Trong suốt gần một tháng, Italy đã chứng kiến một tình cảnh khủng khiếp khi là quốc gia có nhiều ca tử vong do COVID-19 nhất trên thế giới – vượt xa Trung Quốc, tâm dịch thời kỳ đầu, vào giữa tháng 3 và sau 3 tuần rưỡi, mới bị Mỹ vượt qua. Nhưng hiện tại các bác sĩ Italy đang hy vọng biến nỗi đau của đất nước mình thành một lợi thế trong điều trị cho các bệnh nhân COVID-19.
Theo kênh CNN, đất nước hình chiếc ủng đang đặt hy vọng vào việc sử dụng huyết tương của những người mắc COVID-19 đã hồi phục để giúp cứu những bệnh nhân nặng đang điều trị trong bệnh viện hiện nay.
“Điều tốt lành có thể xuất phát từ đây”, Tiến sĩ Fausto Baldanti, nhà virus học tại Bệnh viện trường Đại học Pavia San Matteo ở miền Bắc Italy, nói. “Chúng tôi đã trải qua một trận dịch khủng khiếp, vì thế lúc này chúng tôi có nhiều người hiến huyết tương tiềm năng”.
Những người hồi phục sau khi bị nhiễm virus SARS-CoV-2, hoặc đã xét nghiệm dương tính nhưng không xuất hiện các triệu chứng, sẽ sản sinh các kháng thể trong huyết tương của họ. Những kháng thể này có thể được truyền cho một nạn nhân khác, giúp vô hiệu hóa virus trong cơ thể người nhận.
Trong nhiều thập kỷ, các bác sĩ đã sử dụng huyết tương hoặc thậm chí máu từ các bệnh nhân đã hồi phục để điều trị cho người mới bị nhiễm bệnh.
Là một nhà virus học tại Bệnh viện Đại học Pavia San Matteo ở miền Bắc Italy, nơi đã chứng kiến nhiều trường hợp mắc bệnh và tử vong nhất ở nước này, Tiến sĩ Baldanti hy vọng phương pháp "điều trị huyết tương có thể rất quan trọng để kiểm soát tình trạng nhiễm trùng ở những bệnh nhân được đưa vào các khu vực chăm sóc đặc biệt."
Dù sao đó cũng là lý thuyết, trong khi việc điều trị vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm ở Italy. Phương pháp này phụ thuộc vào sự phát triển xét nghiệm kháng thể, hiện vẫn chưa khả dụng. (Tại Mỹ, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm chỉ mới thắt chặt các hạn chế đối với xét nghiệm kháng thể sau khi việc nới lỏng các quy tắc trước đó đã dẫn đến nhiều xét nghiệm chất lượng thấp).
Xét nghiệm kháng thể, còn được gọi là xét nghiệm huyết thanh học, không nhằm chẩn đoán tình trạng nhiễm trùng của bệnh nhân COVID-19. Thay vào đó, nó kiểm tra protein trong hệ thống miễn dịch – còn gọi là kháng thể - thông qua mẫu máu. Sự hiện diện của kháng thể trong máu một người có thể đồng nghĩa người đó có ít nhất một số khả năng miễn dịch - mặc dù các chuyên gia không chắc chắn khả năng miễn dịch đó có thể mạnh đến mức nào hoặc sẽ kéo dài bao lâu.
Tổng giám đốc Trung tâm Huyết học quốc gia Italy Giancarlo Maria Liumbruno hy vọng xét nghiệm kháng thể sẽ sẵn sàng tại nước này trong vòng vài tuần. "Nên có xét nghiệm huyết thanh học (xét nghiệm máu) được phê duyệt vào cuối tháng Tư này để kiểm tra xem người nào có kháng thể trong máu. Chúng tôi sẽ bắt đầu chọn những người hiến huyết tương đầu tiên vào cuối tháng", ông Liumbruno nói với CNN.
"Sáng kiến mới này sẽ cho phép chúng tôi kiểm tra khoảng 1,7 triệu người hiến máu ở Italy, để xem ai mắc bệnh, kể cả người không có triệu chứng, và ai đã sản sinh các kháng thể", ông nói. Theo ông Liumbruno, sau khi xét nghiệm kháng thể được phê duyệt, Italy có kế hoạch mở ngân hàng máu để quyên góp huyết tương từ những người có kháng thể COVID-19.
Xét nghiệm sẽ cho phép các nhà khoa học lựa chọn những người hiến máu hiệu quả nhất. Nhà virus học Baldanti giải thích: "Dựa trên xét nghiệm, ai có hoạt tính cao nhất của virus, bác sĩ sẽ sử dụng huyết tương của người đó để truyền cho bệnh nhân”.
Dự án nhằm mục đích tuyển chọn những người hiến huyết tương tự nguyện. Ở miền Bắc Italy, các xét nghiệm kháng thể đã bắt đầu được tiến hành tại một số bệnh viện điều trị bệnh nhân bằng huyết tương từ những người đã khỏi bệnh và có xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong ít nhất 14 ngày. Huyết tương được tách ra khỏi các tế bào máu rồi được tiêm tĩnh mạch cho bệnh nhân COVID-19.
Theo ông Liumbruno, huyết tương của bệnh nhân hồi phục cũng có thể là chìa khóa để tạo ra một liệu pháp thuốc điều trị hiệu quả. Các bệnh viện ở miền Bắc Italy hiện đang hợp tác với Kedrion Biopharma, một công ty công nghệ sinh học toàn cầu với các cơ sở sản xuất ở Italy và Mỹ. Đây là một trong bốn công ty được Cơ quan Y tế Quốc gia Italy ủy quyền phân tách huyết tương từ các ngân hàng máu. Họ cùng nghiên cứu một phương pháp điều trị có nguồn gốc từ huyết tương cho bệnh COVID-19 và hy vọng phương pháp này sẽ sẵn sàng trong vòng 3-6 tháng, theo Tiến sĩ Alessandro Gringeri, Giám đốc chuyên môn y khoa.
"Ban đầu, chúng tôi sẽ sử dụng huyết tương từ khoảng 100 bệnh nhân COVID-19 đã hồi phục để phát triển một liều thuốc có thể được tiêm tĩnh mạch hoặc tiêm bắp", ông Gringeri nói. "Chúng tôi sẽ tạo ra một liệu pháp immunoglobulin (globulin miễn dịch) có nguồn gốc từ huyết tương, có thể được sử dụng cho cả những bệnh nhân đang bị COVID-19 hoặc nhân viên y tế để cung cấp miễn dịch thụ động tạm thời".
Tiến sĩ Gringeri cho biết công ty có kế hoạch bắt đầu thu thập huyết tương từ các bệnh nhân hồi phục vào cuối tháng 5, với hy vọng sẽ có một nguyên mẫu liệu pháp điều trị vào cuối tháng 9.
Nếu lý thuyết về liệu pháp huyết tương có thể chứng minh thành công trong thực tế, bi kịch của nước Ý ít nhất đã chứa hạt giống của một giải pháp.