Lực lượng an ninh Pháp gác tại hiện trường khu vực truy quét khủng bố ngày 18/11. Ảnh: AFP/ TTXVN |
Nhiệm vụ chống khủng bố trở nên cấp bách hơn bao giờ hết. Các biện pháp an ninh ở nhiều nước được siết chặt, không chỉ tại châu Âu mà ngay cả những nước chưa từng bị ảnh hưởng bởi khủng bố cũng trở nên cảnh giác hơn bao giờ hết; các chiến dịch không kích của Nga và liên quân do Mỹ đứng đầu (có sự tham gia của Pháp) nhằm vào các mục tiêu của IS tại Syria và Iraq được đẩy mạnh.
Chống khủng bố bỗng chốc trở thành chủ đề chính của Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Thổ Nhĩ Kỳ và nhiều hội nghị quốc tế khác. Vấn đề thành lập một liên minh chống khủng bố ở cấp độ toàn cầu đã được đặt ra với hy vọng huy động được sức mạnh tổng thể để dập tắt mối đe dọa khủng bố.
Các vụ tấn công khủng bố liên tiếp diễn ra cũng kéo theo tâm lý bài Hồi giáo trong xã hội châu Âu và Mỹ gia tăng, nhiều nước thể hiện rõ quan điểm không muốn tiếp nhận người di cư từ Trung Đông – châu Phi. Hơn một nửa số bang ở Mỹ đã nói “Không” với người di cư.
Cùng với tâm lý kỳ thị người Hồi giáo, các đảng cực hữu dân tộc tại châu Âu nổi lên “như diều gặp gió”. Mặt trận Quốc gia Pháp nhiều khả năng sẽ giành chiến thắng trong các cuộc bầu cử địa phương ở Bắc Pháp trong mùa Đông này. Đảng Nhân dân Đan Mạch đã giành được 21% số phiếu trong các cuộc tổng tuyển cử mới đây nhờ vào cương lĩnh dân tộc chủ nghĩa và chống Hồi giáo.
Đảng Dân chủ có tư tưởng bài ngoại của Thụy Điển cũng ngày càng được lòng dân, trong khi Đảng Luật pháp và Công lý ở Ba Lan với chủ trương không ủng hộ chính sách tiếp nhận người di cư cũng đã giành được chiến thắng ngoạn mục trong cuộc bầu cử mới đây.
Câu hỏi đặt ra là liệu các cuộc không kích IS trên chiến trường ở Syria và tâm lý bài Hồi giáo có giúp ngăn chặn được các nguy cơ đang rình rập an ninh thế giới?
Không ít người lo ngại rằng sức mạnh bom đạn sẽ như “đổ thêm dầu vào lửa” càng kích động các phần tử cực đoan trong lòng châu Âu phát động thánh chiến.
Đó có thể là cái bẫy của IS khi kích động làn sóng chống Hồi giáo dữ dội bằng các vụ tấn công khủng bố, qua đó làm phân cực xã hội châu Âu, cực đoan hóa những tín đồ để tạo thêm nhiều tân binh thánh chiến ngay trong lòng châu Âu. Dòng chảy liên tục của hàng trăm nghìn người di cư từ Trung Đông và châu Phi cũng tạo điều kiện thuận lợi cho chiến lược này của IS.
Để ngăn chặn được mối đe dọa khủng bố đang lan rộng cần có một giải pháp tổng thể với sự chung tay, hợp sức của cả cộng đồng quốc tế, thực hiện hòa hợp tôn giáo, sắc tộc và xóa bỏ hận thù.
Nền tảng cho tiến trình này là sự nhận thức sâu sắc rằng không có tôn giáo nào dung thứ chủ nghĩa khủng bố, mà chỉ có khủng bố lợi dụng tôn giáo, đức tin và lòng hận thù để gieo rắc hận thù.
Ngoài ra, châu Âu và Mỹ cũng phải chấp nhận thực tế rằng các cuộc xung đột phe phái kéo dài ở Trung Đông, châu Phi là mối đe dọa rõ ràng và hiện hữu đối với an toàn và an ninh của họ ở trong nước. Và sẽ không thể có hòa bình theo đúng nghĩa khi những phần khác của thế giới chìm trong chiến tranh.