Chi tiết này khiến người ta nghĩ ngay đến khả năng khủng bố trà trộn vào dòng người tị nạn để vào châu Âu, khiến châu Âu vốn đã tranh cãi nảy lửa, mâu thuẫn kịch liệt, chia rẽ sâu sắc về chính sách di cư nay lại càng đau đầu khi đối diện với lựa chọn khó khăn hơn: Nên tiếp tục theo đuổi chính sách mở cửa với những con người di cư đáng thương để rồi mạo hiểm đón cả khủng bố hay là đóng chặt cửa, phớt lờ nỗi đau của đồng loại?
“Xù lông” tự bảo vệHy Lạp nói kẻ đánh bom mang hộ chiếu Syria là một trong những người tị nạn đặt chân lên đảo Leros đầu tháng 10. Còn theo Serbia, tấm hộ chiếu đó một lần nữa đã được sử dụng để đi qua biên giới phía nam nước này sau đó vài ngày. Chỉ với chừng đó thông tin đã đủ để nhiều quan chức khắp châu Âu khẳng định lại những lý lẽ khiến họ muốn đóng cửa châu lục, kêu gọi kiểm soát biên giới chặt hơn.
Quang cảnh sân vận động Stade de France, Paris sau loạt vụ nổ ngày 13/11. Ảnh: AFP/TTXVN |
Các đồng minh của Thủ tướng Đức Angela Merkel đã bày tỏ lo ngại về an ninh đối với chính sách mở cửa cho người di cư mà bà đặt ra. Một trong số đó, Bộ trưởng Tài chính vùng Bavaria, ông Markus Soder, nói: “Những ngày nhập cư không kiểm soát và tình trạng vào nước Đức bất hợp pháp không thể tiếp tục như vậy được. Paris đã thay đổi mọi thứ”.
Chính phủ mới ở Ba Lan, vốn giành chiến thắng nhờ theo đường lối phản đối tiếp nhận người di cư, đã nhanh chóng vin vào thông tin về tấm hộ chiếu Syria nói trên để thoái lui khỏi chương trình tiếp nhận người di cư theo hạn ngạch bắt buộc mà Liên minh châu Âu (EU) vừa thông qua. Họ tuyên bố sự kiện khủng khiếp ở Paris có nghĩa là hệ thống hạn ngạch bắt buộc của EU đã chết và họ sẽ không tiếp nhận người di cư. Séc thì cho rằng châu Âu đang trong chiến tranh và cần phải thực hiện những biện pháp cụ thể, kiểu như đóng cửa khu vực miễn hộ chiếu Schengen.
Tới đây, sẽ còn nhiều nước nữa muốn nối gót Ba Lan, đặc biệt là những nước vốn đã có quan điểm phản đối hạn ngạch tiếp nhận người di cư từ trước khi xảy ra vụ khủng bố Paris. Nỗi sợ của các nước này không phải là không có căn cứ khi hàng nghìn người tị nạn tới các đảo của Hy Lạp mỗi ngày. Theo quy định, mỗi người đều phải đăng ký trước khi vào đất liền. Tuy nhiên, quy trình đăng ký chỉ mang tính thủ tục hình thức. Người tị nạn chỉ cần trình giấy tờ cá nhân cho giới chức Hy Lạp là vài phút sau được rời đi mà không cần phải chờ kiểm tra thêm nhân thân, lý lịch. Từ tháng 10, mỗi người mới đến phải lấy dấu vân tay nhưng các quan chức Hy Lạp không có thời gian hay nguồn lực để đánh giá xem người di cư có liên hệ với nhóm khủng bố nào hay không. Trong bối cảnh đó, nếu một tên khủng bố muốn vào châu Âu qua Hy Lạp, hắn sẽ làm điều đó tương đối dễ dàng.
Kiên nhẫn và cẩn trọngTuy nhiên, giới chức các nước, dư luận cũng như báo chí cần kiên nhẫn chờ đợi cho đến khi mọi thông tin, sự việc được ngã ngũ thay vì lập tức gắn sự kiện khủng bố ở Paris với cuộc khủng hoảng di cư hiện nay. Thứ nhất, ít nhất 12 lần IS đã chỉ trích người tị nạn vì đã chạy trốn tới châu Âu. Nhà phân tích về các phần tử thánh chiến, ông Aaron Zelin, nói: Những ai muốn đổ lỗi người tị nạn gây ra vụ tấn công ở Paris nên nhìn nhận lại thông tin. Thực tế là IS thù ghét các cá nhân chạy khỏi Syria tới châu Âu. Hành động này ảnh hưởng tới thông điệp của IS rằng vương quốc tự xưng của chúng là một nơi ẩn náu. Do đó, đa số người Syria chạy tới châu Âu không thể là người ủng hộ IS, vì nếu ủng hộ họ đã ở lại theo thông điệp của IS.
Nguyên nhân thứ hai khiến ta cần cẩn trọng với thông tin về tấm hộ chiếu Syria là các nhà điều tra vẫn cần phải xác minh tấm hộ chiếu, xem đó là của kẻ tấn công hay của một nạn nhân nào đó chết bên cạnh hắn. Trước đây từng xảy ra trường hợp này ở Ai Cập, khi người có tên trong một cuốn hộ chiếu bị cho là kẻ tấn công lại hóa ra là một nạn nhân. Sau đó, điều tra viên cần chắc chắn rằng người mang hộ chiếu đúng là chủ nhân hợp pháp. Tấm hộ chiếu có thể bị đánh cắp, được mua dễ dàng với giá vào nghìn euro.
Hơn nữa, nếu đúng kẻ đánh bom là một trong số người tị nạn Syria, các nhà phân tích sẽ vô cùng ngạc nhiên vì kẻ đánh bom liều chết lại nhớ mang theo hộ chiếu khi thực hiện một nhiệm vụ mà sau đó biết chắc mình sẽ chết. Nếu đúng kẻ đánh bom mang theo một hộ chiếu Syria, một giả thiết nữa được đặt ra là IS hi vọng dùng chiêu này để khiến châu Âu quay lưng lại với người tị nạn Syria. Qua đó, IS muốn thuyết phục người tị nạn rằng cái gọi là caliphate, là “vương quốc Hồi giáo” của chúng, mới là hi vọng tốt nhất bảo vệ họ.
Một điều may mắn cho người di cư là những quan chức ủng hộ chính sách tiếp nhận người di cư không lay chuyển bởi sự kiện 13/11 ở Paris. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker nói: “Những kẻ tổ chức các cuộc tấn công này và những người thực hiện kế hoạch chính xác là những kẻ mà người tị nạn chạy trốn. Và do đó không cần xem xét lại tổng thể chính sách của châu Âu về người tị nạn”.
Cho dù tấm hộ chiếu Syria có bị ăn cắp, có là hộ chiếu giả hay thật, hay được kẻ tấn công cố tình mang theo người thì châu Âu cũng không nên đóng chặt cửa với người tị nạn. Theo ông Peter N. Bouckaert, giám đốc tình trạng khẩn cấp thuộc tổ chức Quan sát Nhân quyền, câu trả lời cho vụ tấn công ở Paris không phải là đóng cửa với những người đang tuyệt vọng chạy trốn chiến tranh ở Syria, Iraq hay Afghanistan, trong đó có rất nhiều người muốn thoát khỏi IS. Câu trả lời là đưa ra một chính sách tị nạn thống nhất ở EU, để người di cư có thể có lựa chọn tị nạn hợp pháp và an toàn.