Lý lẽ của NgaBộ Quốc phòng Nga ngày 30/9 xác nhận, các máy bay chiến đấu của Nga đã tiến hành 20 đợt không kích, đánh trúng 8 mục tiêu của IS, phá hủy một trung tâm chỉ huy và một trung tâm điều hành của quân khủng bố tại khu vực miền núi Syria.
Hình ảnh máy bay Nga không kích trúng mục tiêu IS cắt từ video do Bộ Quốc phòng Nga công bố ngày 30/9.
|
Lý giải cho quyết định can dự này, Tổng thống Vladimir Putin nhấn mạnh cách thức duy nhất để chống khủng bố quốc tế ở Syria là thực hiện bước đi “đánh đòn trước”, triệt hạ quân khủng bố tại chính khu vực mà chúng kiểm soát thay vì ngồi chờ chúng “tiến tới lãnh thổ của chúng ta”. Phát biểu tại cuộc gặp với quan chức chủ chốt trong chính phủ Nga, ông Putin nói rằng có hàng ngàn chiến binh đến từ nhiều nước khác nhau đã gia nhập quân khủng bố và nếu “thành công” ở Syria thì thế lực này sẽ tiến đến Nga, nhất là khi IS tuyên bố coi Nga là kẻ thù. “Chúng tôi chắc chắn sẽ không đối đầu trực tiếp trong xung đột tại Syria và sẽ thực hiện các bước đi nằm trong các khuôn khổ đã được xác định: Ủng hộ quân đội Syria trong cuộc chiến hợp pháp chống các nhóm khủng bố và sẽ không gửi bộ binh tham chiến” - ông chủ Điện Kremlin chia sẻ.
Tổng thống Putin cũng nói rằng Moskva đã thông báo cho tất cả các đối tác quốc tế về kế hoạch và những bước đi của Nga ở Syria và các nước đều hiểu mục đích can dự của Nga. Theo đó, Moskva luôn ủng hộ cuộc chiến chống khủng bố phù hợp với luật pháp quốc tế, các nghị quyết của Liên hợp quốc hoặc dựa trên yêu cầu của một quốc gia đề nghị trợ giúp quân sự, hỗ trợ không kích trên phần lãnh thổ nước mình.
Trước đó ít giờ, Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga đã bỏ phiếu thông qua Nghị quyết cho phép Tổng thống được quyền sử dụng không quân can dự ở Syria. Ngay sau đó Syria lên tiếng xác nhận, các cuộc không kích này được thực hiện theo yêu cầu của Damascus. Cụ thể, hãng thông tấn SANA (Syria) ra tuyên bố khẳng định, Tổng thống Bashar al-Assad đã gửi thư cho ông Putin, đề nghị Moskva điều lực lượng không quân tới Syria dựa trên tinh thần sáng kiến chống khủng bố mà Nga đề xuất. “Quan hệ Nga - Syria được điều chỉnh bởi các hiệp định, luật pháp quốc tế; các thỏa thuận ký kết giữa hai nước, hướng đến lợi ích của hai dân tộc và bảo đảm an toàn, toàn vẹn lãnh thổ mỗi nước”, tuyên bố nêu rõ.
Một cuộc can dự mang tính toàn cầu?Quyết định không kích các mục tiêu IS của Nga có thể đẩy xung đột tại Syria sang một ngã rẽ mới. “Tình hình nóng bỏng như vậy làm xuất hiện mối nguy cơ lớn về hiểu nhầm”, Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier phát biểu bên lề các phiên họp tại Liên hợp quốc. Một số chuyên gia nhận định, khủng hoảng Syria đã chuyển từ hình thái “chiến tranh ủy quyền” (với việc các thế lực bên ngoài vũ trang, huấn luyện cho quân đối lập chống chính quyền) sang cấp độ “xung đột quốc tế” khi mà tất cả các cường quốc quân sự hàng đầu thế giới đều đã hiện diện, ngoại trừ Trung Quốc.
Cảnh đổ nát thường thấy ở Syria sau hơn 4 năm nội chiến, xung đột. Ảnh: AFP |
Diễn biến mới này cũng gây ra quan ngại về khả năng đụng độ Nga - Mỹ khi cả hai bên đều mở các cuộc tấn công trên cùng một không phận mà không có sự điều phối rõ ràng. Mỹ tiết lộ, giới chức quân sự Nga tại trung tâm điều độ thông tin ở Baghdad (Iraq) đã phát đi cảnh báo về các kế hoạch không kích của liên quân khi Nga máy bay Nga xuất hiện trong không phận Syria. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter cho biết đã chỉ đạo giới chức Lầu Năm góc tiến hành các cuộc tiếp xúc với các đồng nghiệp Nga “sớm nhất có thể” để thảo luận về cách thức tránh va chạm. Phát ngôn viên Nhà Trắng Josh Earnest thì bình luận Nga đang gia tăng mức độ hậu thuẫn nhằm duy trì chế độ Tổng thống Assad và các cuộc không kích “là một chỉ dấu cho thấy Moskva quan ngại đến nhường nào trước nguy cơ đánh mất ảnh hưởng tại quốc gia đồng minh duy nhất ở Trung Đông”.
Leo thang đối đầu ở mức độ nào hiện vẫn còn là câu hỏi để ngỏ, khi mà Mỹ và các đồng minh còn chưa hiểu rõ ý định thực chất của Nga. Ra quyết định không kích, nhưng ông Putin vẫn khẳng định các chiến dịch này sẽ ở “cấp độ có giới hạn” và cách thức duy nhất để Syria thoát ra khỏi khủng hoảng là đối thoại và cải cách chính trị có sự tham dự của tất cả các cường quốc theo đuổi hòa bình. “Tôi nhận thấy Tổng thống Bashar al-Assad đã sẵn sàng đối thoại và cải cách”, ông chủ Điện Kremlin bình luận.