Mở căn cứ ở Djibouti: Bước khởi đầu xây dựng lực lượng viễn chinh của Trung Quốc?

Cùng với kế hoạch tăng quân số thủy quân lục chiến lên gấp 5 lần, động thái mở căn cứ quân sự ở Djibouti và sau này có thể là hàng loạt nước khác của Trung Quốc được cho là dấu hiệu về việc Bắc Kinh muốn xây dựng lực lượng viễn chinh siêu mạnh.

Chiến sĩ hải quân làm việc trên tàu Wei Fang. Ảnh: AFP

Trước đó, theo kênh truyền hình CNN, hai tàu chiến Trung Quốc ngày 11/7 đã rời cảng biển ở thành phố Trạm Giang (tỉnh Quảng Đông) đưa một số lượng binh sĩ bắt đầu hành trình vượt Ấn Độ Dương để tới căn cứ tại Djibouti, một địa điểm chiến lược ở vùng Sừng châu Phi.

Hãng thông tấn Trung Quốc Tân Hoa Xã trong một bài báo viết về hoạt động quân sự này nhấn mạnh căn cứ ở Djibouti được thiết lập chỉ nhằm mục đích “thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ, chứ không phải là một tiền đồn quân sự được xây dựng để tăng cường hiện diện quân sự của Trung Quốc và đóng vai trò ngăn cản trong khu vực”.

Theo Tân Hoa Xã, căn cứ ở Djobouti “không hề liên quan đến việc chạy đua vũ trang hay mở rộng quân sự, và Trung Quốc cũng không có ý định biến trung tâm giao thông vận tải thành một chốt quân sự”.

Theo Andrei Kots – phóng viên đang cộng tác với Đài Sputnik, việc Bắc Kinh ưu tiên vùng đất nhỏ bé ở vùng Sừng châu Phi là việc không có gì khó hiểu.

“Biên giới phía Tây của Djibouti giáp với phần hẹp nhất của Eo biển Bab-el-Mandeb nối giữa Biển Đỏ và Vịnh Aden. Vị trí này quan trọng về mặt chiến lược và kinh tế. Mọi tàu châu Âu muốn từ Địa Trung Hải vào Biển Đỏ qua Kênh Suez, hướng về Đông và Nam Á, cũng như Australia, đều phải đi qua nút cổ chai rộng 26 km này”, ông Kots giải thích, “không chỉ có vậy, phần lớn các tàu chở dầu của Saudi Arabia cũng sẽ đi qua Eo biển Bab-el-Mandeb”.


Chính vì điều trên mà Mỹ, Đức, Italy và Tây Ban Nha đều thiết lập hiện diện quân sự trong khu vực này. Theo Tổng biên tập Tạp chí Quốc phòng, Igor Korotchenko, tất cả các nước đều biết đến vai trò địa chính trị của Djibouti.

Một lí do nữa mà Trung Quốc thiết lập căn cứ quân sự nước ngoài đầu tiên tại đây là do, “trong suốt 20 năm qua, Trung Quốc tích cực đầu tư vào các quốc gia châu Phi và coi châu lục này là một nguồn chủ yếu để phát triển kinh tế và công nghiệp”. 

Theo ông Korotchenko, Trung Quốc cần một căn cứ quân sự ở Djibouti để “bảo vệ lợi ích của mình trong khu vực”, và “sự hiện diện quân sự lâu dài tại châu Phi cho phép Trung Quốc sử dụng sức ảnh hưởng lớn của mình lên các quốc gia châu Phi đem lại lợi ích cho nước mình”.

Quả thực, tính đến đầu năm 2017, tổng số tiền mà Trung Quốc đầu tư vào các quốc gia châu Phi đã lên tới nghìn tỷ đô la Mỹ, trong đó Bắc Kinh đã hỗ trợ tài chính cho hàng chục dự án cơ sở hạ tầng xuyên suốt châu lục, bao gồm dự án Đường sắt Đông Phi.

Tuy nhiên, phóng viên Kots tin rằng Trung Quốc cũng đang xem xét cơ hội này để mở rộng sự hiện diện của họ ở nước ngoài trong tương lai. Chứng minh cho luận điểm của mình, Kots giải thích bằng hoạt động tăng cường lực lượng Hải quân Trung Quốc một cách đáng chú ý trong suốt 10 năm qua.

Phóng viên này chỉ ra: “Hãy chú ý đến việc Trung Quốc chế tạo ra các tàu đủ khả năng vận chuyển một lượng binh sĩ lớn đi kèm thiết bị và vũ khí đi với khoảng cách xa. Cụ thể, tàu đổ bộ di động (MLP) 868 Donghaidao và tàu đổ bộ lớp 071 có tên gọi Jinggangshan vừa mới khởi hành đi đến Djibouti vào đầu tuần qua”.

Ngoài Trung Quốc, hiện chỉ có duy nhất Mỹ là đang sở hữu loại tàu đổ bộ MLP. Theo cách phân loại của Lầu Năm Góc, tàu MLP là một tàu đổ bộ tự động viễn chinh được thiết kế để cung cấp các hoạt động đổ bộ ở nước ngoài quy mô lớn. Nói cách khác, tàu Donghaidao mà Trung Quốc triển khai có thể hoàn toàn xem như một đơn vị hải quân độc lập.

Trò chuyện với Sputnik, nhà phân tích quân sự Nga Vasily Kashin nhận xét những loại tàu đổ bộ này của Trung Quốc không hề thua kém so với tàu cùng loại của Mỹ.

Với kế hoạch tăng số lượng thủy quân lục chiến (PLAMC) lên gấp 5 lần, từ 20.000 lên 100.000 và triển khai các hoạt động luyện tập thường xuyên, có thể kể đến đợt huấn luyện của lính thủy quân lục chiến Trung Quốc ở Sa mạc Gobi nhằm rèn luyện khả năng chống chọi với điều kiện thời tiết khắc nghiệt, nhà phân tích Kashin nhấn mạnh “tất cả các điều trên đều là dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đang muốn tạo ra một lực lượng viễn chinh siêu mạnh”.

Theo phóng viên Kots, Hải quân Trung Quốc hiện đang sở hữu hơn 70 tàu đổ bộ và vận tải quân sự, với phần lớn trong số đó có khả năng hoạt động ở vùng biển xa.

Ông Kots cho rằng Trung Quốc sẽ không dừng việc xây dựng căn cứ quân sự chỉ ở Djibouti, mà còn sẽ sớm xuất hiện ở Tajikistan, Pakistan và Afghanistan để đảm bảo an ninh cho dự án “Con đường tơ lụa” mới do Trung Quốc dẫn đầu.

Bên cạnh đó, một số nhà phân tích cũng không loại trừ khả năng Trung Quốc mở căn cứ mới ở Thái Bình Dương, do triển khai các hoạt động đàm phán với Papua New Guinea về vấn đề này từ 2014.

Hồng Hạnh/Báo Tin Tức
Nhân vật bí ẩn xuất hiện trong cuộc gặp 'gây bão' của  Donald Trump Jr
Nhân vật bí ẩn xuất hiện trong cuộc gặp 'gây bão' của Donald Trump Jr

Khi nữ luật sư người Nga Natalia Veselnitskaya gặp đội vận động tranh cử của Tổng thống Donald Trump, cô đã mang theo một vị khách bí ẩn đặc biệt.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN