Cái chết của Ben đã để lại một bí ẩn. Brandy biết chồng cô mắc COVID-19, nhưng vẫn tự hỏi làm thế nào một huấn luyện viên bóng chày 30 tuổi khoẻ mạnh, không có bệnh lý nền lại ra đi quá nhanh như vậy.

 

Brandy bàng hoàng mất đi người chồng đang khoẻ mạnh, vốn được các bác sĩ cho rằng chỉ cần điều trị COVID-19 tại nhà. Ảnh: CNN

Khi Ben Luderera, 30 tuổi, bắt đầu cảm thấy người bị ốm, anh không bất ngờ lắm. Mới vài ngày trước đó, vợ anh là Brandy đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 nhưng bệnh tình không nghiêm trọng.

Thân nhiệt của Brandy chỉ tăng nhẹ, đến mức bác sĩ còn không xem đó là triệu chứng sốt. Cô bị xung huyết nhưng đang dần bình phục. Ben cũng không cảm thấy lo lắng lắm khi người không khoẻ. Dù gì thì cả hai vợ chồng anh đều là những người trẻ và khoẻ mạnh.

Theo kênh CNN, cả hai vợ chồng đều làm việc tại trường Cliffside Park ở bang New Jersey, Mỹ. Là một ngôi sao bóng chày thời trung học, Ben tiếp tục nuôi dưỡng đam mê với công việc huấn luyện viên cho đội bóng chày trường học.

Tuy vậy, các triệu chứng với Ben nhanh chóng trở nên nặng hơn. Anh bị khó thở và đến ngày thứ Sáu cuối cùng của tháng Ba, Ben nói với vợ rằng đã đến lúc phải đi cấp cứu. Ngay lập tức Brandy đưa chồng cô đến bệnh viện. Tại đó, Ben Luderer được các bác sĩ cho thở oxy và có phản ứng tốt. Họ truyền dịch cho anh, cho uống thuốc cảm Tylenon rồi để bệnh nhân về nhà ngay tối hôm đó.

“Hãy làm những gì anh vẫn đang làm tại nhà”, bác sĩ dặn. Đến Chủ nhật tuần đó, Ben cảm thấy khá hơn, dường như có dấu hiệu đỡ bệnh. Anh ra khỏi giường và cùng vợ ăn tối. “Chủ nhật hôm đó là một ngày tuyệt vời. Anh ấy đi lại quanh nhà và chúng tôi cùng trò chuyện. Dường như Ben đang trong quá trình hồi phục”, Brandy kể lại với CNN. Tuy nhiên, đến buổi tối thì các triệu chứng quay trở lại.

 Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân mắc COVID-19 lên xe cứu thương ở New York, Mỹ ngày 6/4/2020. Ảnh: THX/TTXVN

“Ben thường nói rằng buổi tối là quãng thời gian tệ nhất, anh ấy đổ mồ hôi nhiều và khi nằm xuống thì rất khó thở”, Brandy cho biết. Vì Ben ngủ trong phòng ngủ còn Brandy nằm trên sofa nên họ nói chuyện bằng tin nhắn. Bất ngờ, Ben nhắn cho vợ: "Anh đang vật vã quá". Brandy hỏi chồng có muốn quay trở lại phòng cấp cứu không, nhưng Ben trả lời rằng anh cũng không chắc.

“Tôi đã cố gắng làm hết sức có thể để giúp anh ấy dễ chịu hơn, giúp anh ấy thở và giữ bình tĩnh”. Khi Ben ngủ thiếp đi, Brandy lắng nghe từng hơi thở của chồng qua cánh cửa phòng ngủ. “Tôi có thể nghe thấy tiếng anh ấy thở. Sau đó tôi cũng ngủ thiếp đi”. 2h sáng cô dậy kiểm tra xem chồng thế nào thì thấy mọi thứ vẫn ổn. Nhưng khi Brandy thức dậy vào 6h sáng thì cô thấy chồng đã bất động trên giường.

Ben và Brandy là vợ chồng nhưng cũng là những người bạn thân nhất của nhau, họ làm cùng chỗ, đi làm cùng nhau hàng ngày. Cô không biết mình phải làm gì sau khi Ben ra đi, để lại mình cô trên cõi đời. “Cho dù anh ấy mới biết bạn trong năm phút hay biết bạn cả cuộc đời, anh ấy cũng sẽ dành cho bạn sự tôn trọng như nhau, anh ấy sẽ cố gắng lại gần, giúp bạn và khiến bạn vui cười bằng mọi cách có thể. Anh ấy là tuýp người vị tha như vậy đấy”, Brandy xúc động.

Cái chết của Ben đã để lại nhiều câu hỏi cần giải đáp. Brandy biết chồng cô mắc COVID-19, nhưng vẫn tự hỏi làm thế nào một thanh niên 30 tuổi khoẻ mạnh, không có bệnh lý nền lại ra đi quá nhanh như vậy. Câu chuyện của Ben Luderer cũng là một trong những trường hợp gây băn khoăn với giới chức y tế toàn cầu. Tại sao một số người trẻ, sức khỏe tốt lại nhiễm virus và tử vong nhanh chóng đến thế.

Có một thực tế là COVID-19 gây ảnh hưởng nghiêm trọng nhất đối với người già, đặc biệt là những người có bệnh lý nền như tim mạch, ung thư phổi hoặc tiểu đường. Hệ miễn dịch của người cao tuổi khó có thể chống chọi với SARS-CoV-2, vì thế, một khi xâm nhập vào cơ thể, virus này có thể dễ dàng sinh sôi, xâm chiếm cơ thể và làm suy nhiều cơ quan nội tạng.

Tuy nhiên, vẫn có nhiều trường hợp những người trẻ tuổi và khỏe mạnh như Ben Luderer bị mắc COVID-19 nghiêm trọng và tử vong. Conrad Buchanan, một DJ nổi tiếng ở Florida, 39 tuổi, vốn là người khỏe mạnh, hoạt bát cũng đã tử vong vì SARS-CoV-2, dù không có bệnh lý nền. Buchanan bắt đầu thấy mệt từ ngày 14/3. Sức khoẻ của anh ngày càng xấu đi và tới ngày 22/3, khi vừa nhập viện, Buchanan đã tử vong nhanh đến mức vợ anh Nicole còn chưa kịp nói lời từ biệt vì cô đang đi đậu xe.

Cấp cứu bệnh nhân COVID-19 tại Italy. Ảnh: AFP/TTXVN

Như vậy có thể thấy rằng, COVID-19 không phải là căn bệnh nguy hiểm của riêng người già. Nhiều người trẻ và khỏe mạnh cũng không có khả năng miễn dịch trước căn bệnh này, và có thể bị nặng tới mức phải nhập viện, thậm chí tử vong.

Theo một thông báo từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), trong số 2.449 bệnh nhân đã xác định độ tuổi, có 18% là những người từ 45-54 tuổi, 29% trong độ tuổi từ 22 - 44. Trong số những người phải nhập viện, 18% bệnh nhân trong độ tuổi từ 45 đến 54, và 20% bệnh nhân từ 20 đến 44.

Những người trẻ tuổi thường được cho là ít có khả năng tử vong hơn, nhưng lại có một mô hình bất thường đang nổi lên. Theo lời Bác sỹ Anthony Fauci (cựu Giám đốc Viện Dị ứng và bệnh truyền nhiễm quốc gia Mỹ, thành viên chính đội phản ứng chống COVID-19 của Tổng thống Trump), đó là điều khiến COVID-19 trở thành “một căn bệnh bất thường”.

“Bạn biết đấy, có rất nhiều người đã hồi phục tốt nhưng cũng như một canh bạc, có những người phải sử dụng máy trợ thở hoặc can thiệp kỹ thuật ECMO (máy tim phổi nhân tạo) mà vẫn không qua khỏi”, ông Fauci trả lời phỏng vấn trong podcast của Bác sĩ Sanjay Gupta (Trưởng phóng viên y tế của CNN) có tên: "Coronavirus: Fact vs. Fiction” (tạm dịch “Virus Corona: Sự thật và hư cấu”). “Ý tôi là, có điều gì đó ở đây mà chúng ta đang bỏ sót nhìn từ quan điểm sinh bệnh học. Và tôi không nghĩ rằng chỉ người già hay người có bệnh lý nền. Có điều gì đó đang xảy ra, mà hy vọng cuối cùng chúng ta sẽ tìm ra”.

Các nhà khoa học băn khoăn rằng, liệu câu trả lời có nằm ở bộ gien của chúng ta hay không? Họ bắt đầu tìm hiểu có điều gì khác biệt giữa những trường hợp bệnh nhân mắc bệnh nhẹ với những người tử vong.

Một khả năng nằm ở sự biến đổi của gien ACE2. ACE2 là một enzyme gắn vào bề mặt ngoài của các tế bào phổi, tim. Trong một bài báo đăng trên tạp chí Science, nhà miễn dịch học Philip Murphy thuộc Viện Dị ứng và Bệnh Truyền nhiễm Quốc gia Mỹ cho biết: “Các biến thể gien ACE2, vốn làm thay đổi thụ thể, có thể khiến virus dễ dàng hơn hay khó khăn hơn trong việc thâm nhập vào tế bào phổi”.

Có thể còn những bí ẩn về gien với virus SARS-CoV-2. 

Ngoài ra, tình trạng bệnh trở nên nặng hơn cũng có thể là do sự thiếu hụt chất surfactant - một chất quan trọng do cơ thể sản sinh ra, cho phép phổi giãn nở và co bóp tốt hơn. Hãy thử tưởng tượng lá phổi giống như một miếng bọt biển, surfactant sẽ đóng vai trò là chất tẩy rửa giúp nó mềm và dẻo dai hơn. Không có chất này, lá phổi sẽ trở nên cứng và khó co bóp. Đó có thể là lý do tại sao một số bệnh nhân vẫn không thể thở được dù sử dụng máy trợ thở.

Một hướng khác đang được xem xét là cách thức hệ miễn dịch phản ứng với virus và vi khuẩn ngay từ ban đầu. Ở một số người khỏe mạnh, một hệ miễn dịch phản ứng quá mạnh có thể dễ dẫn đến viêm nhiễm ồ ạt, khiến phổi và các cơ quan nội tạng khác không đủ sức chống chọi. Trong những trường hợp đó, vấn đề không nằm ở hệ miễn dịch đã bị suy yếu hay có tuổi, mà bởi nó hoạt động quá tốt. 

Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện Vall d'Hebron ở Barcelona, Tây Ban Nha ngày 6/4/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo giải thích trên trang Vox: Sau khi cơ thể bị nhiễm trùng, hệ miễn dịch tập hợp lại để tạo ra các kháng thể - các protein săn lùng và tiêu diệt những kẻ xâm lược từ bên ngoài như virus. Trong một số trường hợp, những kháng thể này cũng có thể gây tác dụng ngược, bà Akiko Iwasaki, nhà sinh học miễn dịch tại Đại học Yale (Mỹ), cho biết. Một số kháng thể liên kết với virus, thay vì ngăn chặn virus, vì thế chúng bị các tế bào bạch cầu “ăn thịt”. Những tế bào bạch cầu sau đó trở nên “bối rối”, tạo ra các phân tử gọi là cytokine. Đây là những hóa chất, cùng với những yếu tố khác, thúc đẩy một “cơn bão” viêm nhiễm khắp cơ thể. Và điều đó cuối cùng khiến cho tình trạng bệnh trở nên nặng nề hơn, bà Iwasaki giải thích.

Hiện vẫn không rõ tại sao một “cơn bãn cytokine” có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến người này và không xảy ra ở người khác. Tuy nhiên, may mắn là các bác sĩ đã có một số hiểu biết về cách điều trị phản ứng thái quá này. Một số bác sĩ lâm sàng tuyến đầu suy đoán rằng đây là lý do tại sao steroid, một chất ức chế hệ miễn dịch, dường như đã giúp ích cho một số trường hợp phản ứng thái quá.

Một lý giải khác trên tờ Guardian là một số nhà nghiên cứu tin rằng, tính nhạy cảm về mặt di truyền có thể có liên quan. Hay nói cách khác, có những cá nhân có cấu trúc di truyền khiến họ dễ bị nhiễm virus hơn khi nó lây nhiễm vào cơ thể họ.

Ý tưởng này được nhà virus học Michael Skinner tại trường Đại học Imperial College London ủng hộ. Ông cho rằng một người trong số chung ta rất có thể có một kiểu cấu trúc di truyền đặc biệt khiến ta có khả năng phản ứng kém với việc nhiễm virus.

Một ví dụ về tính nhạy cảm này có thể thấy ở virus herpes simplex, gây ra vết loét. Ở một số người, một đột biến ảnh hưởng đến các thụ thể tế bào được gọi là TLR3 trong hệ thần kinh trung ương, khiến họ không thể đối phó với tác động xấu nhất của virus: họ mắc một bệnh gọi là viêm não herpes simplex, có thể dẫn đến co giật ở trẻ em.

“Có thể chúng ta đang chứng kiến một loại mẫn cảm tương tự ở một số người mắc COVID-19, và điều đó khiến họ phải hứng chịu nhiều tác dụng phụ nghiêm trọng hơn”, ông Skinner nói.

Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 tại một bệnh viện. Ảnh: AFP/TTXVN

Để xác định rõ hơn cơ sở bệnh lý của bí ẩn nói trên có thể mất đến vài tháng và có thể có sự khác biệt ở các bệnh nhân, bất kể độ tuổi. Mặc dù đúng là có một tỷ lệ đáng kể người trẻ tuổi có nguy cơ lây nhiễm tăng vì mắc các bệnh nền như tiểu đường, nhưng nếu đó là những người trẻ khoẻ như Ben và Conrad, chúng ta cần những hiểu biết rõ hơn.

Trong lúc này, dù bạn ở độ tuổi nào và có bị bệnh lý nền hay không, lời khuyên của các chuyên gia vẫn không thay đổi: Hãy ở nhà, rửa tay thường xuyên và giảm nguy cơ tiếp xúc với virus SARS-CoV-2 nhiều nhất có thể. Nếu chỉ có những triệu chứng nhẹ, bạn có thể tự cách ly và chăm sóc tại nhà. Nhưng nếu có các triệu chứng khó thở, đau hay tức ngực, bỗng nhiên mơ màng hay không tỉnh táo, môi, mặt nhợt nhạt, thì nhất thiết phải tới bệnh viện ngay.

Xem video minh họa cơ chế lây nhiễm và tấn công cơ thể của virus SARS-CoV-2 (nguồn: High Impact)

Bài: Thu Hằng
Trình bày: Nguyễn Hà

10/04/2020 02:45