IS đưa cuộc chiến vào giữa lòng Thổ Nhĩ Kỳ

Theo báo "Ha'aretz" (Israel), vụ khủng bố khiến ít nhất 10 người thiệt mạng tại Istanbul ngày 12/1 khác với những cuộc tấn công trước đây vì nó được thúc đẩy bởi chủ nghĩa dân tộc cực đoan, chứ không phải bắt nguồn từ những lo ngại về phe phái hay sắc tộc. Sự kiện này cũng cho thấy tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng có chiến lược mới đối với Thổ Nhĩ Kỳ.

Những vụ khủng bố trước đây tại Thổ Nhĩ Kỳ thường nhằm vào một mục tiêu cụ thể, như người Kurd chẳng hạn, để phá vỡ mối quan hệ vốn mong manh giữa cộng đồng thiểu số này và chính phủ, hoặc để gieo ngờ vực về sự kích động của chính quyền. Những cuộc tấn công đó cũng có thể được xem như sự trả thù đối với những người Kurd đang chống IS tại Syria. 

Tuy nhiên, trong sự kiện lần này, dường như chính quyền đã trở thành mục tiêu, nhằm đáp trả việc Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập liên minh phương Tây, tấn công các mục tiêu của IS và cho các máy bay chiến đấu của Mỹ và Anh mượn đường tấn công IS ở Syria và Iraq. Do đó, mối lo sợ của Thổ Nhĩ Kỳ hoàn toàn chính đáng trong suốt 18 tháng không thực sự tham gia liên minh phương Tây, và chỉ sau khi chịu áp lực nặng nề Ankara mới nhất trí cho phép liên quân phương Tây hoạt động trên lãnh thổ nước này.

Bộ trưởng Nội vụ Đức đặt hoa viếng các nạn nhân, đa số là người Đức, thiệt mạng trong vụ đánh bom tại quảng trường Sultanahmet, Istanbul hôm 12/1. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong suốt nhiều tháng, Thổ Nhĩ Kỳ đã cho phép các thành viên và tình nguyện viên IS từ nước ngoài tới Syria thông qua lãnh thổ nước này. Khi gia nhập liên quân, Ankara mới bắt đầu hành động chống IS, cùng với cuộc chiến đẫm máu mà nước này phát động chống đảng Công nhân người Kurd (PKK) và phe nổi dậy người Kurd tại Syria.

Thổ Nhĩ Kỳ hiện áp đặt phong tỏa và giới nghiêm đối với các thành phố và làng mạc ở phần Đông Nam đất nước, bắt giữ hàng trăm người Kurd và giết chết hơn 50 nhà hoạt động và thường dân. Cùng lúc, chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt giữ hàng chục thành viên IS tình nghi, phát hiện các cơ sở và kho vũ khí cũng như chặn liên lạc của IS tại nước này. Quyết định chống IS quá muộn màng đặt Thổ Nhĩ Kỳ trên một mặt trận nguy hiểm vì biên giới nước này với Syria vẫn không ngăn các chiến binh vũ trang vượt qua. Do đó, Thổ Nhĩ Kỳ tự nhận thấy đang bị mắc kẹt từ ba phía bạo lực và một mặt trận ngoại giao nặng ký. Cuộc chiến chống khủng bố trong nước không mới, nhưng cho đến nay vẫn được xem như cuộc chiến chống PKK. Mục tiêu là ngăn người Kurd bên phía biên giới Syria phát triển thành một khu vực độc lập gây ảnh hưởng tới khát vọng dân tộc của người Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Cuộc chiến chống IS mở rộng các đường biên giới của cuộc chiến trong nước, đe dọa tất cả trung tâm thành phố và dân cư tại nước này. Cuộc chiến này giờ đây phải xét tới khả năng IS tuyển mộ thành viên từ hơn 2 triệu người tị nạn Syria đang ở Thổ Nhĩ Kỳ. Điều kiện khó khăn khiến người tị nạn trở thành "miếng mồi ngon" cho IS tuyển mộ.

Ngoài chiến dịch quân sự, Thổ Nhĩ Kỳ còn vướng vào những phức tạp ngoại giao do quyết định gia nhập liên minh Hồi giáo Sunni vừa được Vua bin Abdulaziz Al Saud của Saudi Arabia thành lập. Căng thẳng với Iran trên biên giới phía Đông Thổ Nhĩ Kỳ cũng có thể dẫn đến hành động quân sự nếu Iran trở hành điểm trung chuyển thuận tiện cho các nhà hoạt động người Kurd, còn Thổ Nhĩ Kỳ phải dàn trải quân đội tại biên giới này.

Mục tiêu của cuộc tấn công cho thấy IS muốn gây thiệt hại thêm cho ngành du lịch đang gặp khó khăn của Thổ Nhĩ Kỳ. Những mối đe dọa kinh tế này có thể khiến Thổ Nhĩ Kỳ thay đổi chiến lược chính sách đối ngoại và tìm cách nối lại quan hệ với Ai Cập, khôi phục quan hệ với Israel và tìm giải pháp thay thế cho thị trường Nga.
TTK
Xe bom lao thẳng đồn cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ
Xe bom lao thẳng đồn cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ

Ít nhất 5 người chết và 39 người bị thương khi một xe chở bom lao thẳng vào đồn cảnh sát và khu nhà ở của sỹ quan tại thị trấn Cinar thuộc tỉnh Diyarbakir, Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ đêm 13/1.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN