của Trung Quốc”.

Hà Linh/Báo Tin tức (Theo Assia Nikkei Review )
Ký kết RCEP là 'cột mốc lịch sử' của ASEAN
Ký kết RCEP là 'cột mốc lịch sử' của ASEAN

Tổng thư ký Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) Dato Lim Jock Hoi cho biết, ASEAN đã có “một ngày quan trọng” khi lãnh đạo các nước thành viên, cùng Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand chứng kiến lễ ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN