Hy Lạp, EU và những lựa chọn khó khăn

Một thành viên thuộc Ủy ban châu Âu gần đây thừa nhận rằng Liên minh châu Âu (EU) “không thích những gương mặt mới”.

Lời thú nhận này cho thấy những khó khăn mà giới lãnh đạo EU đang vấp phải trong bối cảnh nổi lên một số gương mặt chính trị mới muốn thúc đẩy sự thay đổi trong đường hướng chính sách của châu Âu.

Quang cảnh cuộc họp nội các đầu tiên của chính phủ Hy Lạp ngày 28/1. Ảnh: AFP-TTXVN


Dù giới chức châu Âu có thích hay không, chiến thắng gần đây của đảng cánh tả Syriza ở Hy Lạp sẽ buộc họ phải đối mặt với một chính phủ chống các biện pháp khắc khổ đầu tiên của Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone).

Quan trọng hơn nữa, nó sẽ buộc giới lãnh đạo châu Âu phải chọn trong số hàng loạt những lựa chọn khó khăn vốn đều có thể dẫn tới những hậu quả không mong muốn.

Chiến thắng của đảng Syriza đang tạo sóng ở Tây Ban Nha, nơi đảng Podemos cũng đang vận động với cam kết đòi đàm phán lại các khoản nợ của nước này. Các chính trị gia Tây Ban Nha sợ rằng một chính phủ thành công ở Hy Lạp có thể nâng uy tín của Podemos và chấm dứt hệ thống 2 đảng truyền thống của Tây Ban Nha.

Madrid sẽ tổ chức tổng tuyển cử vào cuối 2015, đối mặt với khả năng tỷ lệ ủng hộ của công chúng đối với các đảng dòng chính sẽ giảm xuống dưới mức 50% lần đầu tiên kể từ khi Tây Ban Nha trở lại chế độ dân chủ cuối những năm 1970.

Điều tương tự đã xảy ra ở Hy Lạp năm 2012, lần cuối cùng mà các đảng dòng chính truyền thống đã thành công trong các cuộc bầu cử.

Trong khi chính phủ Tây Ban Nha lo ngại về các sự kiện chính trị vào quý cuối của năm nay, các chính phủ ở Bắc Âu lại có những mối quan ngại trước mắt.

Trường hợp của Đức là đặc biệt nhạy cảm: Berlin vẫn đang bất bình với biện pháp nới lỏng tiền tệ mà Ngân hàng Trung ương châu Âu phê chuẩn ngày 22/1 bất chấp những cảnh báo từ giới chức và Ngân hàng Trung ương Đức.

Thủ tướng Angela Merkel đã kỳ công vận động cho lập luận rằng tiền của người dân đóng thuế Đức không được chi hoang phí cho những chính phủ thất bại trong cải cách. Nếu để một cuộc đàm phán lại nợ của Hy Lạp xảy ra, điều này sẽ làm giảm uy tín của bà với cử tri Đức.

Ủy ban châu Âu thì bị kẹt ở giữa. Giới chức ở Brussels sẵn sàng trao cho Athens một số đề nghị như gia hạn khoản nợ, giảm lãi suất và linh hoạt hơn trong cải cách kinh tế dù những đề nghị này có thể không đủ để giải quyết căn bản vấn đề nợ của Hy Lạp.

Nhưng những đề nghị này không đủ sức nặng để thuyết phục được cử tri Hy Lạp và các thành viên đảng Syriza, những người muốn Athens chấm dứt hoàn toàn quan hệ với chủ nợ.

Trong khi đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel mới đây đã bác bỏ khả năng xóa nợ cho Hy Lạp, tuyên bố rằng các chủ nợ tư nhân đã từ chối xoá nợ. Thủ tướng Đức cũng nhắc lại nếu muốn tiếp tục nhận được sự trợ giúp tài chính, Athens cần thực hiện cải cách như đã cam kết với các chủ nợ quốc tế.


Thủ tướng Đức cho biết EU "sẽ tiếp tục thể hiện đoàn kết với Hy Lạp" và các nước chịu khủng hoảng khác, nếu các nước này "cố gắng thực hiện cải cách và tiết kiệm".

Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng đã tuyên bố không thể tiếp tục cho Hy Lạp vay tiền nếu nước này không kéo dài chương trình cứu trợ và thực hiện đúng các cam kết cải cách trước thời hạn vào tháng 2 tới.

Những động thái trên diễn ra sau khi Thủ tướng Hy Lạp khẳng định nước này sẵn sàng cắt đứt quan hệ với các nhà cứu trợ quốc tế và không cần đến khoản tiền 7 tỷ euro mà EU hứa giải ngân trong tháng 2 tới. Trước thái độ cứng rắn của Đức, lãnh đạo chính phủ Hy Lạp dự kiến đầu tuần tới sẽ đến Italy và Pháp để đàm phán lại khoản nợ khổng lồ của nước này.

Bất chấp những gì diễn ra với Hy Lạp, cuộc khủng hoảng ở châu Âu đã tới thời điểm mà các đảng đối lập đang ở thế tiếp nhận quyền lực. Một số sẽ lãnh đạo chính phủ trong khi số khác bắt đầu lập liên minh. Một điều đang trở nên rõ ràng rằng Ủy ban châu Âu sẽ chứng kiến sự gia tăng “những gương mặt mới” mà giới lãnh đạo dòng chính không mong muốn thời gian tới.


Quang Tuyến (Theo mạng tin Stratfor)

Hy Lạp về đâu sau tổng tuyển cử?
Hy Lạp về đâu sau tổng tuyển cử?

Sau cuộc bầu cử Quốc hội Hy Lạp, các nhà chính trị trong Eurozone đang dõi theo từng diễn biến ở Hy Lạp để xem điều gì sẽ tiếp tục xảy đến với nước này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN