IS và tham vọng dầu khí ở Libya

Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, hiện có khoảng trên 3.000 tay súng thánh chiến ở Libya, đã thực hiện nhiều cuộc tấn công kể từ tháng 1/2016 vào các cơ sở khai thác dầu mỏ ở quốc gia Bắc Phi này.

IS đã tổ chức nhiều cuộc tấn công vào các cơ sở khai thác dầu ở Libya.

Phóng viên TTXVN tại Pháp dẫn thông tin được đăng tải trên tạp chí "Challenges" thời gian gần đây với nhận định rằng khả năng IS giành được phần thắng trong "trận chiến giành dầu mỏ" ở Libya là chưa thực tế.

Từ đầu năm 2016 đến nay, IS đã tiến hành 3 cuộc tấn công vào khu vực trọng yếu về dầu khí (vùng có hình lưỡi liềm dọc bờ biển Địa Trung Hải từ Sirte tới Benghazi). Đây là khu vực có nhiều dầu mỏ nhất của Lybia. Trong cuộc tấn công ngày 21/1 vừa qua, IS đã tấn công vào cơ sở dầu khí ở Ras Lanuf và thiêu hủy nhiều kho chứa dầu tại đây.

Trận chiến giành dầu mỏ tại Libya được đánh giá là rất quan trọng đối với IS bởi lực lượng khủng bố này đang bị thiệt hại nặng nề cả về quân sự và tài chính trên các chiến trường Syria và Iraq. Libya vẫn đang ở trong tình trạng hỗn loạn và tranh giành quyền lực (nhất là giữa hai phe cánh lớn đối nghịch) nên được coi là một địa bàn mới rất "thuận lợi" của IS.

Libya sở hữu trữ lượng dầu mỏ lớn nhất ở châu Phi, khoảng 48 tỷ thùng. Dù sản lượng dầu mỏ của Libya đã giảm từ 1,6 triệu thùng/ngày ở thời điểm 5 năm trước xuống còn khoảng 400.000 thùng/ngày hiện nay, song Libya vẫn còn là một nước khai thác dầu mỏ lớn trên thế giới (hiện đứng thứ 20). Vùng lưỡi liềm dầu khí của Libya tập trung tới 2/3 trữ lượng dầu mỏ của nước này. Vì vậy, IS rất muốn kiểm soát vùng này.

Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia quân sự, IS hiện chưa đủ khả năng để chiếm đoạt nguồn dầu mỏ của Libya. Các tay súng thánh chiến của IS luôn gặp khó khăn trước các lực lượng dân quân thiện chiến, được trang bị tốt để bảo vệ các giếng dầu. Có thể nói, các hoạt động của IS ở Libya hiện vẫn chỉ là "hành động khủng bố tự sát".

Hoạt động của IS nhằm phá vỡ nền kinh tế Libya


Tại Iraq và Syria, IS có thể thu được từ 500 đến 600 triệu USD/năm từ bán dầu. Tuy nhiên, tình hình ở Libya hoàn toàn khác. Tại Libya, IS sẽ chỉ trông chờ vào nguồn tiền gửi từ Iraq. Tuy nhiên, khi kiểm soát được lãnh thổ, IS sẽ buôn bán các mặt hàng có lợi nhuận cao như ma túy, tiến hành các vụ tống tiền và khai thác dòng người di cư tìm cách tiếp cận châu Âu.

Một cơ sở khai thác dầu ở Libya.

Ngoài ra, IS vẫn tìm cách tấn công các cơ sở dầu mỏ với mục đích phá vỡ nền kinh tế Libya. Các tay súng thánh chiến IS muốn làm cạn kiệt các nguồn lực của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Libya và Ngân hàng Trung ương Libya. IS muốn tiến hành các cuộc tấn công để làm gia tăng sự bất bình của người dân đối với lãnh đạo địa phương và từ đó thúc đẩy sự tan rã của nhà nước Libya. Đây là chiến lược gây hỗn loạn.

Âm mưu phá hoại nền kinh tế Libya của IS đã gây ra những tác động xấu đối với nước này. Ngân hàng Trung ương Libya thông báo rằng trong năm 2015, việc bán dầu chỉ mang về 4,5 tỉ euro cho ngân sách trong khi hơn 90% chi tiêu của Libya phụ thuộc vào số tiền thu được từ bán dầu. Hiện dự trữ ngoại tệ của Libya chỉ còn hơn 26 tỉ euro, và nếu tình hình không tiến triển tích cực hơn, ngân sách Libya sẽ chỉ đủ dùng được khoảng 2 năm nữa.

IS tạm thời chưa tiến xa được tại Libya

IS vẫn tìm cách mở rộng hoạt động tại Libya. Theo một báo cáo của Liên hợp quốc công bố cuối tháng 11/2015, việc mở rộng lãnh thổ của IS gặp khó khăn do tình hình tài chính và sự phản đối của người dân Libya. IS đã không mở rộng hay tiến thêm được trên chiến trường Libya kể từ tháng 2/2016, thậm chí IS còn đang bị "sa lầy" ở Sirte, quê hương của nhà lãnh đạo quá cố Gaddafi.

Báo chí Pháp mới đây tiết lộ rằng Paris đã tiến hành các hoạt động quân sự bí mật ở Libya nhằm tiêu diệt IS. Như vậy, có thể nói EU tuy chưa can thiệp trực tiếp nhưng luôn sẵn sàng trợ giúp chính quyền Libya cả về kỹ thuật và phương tiện và trong trường hợp cần thiết có thể tiến hành can thiệp quân sự trực tiếp.

Từ các căn cứ không quân đóng tại Italy hay tại Pháp, EU có thể tiến hành không kích IS trong vòng vài giờ bởi Libya là cửa ngõ quan trọng tiếp giáp ngay với Italy và xa hơn một chút là lãnh thổ Pháp. Như thế, IS khó có thể mở rộng hay phát triển tại Libya như đã làm tại Syria hay Iraq.

TTXVN/Tin Tức
Iran trong chiến lược hướng sang Trung Á của Ấn Độ
Iran trong chiến lược hướng sang Trung Á của Ấn Độ

Mạng tin của Cơ quan phân tích thông tin tình báo "Stratfor" mới đây đã có bài viết nhận định rằng Ấn Độ muốn mở rộng ảnh hưởng ra bên ngoài Nam Á.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN