Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 30/9 kêu gọi Tổng thống Syria nên sẵn sàng thỏa hiệp với lực lượng đối lập nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài tại đây. Ảnh: AFP/TTXVN |
Hơn 240.000 người thiệt mạng, hàng triệu người phải rời bỏ nhà cửa tìm cách lánh nạn sang châu Âu, gây ra một cuộc khủng hoảng di cư chưa từng có ở Lục địa già, những cuộc không kích chồng chéo, những cuộc đàm phán không có hồi kết và cả các thỏa thuận ngừng bắn liên tiếp bị phá vỡ… Tất cả vẫn đang tiếp diễn trên bức tranh toàn cảnh Syria sau gần 5 năm nhuộm màu khói súng, và hiện vẫn chưa thấy le lói ánh sáng cuối đường hầm. Quyết định của Nga không kích vào Syria dường như đang mở ra cơ hội thay đổi về cơ bản bức tranh xám màu đó.
Bức tranh Syria trong gần 5 năm nội chiếnCuối năm 2010, người dân khắp Trung Đông sôi sục với một phong trào mang tên “Mùa Xuân Arập”, với hy vọng mở ra một kỷ nguyên dân chủ mới, không còn chế độ chuyên chế, độc tài... Hình ảnh người thanh niên bán hàng rong ở Tunisia tự thiêu để phản đối tình trạng đàn áp của chính phủ, như một giọt nước tràn ly, đẩy quần chúng nhiều nước đổ xuống đường biểu tình, bày tỏ sự bất mãn đã ấp ủ từ lâu và đòi thay đổi chế độ… Sức nóng của “Mùa Xuân Arập" mạnh mẽ đến mức trong vòng chưa đầy 2 tháng, hai nhà lãnh đạo “kỳ cựu” là Zine El-Abidine Ben Ali của Tunisia và Hosni Mubarak của Ai Cập đã bị hạ bệ, tiếp sau đó là cái chết tức tưởi của nhà độc tài Libya Muamar Gaddafi…
Như một hiệu ứng của “Mùa xuân Arập”, đầu năm 2011, các lực lượng nổi dậy ở Syria đã bắt đầu đứng lên phản đối chế độ cha truyền con nối của dòng họ Assad. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Syria này vẫn giữ quyền lực và tiến hành một chính sách trấn áp mạnh tay, và giấc mơ về một Libya thứ hai của phe nổi dậy không thể trở thành hiện thực.
Mọi can thiệp ngoại giao của Liên hợp quốc (LHQ) đều thất bại, mở ra kịch bản cuối cùng là can thiệp quân sự. Thế nhưng, nội chiến chưa giải quyết được thì lại xuất hiện vấn đề mới, và còn đặt ra khó khăn lớn hơn không chỉ đe dọa an ninh khu vực, mà cả toàn cầu. Từ hai năm nay, tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, với nòng cốt là thành phần chiến binh theo dòng Hồi giáo Sunni, được cho là “sản phẩm” của Mỹ để lại ở Trung Đông, đã bắt đầu tấn công và có những chiến thắng liên tiếp, kiểm soát được những vùng lãnh thổ rộng lớn tại Syria và Iraq, buộc Mỹ và liên quân quốc tế phải can thiệp bằng không quân.
Trong khi đó, quân đội chính phủ Syria, sau bốn năm tiêu hao vì nội chiến, không còn đủ sức đương đầu với lực lượng thánh chiến Hồi giáo và al-Qaeda, đã phải rút về cố thủ ở Damascus. Hệ quả là một vùng duyên hải Địa Trung Hải bỏ trống hoặc giao cho lực lượng Hezbollah do Iran vũ trang chiến đấu thay thế. Quê hương của chính Tổng thống Bashar al-Assad, tỉnh Latakia, thành trì của dòng Hồi giáo Alawite, một nhánh của dòng Shiite, cũng nằm trong tầm kiểm soát của lực lượng thánh chiến Sunni và từng bị đánh chiếm vào mùa Hè 2013.
Những bế tắc kéo dài cho thấy sự can thiệp của phương Tây đã thất bại. Cuộc nội chiến dai dẳng tàn phá đất nước trong gần 5 năm qua cần có những cách tiếp cận mới.
Cuộc không kích của không quân Nga tại Syria. Ảnh: AFP/TTXVN |
Vì sao Syria cần Nga tham chiến?Ngày 29/9, Quốc hội Nga đã nhất trí thông qua việc sử dụng không quân để tham chiến tại Syria. Theo giới phân tích ở Syria, hành động này của Nga có thể là khởi đầu cho những cuộc tấn công “hiệu quả” và sẽ tạo nên thay đổi lớn trong cuộc chiến chống khủng bố ở quốc gia Trung Đông này. Hãng tin Tân Hoa Xã dẫn lời Hmaidi Abdullah, một chuyên gia phân tích chính trị ở Syria nói: “Quyết định mới đây của Nga cho thấy Moskva đã cung cấp một sự hỗ trợ quân sự tiềm năng cho quân đội Syria , đặc biệt là lực lượng không quân được Nga trang bị các máy bay chiến đấu”.
Theo ông Hmaidi Abdullah, quyết định của Nga đã mở ra một sự khởi đầu mới cho các chiến dịch không kích của Nga hỗ trợ quân đội Syria chống lại các tổ chức khủng bố, đặc biệt là IS. Ông cũng nói thêm rằng tất cả các tuyên bố trước đó của Nga là nhằm mở đường cho quyết định này.
Osama Danura, một nhà nghiên cứu chính trị khác, nhận định rằng quyết định của Nga đã được thực hiện bởi Moskva không thể có được sự hợp tác với Washington trong kế hoạch chống khủng bố của mình, đặc biệt sau những phát biểu từ phía Chính quyền Mỹ, trong đó luôn bày tỏ sự hoài nghi về hiệu quả trong những nỗ lực tấn công IS của Nga ở Syria. Ông nói: “Nga đã có những chuẩn bị về mặt chính trị để có được một sự can thiệp sâu hơn vào cuộc chiến chống khủng bố và việc đạt được sự ủng hộ và tính hợp pháp trong nội bộ nước Nga để trực tiếp can dự cuộc chiến này chính là bước cuối cùng để bước vào Syria ”.
Theo Chánh Văn phòng Tổng thống Nga Sergei Ivanov, các đối tác và đồng minh của Nga đều đã được thông báo về quyết định này cũng như những chi tiết của chiến dịch, nếu cần thiết. Ông Ivanov cũng cho biết theo yêu cầu từ phía Chính phủ Syria , Nga sẽ chỉ sử dụng các lực lượng không quân để tấn công IS. Ông nhấn mạnh: “Mục đích của chiến dịch này chỉ là hỗ trợ vũ trang cho không quân Syria để đánh IS”.
Về phần mình, Damascus đã xác nhận việc đề nghị Nga hỗ trợ quân sự. Theo một tuyên bố của hãng tin nhà nước Syria SANA, việc Nga quyết định phái lực lượng không quân nước này đến hỗ trợ Syria là do đề xuất từ phía Tổng thống Assad: “Nga gửi không quân đến Syria theo lời đề nghị của nhà nước Syria, sau khi Tổng thống Syria Bashar al-Assad gửi một bức thư cho Tổng thống Nga Putin, trong đó có lời mời không quân Nga tới thực địa như là một phần trong sáng kiến chống khủng bố của ông Putin”, hãng tin SANA dẫn nguồn tin từ văn phòng truyền thông của tổng thống ở Damascus.
Tại sao là lúc này?Trong khi phương Tây, đặc biệt là Mỹ vẫn tỏ ra nghi ngờ về ý đồ và hiệu quả của chiến dịch không kích chống khủng bố của Nga ở Syria, thì Syria coi Nga là cứu cánh duy nhất có thể hóa giải cuộc khủng hoảng ở nước này. Lâu nay, Nga vẫn là đồng minh của chế độ Assad, song tại sao đến giờ Syria mới đề xuất, và Nga mới bắt đầu tham chiến tại Syria?
Có lẽ làn sóng di cư vừa qua ở châu Âu chính là một chất xúc tác. Một cuộc khủng hoảng di cư chưa từng có đã xảy ra tại châu Âu, không chỉ là bài toán nan giải cho Liên minh châu Âu (EU) làm sao đối phó với gánh nặng này, mà còn mang đến một hiểm họa tiềm tàng, đó là làn sóng ấy có thể mang theo các phần tử khủng bố trà trộn trong đó, sẽ gây ra nhiều cuộc khủng bố hơn thời gian qua…
Đến lúc này, người ta bắt đầu thấy được sự bất lực của phương Tây, khi mà EU còn bất đồng xung quanh các quy chế tị nạn, và Mỹ thì thờ ơ, nhận quá ít trách nhiệm về mình… Theo giới phân tích quốc tế, thất bại của phương Tây và thái độ do dự, thiếu một chính sách xuyên suốt của Mỹ đã tạo ra một khoảng trống ở Syria, cho phép Nga khai thác cơ hội nhằm can thiệp giải quyết các vấn đề và gây ảnh hưởng.
Sau khi tiến hành các chiến dịch không kích chồng chéo mà không hiệu quả, liên quân quốc tế do Mỹ khởi xướng nhận thức rằng chiến lược của họ, với trọng tâm là dựa vào lực lượng nổi dậy “ôn hòa” để chống IS, đã thất bại. Thái độ của họ đối với ông Bashar al-Assad cũng đã thay đổi. Một phần do sự suy yếu của quân đội Syria và khả năng chế độ Damascus sụp đổ làm dấy lên mối lo ngại IS sẽ nhanh chóng lấp chỗ trống.
Thêm nữa, thỏa thuận về chương trình hạt nhân của Iran, về mặt lý thuyết, có thể sẽ dẫn tới việc Tehran, cùng với Moskva là chỗ dựa lớn nhất của Tổng thống Bashar al-Assad, tham gia phối hợp với phương Tây giải quyết tình hình Syria. Cuối cùng, việc Nga đột nhiên tăng cường hiện diện quân sự tại Syria, đã làm đảo lộn chương trình nghị sự ngoại giao quốc tế. Bị cô lập sau cuộc xung đột ở Ukraine, Nga đã can dự về quân sự vào Syria , buộc phương Tây phải chấp nhận sự tham gia của họ trong một giải pháp ngoại giao. Ngay cả Tổng thống Mỹ Barrack Obama cũng phải thừa nhận sẽ là “vô trách nhiệm” nếu từ chối đối thoại với Moskva.
Hiện cả Washington, vốn luôn cho rằng Tổng thống Syria là người phải chịu trách nhiệm về cuộc chiến, không còn coi sự ra đi của ông Bashar al-Assad là điều kiện tiên quyết để nối lại thương lượng. Và Pháp, nổi tiếng với thái độ cứng rắn chống Chính quyền Bashar al-Assad, cũng phải điều chỉnh lập trường cho mềm dẻo hơn. Đức, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đưa ra những tuyên bố cùng chiều hướng đó. Phương Tây đã nhận ra rằng cần phải tạo điều kiện để có thể dàn xếp được một lối thoát cho cuộc khủng hoảng này.