Để phục vụ mục tiêu này, họ đã hướng tới một đối tác ít ai ngờ tới, đó là Iran. Trên thực tế, Iran là một lựa chọn hợp lý của Ấn Độ vì hai nước có lịch sử hợp tác từ thế kỷ 16, thời mà tiếng Ba Tư là ngôn ngữ chính thức của đế chế Mughal của Ấn Độ.
Ngoài lịch sử và văn hóa, hợp tác giữa hai nước cũng được mở rộng sang lĩnh vực năng lượng. Iran là nhà cung cấp dầu lớn thứ sáu cho Ấn Độ, với 250.000 thùng/ngày, chiếm gần 6% lượng dầu thô nhập khẩu của Ấn Độ. Hai quốc gia cũng đang đàm phán về nhiều dự án năng lượng như đường ống Iran-Oman-Ấn Độ trị giá 4,5 tỷ USD dự kiến chuyên chở 31,5 triệu m3 khí đốt tự nhiên mỗi ngày sang Ấn Độ, Iran cũng có kế hoạch tăng thêm 200.000 thùng/ngày lượng xuất khẩu dầu sang Ấn Độ. Tuy nhiên, dự án thể hiện rõ nhất tham vọng của Ấn Độ muốn tạo phạm vi ảnh hưởng ở châu Á - đặc biệt là Trung Á, Trung Đông và Afghanistan - là kế hoạch nâng cấp cảng Chabahar.
Ấn Độ có kế hoạch đầu tư nâng cấp cảng Chabahar của Iran. |
Nằm ở vịnh Oman gần biên giới giữa Iran và Pakistan, cảng Chabahar chỉ cách Eo biển Hormuz, một trong những tuyến đường quá cảnh quan trọng bậc nhất thế giới đối với các tàu chở dầu, có 299 km. Tháng 5/2015, Ấn Độ và Iran đã ký biên bản ghi nhớ, theo đó Ấn Độ cam kết đầu tư 85 triệu USD cho giai đoạn xây dựng ban đầu để nâng cấp hai địa điểm tàu bỏ neo tại cảng này. Trong giai đoạn hai, Ấn Độ cam kết đầu tư 110 triệu USD để phát triển một đường sắt dài 901 km nối liền cảng Chabahar với các mỏ quặng sắt ở Hajigak, Afghanistan. Cho tới nay, Iran đã đầu tư 340 triệu USD cho cảng này và tuyên bố khu vực xung quanh là khu công nghiệp tự do thương mại.
Cảng nói trên có lợi cho cả hai quốc gia. Chabahar là cảng nước sâu sẽ giúp Iran giải bài toán lưu thông cho các tàu lớn, đồng thời đa dạng hóa các cảng biển của Iran. Đối với Ấn Độ, cảng này là một phần của chiến lược rộng hơn của New Delhi nhằm can dự với Trung Đông, mở rộng các tuyến thương mại với Trung Đông đồng thời thúc đẩy ảnh hưởng tại Afghanistan.
Tuy nhiên, việc hiện thực hóa dự án cảng Chabahar không hề đơn giản:
Thứ nhất, việc vị trí của cảng Chabahar gần với các cảng hiện có trên biển vùng Vịnh và Arập sẽ đặt cảng này vào thế cạnh tranh để thu hút tàu cập bến cũng như tìm kiếm kinh phí xây dựng.
Thứ hai, tình hình an ninh ở Afghanistan đang xấu đi. Những thắng lợi của Taliban cho thấy trước mắt Afghanistan là một năm đầy khó khăn. Triển vọng xây dựng những tuyến đường sắt cần thiết để nối cảng Chabahar với Afghanistan sẽ vẫn u ám, tương tự như đường ống dẫn dầu Turkmenistan-Afghanistan-Pakistan-Ấn Độ mới khai trương, phải mất ròng rã hơn 10 năm mới hoàn tất được dự án này do tình trạng mất an ninh tại Afghanistan.
Thứ ba, tệ quan liêu của Ấn Độ - nếu không được giải quyết - sẽ gây khó khăn cho việc huy động tài chính cho bến cảng này. Bản ghi nhớ có thời hạn 6 tháng được Ấn Độ và Iran ký tháng 5/2015 và đã hết hạn hồi tháng 11 năm ngoái mà chưa đạt được thỏa thuận cuối cùng.
Tóm lại, Iran và Ấn Độ sẽ khó có thể đáp ứng được những kỳ vọng liên quan đến dự án cảng Chabahar. Họ có thể hoàn tất được 2 giai đoạn xây dựng đầu, song khó có thể hoàn tất được toàn bộ dự án này trong năm nay. New Delhi đã đầu tư nhiều nỗ lực cho chính sách tăng cường với Đông Nam Á trong khuôn khổ chiến lược "Hướng Đông" của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, nhằm mở rộng ảnh hưởng của Ấn Độ ra toàn bộ khu vực Âu - Á. Tuy nhiên, khi Thủ tướng Modi hướng Tây, về phía cảng Chabahar, triển vọng xem ra kém hứa hẹn hơn nhiều.