Nga, phương Tây xích lại gần nhau chống IS

Nga và phương Tây đang xích lại gần nhau hơn trong cuộc chiến chống tổ chức khủng bố "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng cũng như các nỗ lực tìm kiếm giải pháp chính trị cho cuộc xung đột ở Syria.


Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và người đồng cấp Mỹ Barack Obama tại cuộc hội đàm bên lề Hội nghị thượng đỉnh G-20. Ảnh: EPA


Hàng loạt vụ tấn công đẫm máu ngay giữa kinh đô của nước Pháp và vụ máy bay Nga bị đánh bom ở Ai Cập đã vô hình chung làm thay đổi tình thế trên hồ sơ Syria và Moskva đang đóng một vai trò then chốt.

Đánh giá về chiến lược của Mỹ cũng như mối quan hệ giữa Nga với phương Tây trong cuộc chiến chống IS, "Nhật báo Phố Wall" ngày 16/11 đăng bài viết của hai nhà báo Stephen Fidler và Julian E. Barners cho rằng 30 phút kinh hoàng trên các đường phố của Paris (Pháp) dường như đã trở thành chất xúc tác cho sự thay đổi lớn trên bàn cờ chính trị quốc tế với những tác động có thể kéo dài trong nhiều năm. Trong cuộc điện đàm ngày 17/11, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Pháp Francois Hollande đã nhất trí đẩy mạnh hợp tác giữa quân đội và tình báo hai nước nhằm chống lại "các nhóm khủng bố" ở Syria. Tổng thống Putin cũng ra lệnh cho tàu tuần tra Nga đang ở Địa Trung Hải phối hợp với nhóm tàu Pháp sắp đến để chống IS.

Như vậy, lần đầu tiên kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, hai cường quốc đối địch ở châu Âu đã bắt tay như "những đồng minh" để chống kẻ thù chung IS. Tổng thống Pháp càng thể hiện sự quyết tâm khi thông báo sẽ thực hiện ngay chuyến công du Washington và Moskva vào tuần tới để thảo luận trực tiếp với Tổng thống Mỹ Barack Obama và Tổng thống Nga Putin về cuộc chiến chống IS và tình hình tại Syria.

Trong những năm qua, phương Tây, trong đó có Pháp, chủ yếu chỉ quan tâm đến cái mà họ gọi là "mối đe dọa từ Nga". Họ cho rằng chính sách của Nga tại Ukraine và mục tiêu chiến lược xa hơn của nước này mới là mối đe dọa nghiêm trọng đối với lợi ích của Mỹ và phương Tây, còn chủ nghĩa khủng bố là một vấn đề thực sự nhưng có thể kiểm soát được. Tuy nhiên, sau một loạt vụ tấn công khủng bố dã man với quy mô lớn và sự phối hợp tinh vi, bài bản, IS đã khiến mối đe dọa khủng bố trở thành vấn đề trung tâm trong các chương trình nghị sự quốc tế.

Máy bay chiến đấu Sukhoi Su-24 của Nga chuẩn bị cất cánh từ căn cứ không quân Hmeimim ở tỉnh Latakia, Syria trong chiến dịch không kích IS ngày 3/10. Ảnh: AFP/TTXVN

Nga đang nhanh chóng trở thành đối tác của phương Tây với một kế hoạch trấn áp các mối đe dọa ngay lập tức. Chiến lược của Nga, vốn ủng hộ vai trò của Tổng thống Syria Bashar al-Assad, là cách tốt nhất để giải quyết vấn đề IS, ít nhất là trong thời điểm hiện nay. Dù Mỹ và Pháp đưa ra điều kiện tiên quyết để giải quyết vấn đề Syria là Tổng thống Bashar al-Assad phải ra đi, song sau vụ tấn công khủng bố ở Paris, có lẽ điều kiện trên sẽ trở thành thứ yếu để nhường chỗ cho đòi hỏi cấp bách hiện nay là ngăn chặn sự lớn mạnh của IS cùng với những âm mưu tấn công khủng bố đe dọa an ninh toàn cầu.

Giới quan sát cho rằng các vụ khủng bố ở Paris có thể buộc phương Tây phải nhanh chóng tính toán lại chiến lược chống IS, đồng thời tác động không nhỏ đến chính sách của Mỹ đối với Nga. Viễn cảnh về một sự hợp tác như thế không phải quá xa vời. Bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G-20) vừa diễn ra ở Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã thúc giục người đồng cấp Nga Putin tập trung chống IS. Cho dù vẫn còn bất đồng về tương lai của ông Assad cũng như việc Moskva nên không kích lực lượng nào và ở đâu tại Syria, hai bên đã nhất trí về một tiến trình chuyển tiếp chính trị ở quốc gia đang chìm trong khói lửa chiến tranh này.

Phát biểu trên đài truyền hình CBS của Mỹ, Chủ tịch Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ - Thượng nghị sỹ Richard Burr - đã đề nghị Tổng thống Pháp nên đi đầu trong việc thúc đẩy sự ra đời của một liên minh mới chống khủng bố. Trước đó, cựu Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy cũng cho rằng thay vì có hai liên minh – một với Mỹ và một với Nga - thì chỉ cần một liên minh quốc tế chống kẻ thù chung duy nhất là IS. Ông Sarkozy nhấn mạnh Nga là đối tác không thể tránh né trong vấn đề Syria và việc Tổng thống Syria phải ra đi không thể là điều kiện tiên quyết cho một giải pháp chính trị.

Rõ ràng, mấu chốt để cuộc chống khủng bố hiệu quả là Mỹ, phương Tây và Nga phải tạm gác những bất đồng về lợi ích  riêng để cùng phối hợp thực hiện mục tiêu chung là chống IS.

Trần Thanh Bình (TTXVN)
Tỉnh đi, châu Âu: Nga đâu phải là kẻ thù
Tỉnh đi, châu Âu: Nga đâu phải là kẻ thù

Sau những vụ tấn công khủng bố diễn ra ở thủ đô Paris (Pháp), các quốc gia châu Âu phải dần nhận ra: Chính họ đang tự gieo hạt mầm chết chóc khi tiếp tục mù quáng ủng hộ chính sách đối ngoại của Mỹ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN