Nhìn lại thế giới 2015: Mối đe dọa IS lan rộng toàn cầu

Thế giới năm 2015 thực sự mong manh trước những hành động kinh hoàng của các phần tử thánh chiến thuộc tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS).

Máy bay F-15E của Mỹ được điều động từ căn cứ không quân Lakenheath, Anh tới căn cứ Incirlik để tham gia chiến dịch không kích IS ở Iraq và Syria. Ảnh: AFP/TTXVN

Từ các vụ tấn công đẫm máu trên đường phố Paris cho đến các vụ xả súng tại San Bernardino cho thấy thế giới năm 2015 thực sự mong manh trước những hành động kinh hoàng của các phần tử thánh chiến thuộc tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS). Trong năm qua, IS đã bén rễ từ Iraq và từ sự hỗn loạn của cuộc nội chiến ở Syria. Gần đây, tổ chức này đã chuyển trọng tâm từ tranh giành lãnh thổ sang tấn công “kẻ thù ở xa”.


Ông Richard Barrett, cựu lãnh đạo các hoạt động chống khủng bố toàn cầu của Anh và hiện là Phó Chủ tịch "Soufan Group" có trụ sở tại New York (Mỹ), khẳng định: “IS đã lan rộng ra toàn cầu”. Ông Barrett chia sẻ với hãng tin AFP rằng các chính khách cảm thấy vấn đề IS “thực sự rất khó giải quyết”. Ông nói: “Người dân đang lo sợ, và mục tiêu của chủ nghĩa khủng bố là khiến người dân lo sợ. Rất khó cho các chính trị gia để có thể giải quyết được vấn đề khi người dân của họ đang hoảng sợ. Hơn nữa, tại thời điểm này, việc điều động những chiếc máy bay ném bom (đến Syria và Iraq) chẳng những không giải quyết được vấn đề mà thậm chí còn khiến tình hình xấu hơn”.


Có lẽ điểm khác biệt lớn nhất giữa IS và các tổ chức khủng bố cực đoan hoạt động trước IS chính là tổ chức này có thể huy động các “điệp viên” của họ từ “Caliphate” (Vương quốc Hồi giáo), cũng như những người có cảm tình với IS ở những quốc gia mà tổ chức này đang tấn công. Vào những ngày cuối cùng của năm 2015, bang California dường như cũng trở thành một mục tiêu tấn công khi cặp vợ chồng Syed Farook và Tashfeen Malik đã dùng súng bắn chết 14 người ở San Bernardino. Mặc dù sự vụ hiện vẫn đang trong quá trình điều tra, nhưng cặp vợ chồng này dường như đã là "những phần tử quá khích" trước khi tiến hành vụ thảm sát và hoàn toàn không liên lạc trực tiếp với IS.


Một mối đe dọa khác đến từ các phần tử thánh chiến Hồi giáo "Anh em Kouachi", những kẻ đã tiến hành vụ tấn công tòa soạn báo trào phúng Charlie Hebdo ở Paris hồi tháng 1/2015 khiến 12 người thiệt mạng. Hung thủ Said và Cherif Kouachi đã từng được đặt vào tầm giám sát trong một vài thời điểm, song chúng đã “thoát khỏi tầm ngắm” và dường như không còn bị coi là mối đe dọa trước khi bất ngờ thực hiện vụ tấn công.

Cảnh sát Pháp gác tại quận Champs Plaisants thuộc Sens sau khủng bố đẫm máu đêm 13/11. Ảnh: AFP/TTXVN

Lực lượng an ninh tại những quốc gia mục tiêu, dù đã được tăng cường, hiện đang gặp nhiều khó khăn. Ông Bruce Riedel, thuộc Viện Brookings tại Washington, cho biết: “Mọi cơ quan an ninh châu Âu mà tôi đã nói chuyện hồi năm 2014 đang "cực kỳ lo sợ" vấn đề các chiến binh nước ngoài, và gần như họ đều không có giải pháp nào cho vấn đề này”. Mỗi tháng có hàng trăm người dân châu Âu dễ dàng gia nhập IS tại Syria và Iraq - thường thông qua con đường Thổ Nhĩ Kỳ - và một số những kẻ này sau đó đã trở về nước với tư tưởng cực đoan. Ông Riedel khẳng định việc xác định danh tính toàn bộ những kẻ đó là điều bất khả thi.


Theo Giáo sư Jean-Pierre Filiu thuộc Đại học Khoa học Po ở Paris (Pháp), Saudi Arabia mới đây đã tuyên bố thành lập một liên minh bao gồm 34 quốc gia chiến đấu chống IS, song một chiến thuật hợp tác quốc tế nhằm chiến đấu với những mối đe dọa mà tổ chức này gây ra dường như vẫn còn xa vời. Ông nói: “Các vụ tấn công tại Paris và San Bernardino đã cho phương Tây thấy rằng IS có thể tấn công bất cứ lúc nào. Và có thể thấy rằng nước Pháp, mặc dù đã có sự ủng hộ của Anh và Đức nhưng vẫn chưa có được sự ủng hộ tích cực từ các nước châu Âu khác”. Trong khi đó, Mỹ đang theo đuổi một chiến lược dài hơi về tấn công IS, "cho phép IS có điều kiện phát triển các mạng lưới liên quốc gia”.


Tổng thống Nga Vladimir Putin hiện đã triển khai vũ trang mạnh mẽ ở Syria, khẳng định rằng chiến dịch quân sự của Nga nhằm tiêu diệt IS và các nhóm thánh chiến khác. Tuy nhiên, những thành viên của liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu đã phàn nàn rằng Nga chủ yếu đang tấn công các nhóm chống đối Tổng thống Bashar al-Assad, và các tổ chức phi chính phủ đã thông báo tỷ lệ dân thường bị thương vong ở mức cao. Theo nhà chính trị học Gilles Kepel, tại Pháp, IS đã tuyên bố rằng tổ chức này mong muốn các vụ tấn công khủng bố sẽ làm chia rẽ cộng đồng, đẩy xã hội “bị rơi vào nội chiến”. IS tin rằng chúng có thể tuyển được nhiều người cùng tôn giáo, bởi những người đó sẽ cảm thấy là nạn nhân của việc “kỳ thị Hồi giáo”- điều ngày càng trở nên gay gắt sau các vụ thảm sát do những kẻ thánh chiến gây ra.


TTXVN/Tin Tức
Libya- "đất thánh" tương lai của IS?
Libya- "đất thánh" tương lai của IS?

Đối với phiến quân thánh chiến quốc tế, Libya nay là “đất thánh” quyến rũ hơn cả Iraq hay Syria. Vùng duyên hải rộng mênh mông phía Địa Trung Hải và vùng biên giới trên sa mạc Sahara rất dễ xâm nhập cũng như đào thoát.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN