Các cuộc biểu tình rầm rộ và tình trạng bất ổn ở Pháp sau vụ cảnh sát bắn chết một thiếu niên gốc Algeria đang dần lắng xuống. Tuy nhiên, giới quan sát dự đoán tình hình ở nước này vẫn còn phức tạp do chính quyền không thể giải quyết vấn đề nhức nhối trong việc hòa nhập cư dân gốc Bắc Phi vào xã hội chung. Hơn nữa, xu hướng phản đối của giới trẻ Pháp có thể lan sang các nước láng giềng, trong đó nước Bỉ có nguy cơ đặc biệt khi gần đây đã bắt giam trên 60 người có hành vi phá hoại tập thể.
Những người theo dõi tình hình chính trị ở Pháp không thấy bất ngờ với các cuộc bạo loạn hiện nay, khi nhớ lại phong trào “Áo khoác vàng” hay làn sóng đình công, biểu tình phản đối luật hưu trí gần đây. Tuy nhiên, những cuộc biểu tình này có bản chất khác.
Theo ông Pavel Timofeyev - Giám đốc Khoa Nghiên cứu chính trị châu Âu tại Viện Kinh tế Thế giới và Quan hệ Quốc tế của Viện Hàn lâm Khoa học Nga, những cuộc biểu tình trước đó nhằm mục đích bảo vệ các quyền lợi xã hội của nhiều nhóm cư dân khác nhau và chống lại nỗ lực của chính quyền Tổng thống Macron nhằm thay đổi các quy tắc này. Trong khi các cuộc bạo loạn hiện tại hoàn toàn khác. Chúng là biểu hiện của sự vô vọng của các quận và khu phố bị thiệt thòi hơn.
Nhiều nhà phân tích lưu ý rằng tình trạng bất ổn ở quy mô hiện tại chưa từng xảy ra ở Pháp kể từ năm 2005, khi cái chết của hai thiếu niên chạy trốn cảnh sát đã gây ra các cuộc biểu tình và náo loạn trong nhiều tuần. Tuy nhiên, ông Timofeyev chỉ ra rằng những xáo trộn đó khác với những cuộc bạo loạn hiện nay.
"Trước hết, những kẻ bạo loạn hiện nay có công nghệ phức tạp hơn nhiều. Họ đang sử dụng mạng xã hội, dịch vụ nhắn tin, dấu định vị địa lý và được tổ chức tự do hơn. Sự khác biệt thứ hai là các cuộc biểu tình đã nhấn chìm vùng Ile-de-France có phạm vi địa lý rộng hơn nhiều. Sự khác biệt thứ ba là, khi đó, Tổng thống Pháp lúc bấy giờ Jacques Chirac là người sự ủng hộ vững chắc trong quốc hội.
Theo ý kiến nhà nghiên cứu Pavel Timofeyev, mặc dù tình hình đã dần hạ nhiệt, nhưng vấn đề hội nhập ở Pháp vẫn chưa thực sự được giải quyết. Ông nói thêm, vấn đề còn tồn tại thứ hai là mối quan hệ giữa người nhập cư và cảnh sát Pháp.
Pháp và nhiều nước châu Âu khác đã tiếp nhận một lượng lớn người nhập cư và tị nạn từ các nước đang phát triển trong những thập kỷ qua. Sau "Mùa xuân Ả Rập" cũng như các cuộc chiến tranh và hỗn loạn do các cường quốc phương Tây gây ra ở Trung Đông, số lượng người nhập cư và người tị nạn chạy sang châu Âu đã tăng lên đáng kể.
Các chuyên gia cho biết điều này đã gây ra căng thẳng giữa những người có nguồn gốc văn hóa, sắc tộc và tôn giáo khác nhau, cũng như căng thẳng giữa cảnh sát và người nhập cư ở nhiều nước phương Tây.
Giáo sư luật người Pháp Karine Bechet-Golovko tại Đại học Quốc gia Moskva, cho rằng các cuộc bạo loạn ở Pháp có thể là điềm báo cho các cuộc biểu tình rầm rộ ở các nước láng giềng châu Âu khác, nơi có nhiều người nhập cư sinh sống. "Các cuộc biểu tình đã tràn qua biên giới sang Bỉ và Thụy Sĩ. Cần phải hiểu rằng chúng hoàn toàn mang tính chất sắc tộc. Tuy nhiên, cho đến nay, thật khó để nói chúng sẽ lớn đến mức nào”, bà lưu ý.
Làn sóng bạo loạn gần đây đã nêu bật các vấn đề nan giải đã tồn tại từ lâu về chủng tộc và người nhập cư ở Pháp, cũng như là thực tế rằng các nước châu Âu đang được hưởng lợi từ lao động nhập cư đã không đủ sát sao để giúp nhóm này hòa nhập với xã hội.
Ông Cui Heng, giảng viên tại cơ sở đào tạo của Tổ chức Hợp tác Trung Quốc - Thượng Hải về trao đổi và hợp tác tư pháp quốc tế, nói với Global Times rằng các cuộc bạo loạn chính là cái giá mà các nước châu Âu phải trả cho những vấn đề nêu trên.
Hậu quả của chúng thậm chí còn nghiêm trọng hơn khi nền kinh tế châu Âu đang trải qua đà suy thoái nghiêm trọng liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine. Ông Cui đồng thời cảnh báo rằng những cảnh tượng bạo loạn tương tự cũng có thể xảy ra ở các nước châu Âu khác.
Nhiều nhà phân tích cho biết việc một số chính phủ châu Âu không thể kích thích nền kinh tế, khi họ tiếp tục “tiếp lửa” cho cuộc xung đột Nga-Ukraine bằng cách gửi vũ khí đến Ukraine, cũng làm trầm trọng thêm sự tức giận của công chúng, vốn được trút vào các cuộc bạo loạn đang diễn ra.
Sau khi xung đột ở Ukraine nổ ra vào năm 2022, vấn đề xã hội tồn tại lâu nay đó lại phải đối mặt với những thách thức mới khi hy vọng phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19 bị hủy hoại nghiêm trọng. Các nhà phân tích cho biết giá năng lượng tăng cao, tình hình an ninh và môi trường kinh doanh ngày càng tồi tệ đã dẫn đến tỷ lệ thất nghiệp gia tăng và sự tức giận của tầng lớp thấp hơn, chủ yếu là người nhập cư từ các nước Arab và châu Phi.
Do đó, theo giới quan sát, chỉ cần một tia lửa cũng có thể làm nổ thùng thuốc súng. Và không chỉ ở Pháp, mà ở nhiều quốc gia châu Âu khác bao gồm Đức, Bỉ, Thụy Điển, Hà Lan và Thụy Sĩ, những quốc gia đều có chung mối thách thức. Đây là lý do tại sao toàn bộ châu Âu đang chú ý đến diễn biến của tình hình ở Pháp.