Những nguy cơ an ninh nguy hiểm hơn IS

Tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) đã công khai thách thức loài người bằng các hành động tấn công bạo lực phi nhân tính. Nhưng thế giới còn phải đối mặt với một số nguy cơ an ninh gây hiểm họa lớn hơn cả IS.


Mới ra đời được gần 2 năm, nhưng IS đã sớm “nổi danh” bằng sự dã man, tàn bạo. Tổ chức cực đoan này mở cửa thu nhận từ những tên lưu manh trộm cắp giết người không ghê tay, đến những tên phát xít mới, những phần tử cực đoan, trong đó có cả những người theo Đạo Hồi, có những mục tiêu và lợi ích riêng. Thậm chí, trong đám ô hợp đó còn có cả những người ở châu Âu và các châu lục khác vốn theo các tôn giáo khác nhưng nay đã biến chất và từ bỏ đạo gốc của mình hoặc những thanh niên mới lớn bị mất phương hướng trong cuộc sống, thích hưởng lạc và có tiền bằng việc đi đánh thuê chứ không muốn làm việc chân chính. Người ta cũng không loại trừ cả những người dân sinh sống ở vùng Tân Cương hay Tây Tạng của Trung Quốc vốn hiền lành và chăm chỉ làm ăn nhưng bị xúi giục hoặc kích động hằn thù dân tộc và tôn giáo cũng đã đi theo IS để được huấn luyện và học tập cách hành xử tàn ác của IS để trở về chống lại chính quê hương, đất nước và đồng bào mình.

Gần đây, IS đã thực hiện hàng loạt hoạt động thánh chiến đầy ghê rợn gây ra cái chết cho hàng trăm dân thường vô tội, bao gồm việc đánh bom máy bay dân dụng của Nga bay từ Ai Cập về St. Peterburg hôm 31/10, tấn công khủng bố liên hoàn ở Paris (Pháp) ngày 13/11. Nguy cơ từ IS đã làm xáo trộn cuộc sống bình yên và ổn định của nhiều nước và đang đe dọa nghiêm trọng nền hòa bình của toàn thế giới. Phóng viên Thường trú TTXVN tại Brussel cho hay trong những ngày này, đường phố thủ đô của “xứ sở chocolate” vắng lặng do lo ngại khủng bố và hầu hết hoạt động bị đình trệ sau khi mức báo động chống khủng bố cao nhất được áp dụng.

Để chống lại IS, từ hơn một năm nay, liên minh gồm trên 60 nước, trong đó có cả các thành viên NATO do Mỹ cầm đầu đã tiến hành nhiều cuộc tiến công ác liệt nhằm vào IS. Từ nhiều tháng nay, Liên bang Nga cũng đã tuyên chiến với IS và đưa nhiều máy bay, tàu chiến và vũ khí hiện đại sang Syria hoặc từ ngoài biển đánh phá và gây nhiều tổn thất nghiêm trọng cho các căn cứ và cơ sở chiếm đóng của IS ở Syria, Iraq và một số nơi khác. Gần đây nhất, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) đã hoàn toàn nhất trí thông qua dự thảo Nghị quyết do Pháp đề xuất kêu gọi các quốc gia thành viên LHQ thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết trên cơ sở luật pháp quốc tế để tiêu diệt IS. Trước đó, IS cũng bị lên án mạnh mẽ tại Hội nghị APEC ở Philippine và Hội nghị Cấp cao ASEAN, ASEAN + ở Malaysia.

Từ những thông tin trên có thể khẳng định rằng IS là một tổ chức khủng bố lộ mặt, công khai thách thức toàn thế giới và loài người. Tuy nó dã man tàn bạo nhưng còn dễ thấy, dễ lường. Vấn đề hiện nay là loài người còn đang phải đối mặt với một hình thức khủng bố mới khó nhìn thấy và khó lượng định nhưng cũng vô cùng nguy hiểm không kém. Đó là cuộc “chiến tranh mạng” trên nhiều phương diện, bao gồm từ kinh tế đến chính trị, đối ngoại, văn hóa, an ninh quốc phòng... do một số nước giấu mặt tiến hành. Những nước này còn thực hiện đồng thời cả các cuộc đánh cắp và nghe trộm thông tin qua Internet hoặc điện thoại của nhiều người đứng đầu các nước, gây hậu quả nghiêm trọng và âm ỉ lâu dài.

Bên cạnh đó, thế giới, nhất là các nước khu vực châu Á - Thái Bình Dương cũng phải đối phó kiên trì, lâu dài và phức tạp với việc Trung Quốc đang ngày đêm xúc tiến bồi đắp, cải tạo các bãi đá ngầm, bãi san hô ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam thành đảo nhân tạo, rồi xây dựng sân bay, bến cảng, cơ sở hậu cần, tiếp dầu, sửa chữa, làm căn cứ quân sự khiến dư luận hết sức quan ngại. Hành động này trước mắt là gây khó dễ cho việc giải quyết vấn đề tranh chấp ở

Biển Đông và lâu dài là ngăn cản việc đi lại trên hải lộ từ Trung Đông và Ấn Độ Dương sang châu Á - Thái Bình Dương. Sâu xa hơn là Trung Quốc sẽ dùng cả sức mạnh về lãnh thổ rộng lớn, dân số đông, tiềm lực kinh tế - tài chính, ảnh hưởng văn hóa và sức ép về an ninh, quốc phòng... để đe dọa và áp chế các nước nhỏ yếu hơn trong khu vực để mở rộng phạm vi kiểm soát của mình ra tới 90% diện tích Biển Đông theo cái họ hình dung là “đường 9 đoạn” mà lãnh đạo nước này từng nhiều lần ngang ngược tuyên bố là “thuộc lãnh thổ có từ xa xưa” của họ.

Nhiều nhà phân tích trên thế giới cho rằng những nguy cơ gây mất an ninh nêu trên chẳng kém phần nguy hiểm là mấy so với chủ nghĩa khủng bố lộ mặt công khai trắng trợn của IS. Hiện nay, HĐBA LHQ đã ra Nghị quyết lên án và kêu gọi ngăn chặn và tiêu diệt chủ nghĩa khủng bố IS. Câu hỏi đặt ra là những hành động ngang ngược vi phạm luật pháp quốc tế, tiềm ẩn nguy cơ gây mất an ninh trong các tranh chấp chủ quyền biển đảo, xâm phạm chủ quyền lãnh thổ của nước khác và ảnh hưởng tới giao thương hàng hải quốc tế thì tổ chức quốc tế rộng lớn có vai trò quan trọng này còn chần chừ gì nữa mà không đưa ra một Nghị quyết tương tự để ngăn chặn trước khi tình hình trở lên quá muộn.
Đông Ngàn
Bỉ hạ mức báo động an ninh ở Brussels
Bỉ hạ mức báo động an ninh ở Brussels

Nhà chức trách Bỉ vừa quyết định hạ mức cảnh báo an ninh ở thủ đô nước này sau gần một tuần nâng cảnh báo lên mức cao nhất.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN