Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (phải) và Choe Ryong Hae, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên tới dự lễ khánh thành khu dân cư Ryomyong tháng 4/2017. Ảnh: AP |
Việc Triều Tiên chủ động đề nghị tạm ngừng các vụ thử tên lửa và hạt nhân như một bước mở đầu cho các cuộc đàm phán phi hạt nhân với Mỹ là một cơ hội không thể bỏ lỡ. Để tận dụng triệt để cơ hội hiếm có này, Tổng thống Mỹ Donald Trump cần phải sáng suốt lựa chọn một phái đoàn cấp cao dày dạn kinh nghiệm để thay mặt ông tham gia đàm phán.
Theo báo Washington Post, có nhiều khả năng đối thoại Mỹ - Triều sẽ mở đầu với cuộc gặp giữa các quan chức cấp cao, như Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson và người đồng cấp Triều Tiên Ri Yong Ho. Song để thực hiện một vụ đàm phán phức tạp và khó nhằn với đối tác như Triều Tiên, phía Mỹ cần một đặc phái viên chuyên trách và một đội ngũ gồm các chuyên gia nghiên cứu về khu vực.
Câu trả lời dành cho câu hỏi ai sẽ đại diện nước Mỹ tham gia các cuộc đàm phán với Triều Tiên đặc biệt quan trọng trong bối cảnh đại sứ Joseph Yun - Đặc phái viên phụ trách chính sách Triều Tiên của Bộ Ngoại giao Mỹ - vừa xin từ chức vào tuần trước.
Vậy một đặc phái viên phụ trách đối thoại với Triều Tiên mà Tổng thống Trump cần tìm kiếm phải đảm bảo những điều kiện gì?
Trong quá khứ, chính quyền Washington phụ thuộc vào mỗi cá nhân khác nhau để thực hiện các phi vụ đàm phán. Dưới thời cựu Tổng thống Bill Clinton, ông Robert L. Gallucci đóng vai trò trung tâm trong việc kiềm chế chương trình sản xuất nhiên liệu phân hạch của Triều Tiên.
Tại nhiệm kỳ thứ 2 của cựu Tổng thống George W. Bush, Đại sứ Christopher Hill - người từng giữ vai trò chủ chốt trong quá trình đạt được Hiệp ước Dayton 1995 chấm dứt chiến tranh tại Bosnia - trở thành trưởng đoàn đàm phán hạt nhân sáu bên của Mỹ.
Đến thời cựu Tổng thống Barack Obama, Đại sứ Stephen Bosworth được chọn làm Đặc phái viên phụ trách chính sách Triều Tiên. Ông là một nhà ngoại giao kỳ cựu với hơn 20 kinh nghiệm và từng có 2 năm (giai đoạn 1995 - 1997) giữ chức Giám đốc điều hành Tổ chức Phát triển Năng lượng Bán đảo Triều Tiên.
Cả ba nhân vật này đều có tính cách, kinh nghiệm và xuất thân khác biệt, nhưng sau đây là 3 điểm chung nổi bật của cả ba người.
Đầu tiên, một đặc phái viên cần phải có kinh nghiệm dày dạn trong sự nghiệp đối ngoại để có thể ứng phó với những thách thức gai góc, đặc biệt là với những nhà lãnh đạo cứng rắn.
Thứ hai, một đặc phái viên phải có sự ủng hộ mạnh mẽ từ cả tổng thống, ngoại trưởng và bộ trưởng quốc phòng. Đây là mối quan hệ hai chiều. 24 giờ làm việc mỗi ngày đối mặt với thách thức từ phía Triều Tiên và gặp mặt người Triều Tiên, đặc phái viên này sẽ trở thành người cực kỳ có giá trị và quan trọng trong vai trò báo cáo thông tin cho những người cấp cao hơn đưa ra quyết định.
Thứ ba, người có thể trở thành đặc phái viên phải giữ chức vụ đủ cao để có cơ hội gặp trực tiếp nhà lãnh đạo Kim Jong-un, cũng như các quan chức cấp cao khác của các nước liên quan như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc và Nga một khi cần thiết.
Ngoài ra, Chính phủ Mỹ cũng cần một đội ngũ chuyên gia kinh nghiệm để hỗ trợ mạnh mẽ cho đặc phái viên. Nhóm chuyên gia này sẽ nghiên cứu tài liệu chính phủ, báo cáo tình báo, dự đoán cách người Triều Tiên suy tính và hành động.
Trong bất kỳ trường hợp nào, để tận dụng tối đa cơ hội hiếm có, Tổng thống Trump cần phải cân nhắc kỹ trước khi chỉ định một đặc phái viên đại diện cho ông đàm phán với Bình Nhưỡng. Điều đó sẽ là một trong những bước đi quan trọng trên con đường đi tới giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên.