Chống IS - cần chặt đứt “vòi” tuyển mộ

Vụ khủng bố đẫm máu ở Paris (Pháp) ngày 13/11 cho thế giới thấy một điều rằng muốn phá tan mạng lưới của nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) thì phải chặt đứt các vòi bạch tuộc tuyển mộ người của chúng vốn đã vươn ra khắp thế giới.


Trước hết, thế giới cần nhìn nhận xem tại sao IS lại hình thành và phát triển lớn mạnh đến như vậy. Sau vụ khủng bố ngày 11/9/2001 ở Mỹ khiến 3.000 người chết, Tổng thống Mỹ khi ấy George Bush đã ngay lập tức phát động cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu, đưa quân vào hạ bệ chế độ Taliban và truy lùng thủ lĩnh khủng bố Osama bin Laden ở Afghanistan. Kế đó, ông lại đưa nước Mỹ tham gia vào cuộc chiến ở Iraq, lật đổ chính quyền của Tổng thống Saddam Hussein. Sau khi ông Hussein bị lật đổ, quân Mỹ rút đi, để lại một khoảng trống quyền lực “toang hoác” ở Iraq và chính điều này đã trở thành mảnh đất màu mỡ cho nhóm khủng bố al-Qaeda của Bin Laden bám rễ, phát triển, ăn sâu. Nhóm này lại “đẻ” ra IS để rồi IS bành trướng như ngày nay.

Hình ảnh trong một đoạn video tuyên truyền của IS.

Sở dĩ IS lớn mạnh và gần như có mặt ở mọi nơi là do chúng có một hệ thống tuyển dụng rất thành công trên mạng xã hội. Có thể nói IS có “fan hâm mộ” ở khắp mọi nơi trên thế giới bằng cách sử dụng công nghệ thời hiện đại để tuyển mộ. Thông qua Facebook, Instagram, Twitter và YouTube, IS thu hút sự chú ý của mọi thành phần, lứa tuổi, chủng tộc và tuyển mộ họ gia nhập cái gọi là phong trào thánh chiến Hồi giáo.

IS vươn vòi tới phạm vi toàn cầu thông qua các video tuyên truyền phát trên mạng do nhóm al-Hayat thực hiện. Nhóm này sản xuất video bằng cách dùng máy bay không người lái công nghệ cao và máy quay “xịn” để ghi lại những hình ảnh một cách chuyên nghiệp nhằm “lòe” con mắt người xem. Ngoài những hình ảnh sắc nét về các cảnh hành quyết, tra tấn dã man, các video của IS bao giờ cũng kèm thông điệp tuyên truyền về cái gọi là “lý tưởng” thánh chiến Hồi giáo của chúng, vẽ ra cho người nghe một cuộc sống “trong mơ” ở “vương quốc Hồi giáo” tự xưng này.

Đối tượng của các video này chính là những người Hồi giáo, chủ yếu là ở phương Tây, đang bất mãn với xã hội, cuộc sống do bị gạt ra ngoài lề xã hội. IS đã rất khôn ngoan khi chọn đúng đối tượng để dụ dỗ. Trong thực tế, chủ nghĩa cực đoan, khủng bố và bạo lực dễ lôi kéo những đối tượng bất mãn nhất. Như ở Pháp, người Hồi giáo từ trước đến nay luôn phải sống trong một cộng đồng mà họ bị phân biệt đối xử nặng nề. Sự bất mãn khiến họ dễ bị tổn thương trước những lời dụ dỗ của khủng bố, cực đoan để rồi dấn thân vào con đường bạo lực thù hận, gây ra chết chóc cho đồng loại.

Trong khi đó, IS khôn khéo tiêm nhiễm cho các đối tượng này sự oán thán, thù hận với xã hội sau đó thao túng tinh thần họ, làm cho họ tin rằng câu trả lời duy nhất để giải quyết oán thán là đi theo con đường thánh chiến. Chính vì vậy, giải quyết nguyên nhân khiến người Hồi giáo bất mãn sẽ mất thời gian nhất nhưng sẽ mang lại hiệu quả lớn nhất. Nếu không chặn được con đường tuyển mộ của IS, thế giới sẽ liên tục phải chạy theo giải quyết hậu quả các vụ khủng bố.

Trong tình hình hiện nay, viễn cảnh tốt nhất là các cuộc không kích dữ dội của phương Tây sẽ phá hủy toàn bộ sào huyệt của IS ở Iraq và Syria, giành lại lãnh thổ cho hai quốc gia này. Tuy nhiên, khi đó IS sẽ rút vào hoạt động ngầm mà không thể bị tiêu diệt hẳn. Khi hoạt động ngầm, tính nguy hiểm của IS vẫn không thay đổi, thậm chí còn tăng lên vì “sôi máu” muốn trả thù và giành lại lãnh thổ. IS vẫn có thể thực hiện và xúi giục truyển mộ, cài cắm các phần tử cực đoan Hồi giáo toàn cầu để thực hiện khủng bố các nước phương Tây.

Trong thực tế, từ khi Nga không kích IS ở Syria ngày 30/9, cơ sở hạ tầng của IS đã bị phá hủy, mạng lưới bị xáo trộn, hàng ngàn tay súng IS phải tháo chạy sang các nước láng giềng như Thổ Nhĩ Kỳ, Yemen, châu Âu và các nơi khác. Khi chúng trà trộn vào các nước này, chúng sẽ chuyển phương thức hoạt động theo một cách khác, trong đó có thể trọng tâm sẽ là tuyển mộ thành viên mới.

Khi những người bị IS mồi chài đều là những công dân Hồi giáo sinh ra và lớn lên ở châu Âu, bị cực đoan hóa ở chính nơi mình sinh sống thì việc phát hiện ra họ xem ra không phải đơn giản. Trong số những thủ phạm vụ khủng bố ở Paris có 4 người Pháp và 2 người Bỉ. Lai lịch châu Âu của họ khiến Pháp và cả phương Tây rơi vào thế khó trong tìm cách lý giải tại sao chính những công dân của họ lại hi sinh mạng sống để giết người cùng quốc tịch thay cho tổ chức cực đoan ở một nơi xa xôi trên thế giới. Câu hỏi này khiến các nhà phân tích về tình trạng cực đoan hóa gần như không thể trả lời.

Hiện không có hồ sơ đáng tin cậy nào về rất nhiều “ứng cử viên” mà IS đã tuyển mộ. Nhìn lý lịch của họ, không có điểm nào, kể cả tuổi tác, sắc tộc, nghề nghiệp, giáo dục, tâm lý hay tiền án tiền sự có điều gì khác biệt hẳn so với những người khác.

Do đó, việc IS nhằm vào các đối tượng này để tuyển mộ là điều mà phương Tây phải lưu ý để xây dựng một xã hội hài hòa hơn giữa các tôn giáo, sắc tộc. Phương Tây không nên quay lưng lại với người Hồi giáo nói chung để tự rơi vào bẫy của IS. Cái bẫy đó là: để cho người phương Tây thù địch với người ngoài phương Tây rồi tạo ra một cuộc chiến gây tổn hại nhân mạng, IS lấy cớ đó để kích động cái gọi là “cuộc thánh chiến” của chúng.

Thùy Dương
Phát hiện đai bom ở ngoại ô Paris
Phát hiện đai bom ở ngoại ô Paris

Một vật được cho là đai đánh bom liều chết đã được tìm thấy ở Montrouge, vùng ngoại ô phía nam Paris. Theo nguồn tin cảnh sát, dù không có kíp nổ song thiết bị này có các chốt và chất nổ cùng loại được sử dụng trong các vụ tấn công khủng bố Paris.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN